Bài cuối: Cần thay đổi nhận thức

17/03/2013 16:27

Khi thực tế số lượng sinh viên đại học ra trường ngày càng có ít cơ hội tìm kiếm việc làm ở các cơ quan, đơn vị thì ở một số công trường, nhà máy, các khu công nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh dường như vẫn còn khát một nguồn lực là thợ lành nghề. Và ở nông thôn, vẫn còn thiếu những “nông dân cao cấp” đã qua đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề. Thế nên vấn đề đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu xã hội vẫn đang là đề tài nóng bỏng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành liên quan.

> Xem Bài 1: Chỉ vì “hót” và “oai”

Năm 2009, khi ông Ngô Văn Lập (xóm 5, Thanh Hương, Thanh Chương) cho con trai đầu đi học lớp Trung cấp thú y và kỹ thuật cây trồng thì mọi người đều tỏ ý e ngại. “Đã không học thì ở nhà làm nông dân, mà đã được học hành tử tế thì học nghề chi cho thoát khỏi con trâu, cái cày... Đằng này lại học chăn nuôi với trồng trọt...”. Lời ra, tiếng vào bàn tán nhưng do nhu cầu thiết thực của gia đình nên ông Lập vẫn cho con theo học. Nhà ông làm trang trại tổng hợp: trồng cây nguyên liệu, nuôi lợn, trâu, bò, dê; ao thả cá... với diện tích lên đến 10ha. Lâu nay, khi đến vụ ươm, ông phải thuê kỹ thuật về làm; hay con trâu, con lợn có bệnh ông phải tất tả ngược xuôi tìm thú y xã, huyện. Vừa vất vả, không chủ động được công việc lại tốn kém. Từ năm 2011 đến nay, khi cậu con trai cả ra trường, về làm cán bộ thú y cho trang trại của bố. Được học hành bài bản, nắm vững kiến thức khoa học, kỹ thuật nên cậu con trai cả hỗ trợ rất nhiều trong công việc làm ăn của gia đình. Nhờ đó, trang trại của ông Lập ngày càng phát triển về quy mô cũng như hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi năm cho thu nhập 2-2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Không chỉ phục vụ cho gia đình, cậu còn là thú y viên của xóm, giúp đỡ cho nhiều hộ chăn nuôi trong vùng, vừa được thể hiện tay nghề, vừa tăng thêm thu nhập.

Trong khi bạn bè “bạc mặt” ngược xuôi kiếm việc thì Hoàng Xuân Lâm (Lê Lợi, TP.Vinh) yên tâm với nghề sửa chữa và làm nội thất ô tô. Mất 18 tháng theo học Trung cấp nghề bảo trì và sữa chữa ô tô ở Trường CĐ nghề Giao thông Vận tải miền Trung, ra trường, với tay nghề vững, Lâm xin vào làm ở các xưởng sửa chữa lớn ở Thành phố Vinh, làm thêm ngoài giờ khi có khách hàng gọi. Mới ra trường 2 năm, nhưng hiện tại, mỗi tháng thu nhập của thợ có tay nghề như Lâm lên đến 8 triệu đồng/tháng. Lâm dự định, sau khi gom được ít vốn sẽ mở xưởng riêng chuyên làm nội thất ô tô.



Một tiết thực hành kỹ thuật hàn của sinh viên Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Theo học nghề hàn tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, ước muốn tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định từ bàn tay, khối óc đã giúp Lê Văn An (Hưng Thông, Hưng Nguyên) không ngừng cố gắng ngay từ những ngày đầu tiên đến với trường nghề. Mất một năm rưỡi học tập, năm 2012, tốt nghiệp ra trường, được công nhận chứng chỉ nghề quốc gia, An may mắn được một nhà máy ở Hàn Quốc tuyển dụng với mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của An đã thực sự đổi thay.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 70 cơ sở dạy nghề như: Trường Đại học SPKT Vinh, Trường CĐ nghề kỹ thuật Việt - Đức, Trường Cao đẳng GTVT miền Trung, Trường CNKT xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Trường CĐ nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An… trung bình mỗi năm khoảng 4.500 chỉ tiêu CĐ nghề; Trung cấp nghề: 6.000 chỉ tiêu. Theo báo cáo của Phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH thì có đến 80% lao động qua đào tạo ở các trường nghề tìm được việc làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước. Hiện cả nước có trên 240.000 doanh nghiệp, số lao động qua đào tạo nghề đang thiếu tại các doanh nghiệp khoảng từ 1,4 đến 1,7 triệu người/năm. Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề đang rộng mở... Trong khi đó, học đại học tốn kém cả thời gian, công sức và tiền bạc nhưng để kiếm được việc làm theo đúng ngành đã học chẳng phải dễ dàng gì. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản để so sánh: học ĐH mất ít nhất 4 năm, học phí cao (300-400.000đ/tháng), đầu tư cho 1 sinh viên học đại học mất khoảng 70-80 triệu đồng; chi phí sinh viên học CĐ nghề có mức học phí 2.500.000đ/năm, 3 năm học tốn kém khoảng 35-40 triệu đồng; học phí Trung cấp nghề là 2.000.000đ/năm, học trung cấp chỉ mất 18 tháng, chi phí hết khoảng 20 -25 triệu đồng… Từ đó, học sinh, phụ huynh có thể cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn ngành, chọn nghề cho con em mình.

Bất cập nhất là trong lúc các khối ngành kinh tế đang “bội thực” nguồn cung thì ở khối ngành Nông-Lâm-Ngư lại rơi vào cảnh “cầu thừa, cung thiếu”. Các trang trại, gia trại, các công ty vật tư, nông nghiệp đang rất cần những người có nghiệp vụ về thủy sản, thú y, nông lâm nhưng rất khó để tuyển dụng. Theo số liệu từ khoa Nông-Lâm-Ngư, Trường ĐH Vinh, tính đến thời điểm hiện nay, khoa có trên 1.000 sinh viên ra trường, 100% có việc làm ổn định, trong đó gần 100 sinh viên trong thời kỳ thực tập ở Israel với mức thu nhập mỗi tháng khoảng 800 – 1.000USD; nhiều em hiện giữ các chức danh chủ chốt ở các công ty, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp như Công ty Sữa T.H; Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam; Công ty giống cây trồng Nông hữu... Hoặc như ở Trường CĐ kinh tế-Kỹ thuật Nghệ An, có đến 90% sinh viên các ngành kỹ thuật cây trồng; kỹ thuật chăn nuôi ra trường đều có việc làm ổn định. Song trên thực tế, số lượng thí sinh dự thi vào lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư rất hạn chế. Mùa tốt nghiệp năm 2011, Trường ĐH Vinh nhận được 300 yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư, trong khi chỉ có 185 sinh viên. Như vậy số lượng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Và hàng năm, với mức điểm trúng tuyển nhiều ngành chỉ ngang bằng với điểm sàn, các trường có đào tạo ngành Nông – Lâm – Ngư vẫn phải “cầu cứu” đến các NV2, NV3 nhưng chưa chắc đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Cũng thuộc lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư, theo số liệu từ Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay 477/480 xã, thị có mạng lưới thú y cơ sở, với 477 cán bộ thú y, trong đó có 21 người trình độ ĐH, 398 ngươi có trình độ trung cấp và 58 người có trình độ sơ cấp. Tuy nhiên, số thú y viên mới chỉ có 2-5 người/xã, theo đó còn thiếu hàng trăm thú y viên thôn, bản. Điều đáng phấn khởi là tuy còn nhiều khó khăn nhưng 100% cán bộ thú y cấp xã được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước hàng tháng và các thú y viên hoạt động ở các thôn, xóm, tuy không được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước nhưng đã có thu nhập khá ổn định từ hành nghề dịch vụ kỹ thuật cho người chăn nuôi ngay tại địa bàn. Nhưng số lượng học sinh khi học xong THPT đăng ký thi vào những ngành này rất hiếm. Mùa tuyển sinh 2012, trong tổng số 83.530 hồ sơ đăng ký dự thi, thì tỷ lệ đăng ký dự thi khối ngành này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì đòi hỏi số lượng lớn lao động có tay nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tiêu chí đưa cơ giới hóa vào sản xuất đòi hỏi người nông dân phải nắm được các kiến thức cơ bản về máy móc, các sử dụng, bảo trì, sửa chữa. Đặc biệt, khi nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cơ bản trong cơ cấu kinh tế, lao động khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu nhưng qua đào tạo rất ít, đó là điều chúng ta cần lưu tâm khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn Nghệ An là 1.472.232 người, chiếm 89,1%, trong khi đó, lực lượng lao động nông thôn đã được đào tạo chỉ chiếm tỉ trọng 10,3% và chủ yếu là trình độ sơ cấp và trung cấp (6,4% tổng lực lượng lao động), số lao động khu vực nông thôn đạt trình độ cao đẳng trở lên chiếm 3,9% tổng lực lượng lao động nông thôn. Vậy nên, làm thế nào để thay đổi nhận thức của các thí sinh, làm thế nào tạo ra cho các em lòng yêu nghề, mong muốn gắn bó và phục vụ nông nghiệp… đòi hỏi công tác tư vấn, định hướng cho các em cần được chú trọng.

Nhận thức lệch lạc, thiếu định hướng, về nghề nghiệp, thiếu sự cập nhật về nhu cầu việc làm của xã hội đang là thực trạng đáng cảnh báo trong giới trẻ hiện nay. Do đó, phụ huynh cần định hướng cho con em mình hướng nghiệp, chọn nghề đúng đắn, không nên vì tâm lý sính bằng cấp mà ép con phải học những ngành, trường “hot”, “oai”, nhưng lại khốn đốn đầu ra và vất vả trong cuộc sống. Đối với các em học sinh, phải tìm hiểu, nắm bắt thông tin, nhất là nhu cầu việc làm để lựa chọn cho mình ngành, nghề phù hợp, xây dựng cho mình tương lai ổn định.

Đặc biệt, đối với các ngành, cơ quan chức năng: Sở GD&ĐT; Đoàn Thanh niên, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, chính quyền các địa phương… và đặc biệt là các bậc phụ huynh cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, định hướng phân luồng học sinh từ bậc THCS, giúp họ đánh giá, lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, xoá bỏ định kiến xem thường việc học nghề trong giới trẻ. Các trường ĐH, CĐ, trung cấp cần đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ của các cơ quan, doanh nghiệp; quá trình đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm phải dựa trên nhu cầu thực tiễn của địa phương, gắn với các đề án kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho sinh viên sau tốt nghiệp.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Bài cuối: Cần thay đổi nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO