Bài cuối: Cần chính sách hỗ trợ người chăn nuôi
(Baonghean) - Trong khi giá gas đang tăng cao thì nguồn năng lượng khí sinh học (KHS) từ phân gia súc, gia cầm ở một số địa phương đang bị bỏ phí. Không phát huy được lợi ích, nhiều vùng nông thôn phải chịu ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi gây nên.
(Baonghean) - Trong khi giá gas đang tăng cao thì nguồn năng lượng khí sinh học (KHS) từ phân gia súc, gia cầm ở một số địa phương đang bị bỏ phí. Không phát huy được lợi ích, nhiều vùng nông thôn phải chịu ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi gây nên.
Hưng Nguyên là huyện được đánh giá có tiềm năng trong chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 18.000 con trâu bò, 11.000 con lợn. Từ năm 2003, huyện đã xây dựng được 200 hầm khí biogas trong khuôn khổdự án, tập trung nhiều ở các xã Hưng Trung, Hưng Thịnh. Nhưng bên cạnh đó, còn có những xã "trắng" về hầm khí biogas như Hưng Xuân, Hưng Nhân. Những xã có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn như Hưng Long, Hưng Lam, Hưng Châu nhưng số lượng hầm biogas được xây dựng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm 2011, toàn huyện chỉ xây dựng thêm được 11 hầm. Ông Nguyễn Đình Hùng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện cho biết: "Phong trào xây dựng hầm khí biogas trong huyện rất kém, mặc dù chúng tôi đã thường xuyên vận động, tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi".
Mỗi tháng chị Lê Thị Hoa xóm 2, xã Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu) tiết kiệm được 300 ngàn đồng nhờ sử dụng khí biogas
Còn huyện Nghi Lộc, tổng đàn chăn nuôi được đánh giá là rất lớn. Toàn huyện hiện có khoảng 48.000 con trâu bò, 103.049 con lợn, đàn gia cầm hơn 1,3 triệu con. Đây là nguồn chất thải quan trọng cho việc xây dựng hầm khí biogas trên địa bàn. Từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 600 hầm khí biogas được xây dựng. Nhưng càng ngày số lượng này càng giảm. Năm 2011, toàn huyện chỉ xây dựng thêm được 19 công trình.
Ông Cao Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: "Hiện nay, người chăn nuôi không có sự lựa chọn nhiều khi tham gia do dự án yêu cầu chỉ áp dụng cho công nghệ hầm dạng vòm cầu nắp cố định. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường có rất nhiều công nghệ khác nhau. Hơn nữa, không phải đội ngũ thợ xây nào cũng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe khi xây hầm biogas. Mặc dù chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn tay nghề, đào tạo kỹ năng nhưng năng lực của nhiều thợ vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều hầm xây xong không kín khí, phải bỏ đi".
Sự sụt giảm về số lượng hầm khí biogas trong thời gian qua nguyên nhân chính là do tình trạng tái đàn trong chăn nuôi đang giảm mạnh, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả biến động thất thường làm nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Trước tình trạng "nay nuôi, mai bỏ", họ dù rất muốn xây hầm khí biogas nhưng không dám. Trường hợp nhiều hộ chăn nuôi ở xã Hưng Thịnh(Hưng Nguyên) là một ví dụ. Khi chăn nuôi thuận lợi, nhiều hộ hào hứng xây dựng hầm, nhưng hiện nay, hầm đang bỏ không vì đàn lợn trong nhà đã bán do thua lỗ.
Chi phí để xây dựng một hầm biogas "vượt quá" khả năng đối với nhiều hộ chăn nuôi. Theo tính toán, để xây dựng 1 hầm khí biogas, phải bỏ ra từ 5- 15 triệu đồng (tương đương hầm có thể tích từ khối), trong khi nguồn hỗ trợ từ dự án là quá ít (1,2 triệu đồng/công trình). Vì vậy, việc phát triển mô hình này đến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Minh, xóm 2 xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) cho biết: "Bỏ ra hơn 10 triệu đồng để xây hầm là vượt quá khả năng của chúng tôi, tiền vật liệu xây dựng, tiền nhân công đắt đỏ, số tiền mà dự án hỗ trợ không đủ trả tiền công xây dựng".
Trong khi một bộ phận người chăn nuôi chưa nhận thức được hiệu quả của hầm khí biogas thì vấn đề ô nhiễmmôi trường đang gây ra những tác hại khôn lường. Xã Hưng Châu lâu nay được biết đến với làng nghề nấu rượu và chăn nuôi lợn. Nguồn thu từ chăn nuôi chiếm tỷ trong cao trong tổng thu toàn xã. Với tổng đàn trâu bò là 725 con, đàn lợn là 2.300 con. Trong xã, có đến 70% hộ dân chăn nuôi trâu, bò và lợn. Hộ nuôi ít thì 4-6 con, nhiều thì trên 20 con. Điều kiện thuận lợi như vậy nhưng cả xã chỉ xây được 5 công trình. Mặc dù ở Hưng Châu đường ngõ được bê tông hóa nhưng các lối thoát nước đều đen ngòm phân rác. Dân xã này lo nước thải tù đọng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm. Mỗi khi trời mưa, nước dềnh lên đường làng. Vào mùa hè, mùi phân lợn cộng với mùi men rượu bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Trước những thực tế đó, những giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường cần được quan tâm hơn nữa. Theo các nhà chuyên môn,một điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, trong đó mũi nhọn là ứng dụng hầm khí biogas và lồng ghép chăn nuôi vào các trang trại theo mô hình sinh thái VAC. Bên cạnh công tác quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào bảo vệ môi trường thì giải pháp cụ thể lúc này là cần có những chính sách hỗ trợ người dân trong việc xây dựng hầm khí biogas.
Phạm Bằng