Bài cuối: Đầu tư đúng mức - yếu tố quyết định hiệu quả

04/12/2012 20:14

> Xem Bài 3: Thiếu sự chỉ đạo quyết liệt

Từ thực tế sản xuất trong nhiều năm qua tại các huyện, thành, thị trong tỉnh và các địa phương trên toàn quốc, đã khẳng định vụ đông không chỉ là vụ sản xuất chính mang lại giá trị thu nhập cao, mà đó còn là vụ sản xuất có nhiều lợi thế để tạo ra các sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, đưa nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.

Cũng không thể phủ nhận vị trí quan trọng của vụ đông là vụ sản xuất đã góp phần tăng nhanh hệ số sử dụng đất, giá trị trên đơn vị diện tích, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội như: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trong nông thôn; khắc phục tình trạng lao động nông nhàn, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội làm cho “người siêng, đất siêng”. Phát triển vụ đông sẽ là điều kiện tốt để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của nông nghiệp như các công trình thủy lợi: hồ đập, kênh mương, trạm bơm, các đơn vị dịch vụ sản xuất có thêm việc làm. Các nhà máy có thêm nguyên liệu hoạt động hiệu quả. Thị trường thực phẩm thêm dồi dào các sản phẩm tươi, giảm áp lực về tình trạng nông sản phẩm khan hiếm, giá cả đắt đỏ. Vụ đông còn cung cấp thêm nguồn thức ăn bổ sung trong mùa đông giá rét và thời kỳ giáp hạt, góp phần đảm bảo phát triển đàn gia, súc, gia cầm bền vững… Về hệ quả của ngoảnh lưng với sản xuất vụ đông là: lãng phí tài nguyên đất, lao động, đời sống của người dân chậm được nâng cao, ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là chủ trương xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới khó đạt mục tiêu đề ra.

Nghệ An là một tỉnh vừa có đồng bằng, ven biển, trung du và miền núi. Quỹ đất phục vụ cho sản xuất vụ đông không chỉ dồi dào mà rất phì nhiêu, lại phân bố trên nhiều bình độ khí hậu khác nhau.

Thực tế gần 20 năm tổ chức sản xuất vụ đông trên địa bàn đã khẳng định: điều kiện đất đai thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu cho phép mỗi năm làm tốt toàn tỉnh có thể đạt diện tích 70-75 ngàn ha, chứ không phải 45-50 ngàn ha như hiện nay, với tập đoàn cây trồng phong phú, đa dạng, đạt hiệu quả như: ngô, khoai, đậu, bầu, bí, rau các loại. Nhiều huyện miền núi: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn có thể khai thác đưa vào sản xuất cây rau màu cao cấp hàng hóa trên diện tích hàng chục ngàn ha. Đó được coi là lợi thế vô cùng quan trọng của tỉnh. Nhưng điều mà mỗi cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị, cán bộ và đảng viên cần phải vào cuộc thể hiện trách nhiệm trước câu hỏi: Vì sao sản xuất vụ đông vẫn còn phập phù, ngày một giảm sút về diện tích, sản lượng giá trị đạt thấp? Như chúng ta đã đề cập, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân còn lệch lạc, cấp ủy chính quyền chưa tận tâm, tận lực, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Liệu ngoài những yếu tố trên, còn lực cản trở nào nữa không? Có phải vụ đông ngưng trệ do tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại? Hay tư tưởng ngại khó, dễ làm khó bỏ gây lực cản? Rồi thị trường đầu ra cho sản phẩm kém và việc tổ chức và đầu tư sản xuất chưa tốt…

Tìm hiểu ở cơ sở, còn rất nhiều điều phân tâm của người dân chưa có câu trả lời thoả đáng, dẫn đến sản xuất vụ đông ở tỉnh ta vẫn tồn tại tình trạng nói nhiều làm ít, nhiều người thật sự chưa hài lòng và có đôi lúc còn bức xúc bởi cách chỉ đạo tắc trách, như: Tại sao vận động nhân dân sản xuất vụ đông trên ruộng 2 vụ lại chưa có phương án đầu tư phòng tránh tối ưu về bố trí cây trồng, né tránh thiên tai, tiêu thoát nước tốt, bảo vệ an toàn sản xuất, còn để mưa lũ gây úng ngập làm hư hỏng cây trồng, gây thiệt hại cho người dân? Khi nông dân lâm vào cảnh mất trắng, chỉ được hỗ trợ mấy hạt giống đã đủ để chia sẻ, động viên, an ủi bà con an tâm tích cực làm vụ đông chưa? Rồi một số vùng do quá trình triển khai các dự án như giao thông, khu công nghiệp đã làm ách tắc hệ thống tiêu úng như xây dựng đường tránh Vinh làm diện tích, sản xuất vụ đông vùng Tây và Nam huyện Hưng Nguyên bị chậm thoát lũ, gây úng ngập sau những trận mưa vài trăm "ly"? Rồi hệ thống tiêu thoát cho vùng Bắc Nghệ An liệu đã được quan tâm đầu tư tối ưu bảo đảm sản xuất không bị ngập úng, mất mùa, thiệt đơn thiệt kép? Ai sẽ làm "bà đỡ" tận tuỵ để giúp đồng bào các dân tộc miền núi giải quyết những vướng mắc về bố trí cây trồng, kỹ thuật trồng chăm sóc, bảo vệ và tiêu thụ nông sản, tích cực tham gia phát triển vụ đông!



Cán bộ phòng Nông nghiệp và các HTX trong huyện Diễn Châu thường xuyên bám đồng ruộng chỉ đạo sản xuất. Ảnh: Văn Đoàn.

Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất lắm rủi ro, trong đó vụ đông lại càng rủi ro nhiều. Đầu vụ thường xuyên bị mưa lụt đe dọa, giữa vụ sâu bệnh, chuột hại phát sinh phát triển phức tạp. Trong khi mục tiêu đặt ra lại rất cao, đòi hỏi phải tập trung chuyên canh tạo sản phẩm hàng hóa, phải tạo giá trị thu nhập. Muốn như vậy, trước hết ngân sách và người dân cần đầu tư đúng mức? Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp luôn phải làm hết trách nhiệm của mình để tham mưu giúp tỉnh có những cơ chế, chính sách đòn bẩy khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vụ đông. Mặt khác có thể đặt ra câu hỏi mỗi năm cả tỉnh đầu tư chưa tới 100 tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp thì vụ đông được bao nhiêu tỷ? Trong đó người dân được bao nhiêu, doanh nghiệp được bao nhiêu để tạo động lực đưa nhanh tiến bộ và các loại giống mới vào đầu tư thâm canh, góp phần hình thành được bao nhiêu vùng chuyên canh tập trung cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư và tiêu thụ nông sản. Rồi vấn đề như có doanh nghiệp vào bị rủi ro thiên tai không ai chia sẻ, "cao chạy xa bay" như doanh nghiệp nước ngoài vào liên kết với HTX Thanh Liên (Thanh Chương) trồng đậu đũa để xuất khẩu cách đây 5 năm.

Như vậy, sản xuất vụ đông đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém từ khâu chuẩn bị kế hoạch, biện pháp chính sách cho đến công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành. Ông Hoàng Văn Phi- Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên thẳng thắn bộc bạch tình hình tại địa phương này: “Cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất vụ đông hiện nay là chưa đúng tầm, công sức thời gian dành cho sản xuất vụ đông chưa thỏa đáng”.

Để có được vụ đông như mong đợi, các cấp ủy, chính quyền, ngành Nông nghiệp cũng như mỗi nông dân, cần phải tự đánh giá xác định tinh thần, trách nhiệm để sớm có những hành động và việc làm thiết thực, hiệu quả, nhanh chóng khắc phục tình trạng nói nhiều làm ít, nói hay làm kém. Có nhiều ý kiến đề nghị thực hiện đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (Khoá XI) lần này, các cấp ủy đảng cần làm rõ ý thức trách nhiệm của tập thể cấp uỷ, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, quản lý điều hành sản xuất vụ đông; đoàn viên, hội viên các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị đã làm đúng, làm tốt chức năng được giao tích cực tham gia vào quá trình sản xuất hay đang đứng ngoài cuộc…


Trên cơ sở đó kịp thời đề ra kế hoạch, biện pháp khắc phục thiết thực, sát đúng. Trong đó, cần lưu ý đổi mới công tác xây dựng kế hoạch theo nguyên tắc dân chủ “một lên hai xuống”, nghĩa là các chỉ tiêu kế hoạch biện pháp sản xuất vụ đông ở từng địa phương phải được xây dựng từ cơ sở, người dân được tham gia thảo luận bàn bạc thống nhất. Chỉ tiêu kế hoạch phải gắn với các biện pháp, nhất là trong điều kiện sản xuất vụ đông luôn đối mặt với sự de doạ của thiên tai, cần sớm đề ra những giải pháp đi kèm tối ưu về chống úng ngập, chống sâu bệnh, chuột, côn trùng phá hại.

Đặc biệt để tạo bước đột phá về hiệu quả, tỉnh cần dành một tỷ lệ ngân sách hợp lý để tạo đòn bẩy huy động các nguồn lực như: trí tuệ, lao động, đất đai, vốn liếng của doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ tư vấn kỹ thuật và người dân, nhằm nhanh chóng xây dựng các vùng chuyên canh rau màu hàng hoá tập trung quy mô lớn như: cây ngô, khoai lang cao sản xuất khẩu, các loại đậu đỗ (đậu tương, bí xanh, dưa chuột) trên đất 2 lúa; các loại rau màu cao cấp trên đất màu; thực hiện tốt việc đầu tư sản xuất gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm, sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao và phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, khen thưởng phải đi đôi với kỷ luật, tránh dưới chặt trên lỏng trong điều hành quản lý.

Đi đôi với tạo đà cho sức sản xuất phát triển, phải chú trọng xây dựng các mối quan hệ sản xuất, nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân; kiện toàn, củng cố nâng cao vị thế vai trò của HTX nông nghiệp trong việc chỉ đạo, phục vụ sản xuất. HTX phải là người đảm nhận làm tốt các khâu: xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, hướng dẫn tư vấn kỹ thuật, cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón, bảo vệ sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm mà không thu bất kỳ khoản chi phí nào từ xã viên… gắn bó quyền lợi với người dân mà không ít HTX như: Diễn Mỹ, Phú Hậu (Diễn Châu), Lưu Sơn (Đô Lương) đang làm rất hiệu quả, trở thành mô hình tốt. Đặc biệt, để góp phần khắc phục khó khăn tâm lý của người dân e ngại, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá cả nông sản lại sụt giảm, sản xuất không hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất một số cây trồng chiến lược (ngô, đậu tương, rau cao cấp) bằng hình thức hợp đồng cho vay ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua lại sản phẩm sau khi thu hoạch theo giá thị trường.

Hiện nay, cả nước đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, sản xuất nông nghiệp nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng, đang đứng trước nhiều thời cơ, thách thức và thuận lợi mới. Mạnh dạn chớp lấy cơ hội và lợi thế huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định đưa sản xuất vụ đông của tỉnh thắng lợi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT: Sản xuất vụ đông trong những năm qua mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn cho tỉnh ta. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tình hình sản xuất ngày càng sụt giảm chưa xứng với tiềm năng. Nông nghiệp là một đối tượng rộng, nhiều lĩnh vực và rất nhạy cảm, bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau. Vì vậy, những người làm nông nghiệp phải chuyên tâm, chuyên sâu, thống nhất cao. Để vụ đông phát triển thì vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó vai trò của đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở là rất quan trọng. Các đồng chí như chủ tịch, phó chủ tịch phòng ban chuyên môn cần nhanh nhạy, đánh giá việc gì cần làm trước, làm sau sớm đưa ra những phương án cụ thể sát với thực tế. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các yếu tố về mặt KHKT, quy hoạch, chuyểnđổi cơ cấu cây trồng phù hợp thì chắc chắn vụ đông sẽ được “hồi sinh”.


Nhóm PV

Mới nhất
x
Bài cuối: Đầu tư đúng mức - yếu tố quyết định hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO