Bài cuối: Cần có chính sách phù hợp khi chuyển đổi nghề

19/06/2013 11:00

Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thiếu phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp, thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong tạo việc làm mới cho người lao động hay như vấn đề xóa bỏ những lò thủ công của làng nghề truyền thống ngói Cửa -Tân Kỳ (vì phù hợp với quy hoạch, nhưng chưa phù hợp về công nghệ sản xuất)… Đó là những vấn đề cần được giải quyết trong việc thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công ở tỉnh ta.

>Bài 2: Nhiều địa phương chưa vào cuộc

Qua trao đổi với một số chủ lò gạch ở Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương… thì phần lớn họ đều cam kết thực hiện việc dỡ bỏ lò gạch thủ công vào cuối tháng 12/2013, nhưng vẫn còn băn khoăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ sau khi dỡ bỏ, vì đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền của vào xây dựng, kinh doanh gạch, hơn nữa hợp đồng của một số chủ lò gạch với chính quyền địa phương hiện vẫn còn hiệu lực trong một vài năm nữa, trong khi đó, dỡ bỏ lò gạch lại không được hỗ trợ để chuyển đổi sang nghề khác, gây thiệt hại kinh tế cho người dân và kèm theo đó là rất nhiều lao động mất việc làm.



Sản xuất gạch bằng công nghệ lò nung tuynel tại Công ty CP Gạch ngói & xây lắp Hưng Nguyên.

Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với cán bộ Sở Xây dựng và được giải thích rằng: Việc xóa bỏ lò gạch thủ công tại Nghệ An được thực hiện theo đúng lộ trình và đã được các cấp, ngành liên quan thông qua (cuối năm 2013 là thời hạn cuối cùng xóa bỏ tình trạng sản xuất lò gạch thủ công) và được thông tin rộng rãi đến với người dân. Như vậy, người lao động và chủ lò gạch có thời gian để chuẩn bị cho phương án thực hiện và đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc xóa bỏ lò gạch thủ công.

Khó khăn cho các chủ lò gạch khi đã đầu tư khá nhiều tiền vào lò gạch nay phải phá dỡ, nên một số lò đã dừng đốt gạch nhưng vẫn để lại vỏ lò. Một số trường hợp chính quyền địa phương cho phép sản xuất hết nguyên liệu hay kéo dài để bán hết gạch tồn trong kho, bãi… Tại thời điểm này, nguyện vọng đó cần được xem xét hợp lý, nhưng chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần quản lý, giám sát chặt chẽ, bởi sẽ không loại trừ các chủ lò gạch lợi dụng vào lý do này để “chây ỳ” việc xóa bỏ lò thủ công và sản xuất chui.

Lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho rằng: “Kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết tình trạng sản xuất lò gạch thủ công ở Nghi Lộc là sau khi các chủ lò hết hợp đồng, thanh lý hết sản phẩm cần tiến hành dỡ bỏ ngay lò đốt. Việc làm này sẽ giải quyết triệt để được tình trạng tái diễn sản xuất lò gạch thủ công. Mặc dù chưa có chính sách hỗ trợ cho việc dỡ bỏ lò gạch thủ công, nhưng sắp tới huyện sẽ trình HĐND huyện thông qua chủ trương hỗ trợ cho những chủ lò gạch tự giác dỡ bỏ”.

Trong phần kiến nghị của các địa phương gửi bằng văn bản đến Sở Xây dựng, cùng với đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thì việc chuyển đổi nghề cũng được đề cập đến khá nhiều. Có nhiều chủ lò gạch và người lao động trở nên thất nghiệp sau khi không sản xuất gạch vì không có phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp, kịp thời. Hơn nữa lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư sản xuất ngành, nghề mới.

Được biết, hiện nay một số chủ lò gạch thủ công có nguyện vọng đầu tư chuyển đổi sang sản xuất gạch ngói công nghệ lò tuynel, nhưng hiện nay tỉnh ta đang có chủ trương chưa cấp phép cho các dự án đầu tư mới sản xuất gạch ngói bằng công nghệ lò nung tuynel, mà khuyến khích chuyển sang các dự án đầu tư gạch ngói không nung (hiện nay mới chỉ có 4 chủ đầu tư tại TP Vinh và Nghi Lộc xin dự án sản xuất theo công nghệ sản xuất không nung). Các chủ lò gạch và người lao động đang rất khó khăn trong việc tìm lời giải cho bài toán sau khi dỡ bỏ lò gạch thủ công.

Đặc biệt, một vấn đề vướng mắc hiện nay tại làng nghề ngói Cừa Tân Kỳ là 158 cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công (trong đó có 28 lò gạch nung thủ công); phần lớn cơ sở sản xuất này là phù hợp với quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh, nhưng vì đã đầu tư từ năm 2006 đến nay nên không phù hợp về công nghệ và nếu dỡ bỏ sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của làng nghề truyền thống này.

Ông Lê Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất gạch tuynel Nghệ An cho biết: “Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2017, tại khu vực đồng bằng, đô thị (thành phố, thị xã, thị tứ), nơi gần khu dân cư, gần khu vực canh tác nông nghiệp phải chấm dứt toàn bộ việc đốt lò gạch nung thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Trong đó, lò thủ công đến năm 2013 chấm dứt hoạt động.

Đối với lò thủ công cải tiến, chấm dứt hoạt động vào năm 2015; lò đứng liên tục chấm dứt hoạt động vào năm 2017. Như vậy, trong thời gian tới “áp lực” về chuyển đổi nghề nghiệp của lĩnh vực sản xuất gạch ngói nung là rất lớn, nên các cấp, ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ kịp thời về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư... nhằm hỗ trợ chủ lò gạch và người lao động chuyển đổi ngành, nghề”.


Hoàng Vĩnh - Anh Tuấn

Mới nhất
x
Bài cuối: Cần có chính sách phù hợp khi chuyển đổi nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO