Bài cuối: Cần hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống
PV: Với 6 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc mang một “hương vị” riêng góp phần làm nên một xứ Nghệ đậm đà bản sắc. Để góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An, thời gian qua, chúng ta đã có những biện pháp nào, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền và ban ngành quan tâm, tạo điều kiện và đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Có thể nói, thành công lớn nhất đó là chúng ta đã khôi phục hàng loạt các hoạt động lễ hội trong dịp đầu xuân năm mới, ví như: Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa), Lễ hội Hang Bua (Qùy Châu), Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương)... Bên cạnh đó, một số huyện đã tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc đang ngày càng phát triển về quy mô, hoàn thiện về kịch bản cũng như khâu tổ chức và ít nhiều mang giá trị bản sắc của từng vùng miền, dân tộc. Điều quan trọng hơn là việc khôi phục các lễ hội đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của bà con các trong dịp tết đến, xuân về. Lễ hội đã tạo ra một không gian đặc trưng để các làn điệu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian các dân tộc có dịp được hồi sinh và phát triển.
Thông qua lễ hội, các địa phương có thêm điều kiện quảng bá bản sắc văn hóa vùng, miền. Cùng với việc khôi phục lễ hội, thời gian qua, các huyện Qùy Hợp, Tương Dương, Qùy Châu, Quế Phong đã mở được hàng chục lớp truyền dạy chữ Thái cổ. Đối với dân tộc Ơ đu, một trong những dân tộc ít người nhất cả nước và chỉ cư trú trên địa bàn huyện Tương Dương đang đối diện với nguy cơ bị mai một, trong vòng mấy năm lại nay, huyện Tương Dương đã tổ chức được một số lớp học tiếng Ơ đu. Thực hiện chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, từ năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội diễn Văn nghệ - Giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số theo định kỳ thời gian 3 năm/lần. Qua đó phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, bổ sung vào phong trào văn hóa - văn nghệ. Đặc biệt là sự ra đời và phát triển của mô hình câu lạc bộ (CLB) dân ca - nhạc cụ dân tộc. Tiêu biểu ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Qùy Hợp...
Để góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc, năm 2011, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An trên cơ sở Đoàn ca múa kịch Hương Sen, với mục đích tăng cường số lượng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, sưu tầm, phát huy, xây dựng nhiều chương trình dân ca, dân nhạc, dân vũ mang đậm bản sắc vùng miền Tây xứ Nghệ. Có thể nói, Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc xứ Nghệ.
P.V: Được biết, nguồn vốn mà tỉnh đầu tư cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số miền Tây hiện nay còn rất khiêm tốn. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Phạm Tiến Dũng: Nguồn ngân sách đáng kể từ Quyết định 147/2005/CP của Chính phủ cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa miền Tây xứ Nghệ đã có tác động tích cực, từng bước làm thay đổi diện mạo các vùng dân cư dọc đường 7 và đường 48. Bình quân, mỗi năm ngân sách tỉnh “rót” xuống để thực hiện chính sách này khoảng trên dưới 7 trăm triệu đồng (bao gồm cả việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian, truyện kể, các loại hình âm nhạc, các điệu múa, trò chơi đồng giao truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Thổ. Kinh phí còn lại sẽ được dùng bảo tồn văn hóa vật thể như bảo tồn các loại kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, dân tộc Ơ đu; trang phục đặc trưng của các dân tộc Thái, Mông, Ơ đu, Thổ và Khơ mú; nghề đan lát, rèn, dệt thổ cẩm…). Do ngân sách hạn hẹp nên 5 năm qua, chương trình mới chỉ tổ chức được 19 lớp phổ biến chữ Thái; sưu tầm các loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số, thu thanh và ghi hình các làn điệu dân ca; tổ chức 2 hội diễn văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An… Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An đang đứng trước những khó khăn nhất định về ngân sách, về chính sách hỗ trợ cho các CLB, cho các nghệ nhân, cho việc sưu tầm... Bên cạnh đó, số lượng người am hiểu về vốn văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số đang ít dần, cần phải có nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Nguồn ngân sách hạn hẹp cũng đang là vướng mắc cần tháo gỡ và cần sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội.
P.V: Nghệ An là tỉnh có tiềm năng về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, nhất là ở các huyện miền Tây xứ Nghệ. Thời gian qua chúng ta đã đầu tư nhưng chưa hiệu quả. Nếu được quan tâm đúng mức sẽ rất phát triển, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các huyện miền Tây, thời gian qua, ngành VHTT và DL cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển du lịch miền Tây Nghệ An gắn với cộng đồng”. Đây là khu vực rộng lớn có 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và nhiều nét văn hoá độc đáo như: Di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa ở Con Cuông, đền Chín Gian ở Quế Phong, di chỉ Làng Vạc ở Thị xã Thái Hoà… Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá đặc sắc chính là tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Nhiều tuor du lịch tham quan Vườn quốc gia Pù Mát, thác Xao Va, thác Kèm…đã được tổ chức phục vụ du khách, nhất là khách thăm Vườn quốc gia Pù Mát.
Tuy vậy, nhìn chung công tác phát triển du lịch miền Tây Nghệ An đến nay vẫn đang trong bước chuẩn bị, nhiều tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ; tiềm năng du lịch miền Tây chưa được quảng bá sâu rộng và thường xuyên tới du khách và thị trường du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, lượng du khách hàng năm đến miền Tây vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Để khai thác du lịch miền Tây một cách bền vững và thân thiện, thời gian tới cần tập trung đầu tư vào các dự án như xây dựng các điểm dịch vụ tại đập Phà Lài, bản Cò Phạt, thác Kèm; đầu tư mở đường từ đường 7 vào bản Tùng Hương và đường đi bộ leo núi vào rừng cổ thụ Pù Xiêm Liệp; đầu tư dự án phục hồi Thành Trà Lân, nâng cấp đường vào bia Ma Nhai. Tuyến du lịch Quỳ Châu - Quế Phong tập trung vào dự án xây dựng khu du lịch sinh thái thác Xao Va, mở thêm các tour du lịch lễ hội Hang Bua, lễ hội đền Chín Gian…. Cùng với việc tập trung đầu tư, mở các tour, tuyến du lịch mới, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cho miền Tây trên nhiều mặt như: giáo dục ý thức cộng đồng với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, tránh không bị mai một; tuyên truyền nâng cao hình ảnh du lịch miền Tây, nhất là giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù của miền Tây bằng nhiều hình thức đa dạng như tập gấp, đĩa CD, VCD, phim du lịch, mở trang web du lịch miền Tây Nghệ An.
P.V: Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ định hướng thời gian tới tập trung vào nội dung nào?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trước hết, về phía các cấp ủy đảng, chính quyền ở từng địa phương phải luôn luôn có nhận thức đúng và kết hợp hài hòa giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền Tây xứ Nghệ với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Một số chuyên gia văn hóa cho rằng, các huyện miền núi, Trung tâm Văn hóa miền Tây xứ Nghệ cần xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Điển hình là các huyện Anh Sơn, Tương Dương hay bảo tàng huyện Quỳ Châu hiện nay thực sự đang là những địa chỉ đáng tin cậy, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ.
Tuy rằng, các nhạc cụ trưng bày ở đây còn quá khiêm tốn. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các lễ hội như hiện nay tại miền Tây thì các cấp, các ngành và địa phương cần phải lựa chọn các lễ hội thật sự tiêu biểu để lưu giữ và duy trì. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ còn 54 bản của các dân tộc thiểu số lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống (bản làng cổ). Ngần ấy bản làng còn lại so với một vùng văn hóa rộng lớn của hơn 11 huyện, thị xã miền Tây xứ Nghệ quả là một con số đáng báo động trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số nơi đây. Vì thế, cần nhanh chóng thành lập các chi hội nghiên cứu, bảo vệ các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở các huyện, xã, làng, bản để làm nòng cốt. Tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hoá, văn nghệ để lựa chọn và biểu dương các nghệ nhân, nghệ sĩ có kiến thức, tư liệu di sản văn hoá quý, góp phần làm phong phú cho kho tàng văn học, nghệ thuật Nghệ An và cả nước nói chung, miền Tây Nghệ An nói riêng. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ tối đa về vật chất, tinh thần, khoa học của các cơ quan, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phương tiện kỹ thuật cho việc bảo tồn các di sản văn hoá.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
Thanh Thủy (thực hiện)