Bài cuối: Để hạn chế hậu quả do rượu

15/12/2011 15:37

(Baonghean) - Hồi chuông cảnh báo

Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, vào lúc 21h30 phút ngày 10/12/2011, chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi được chứng kiến liên tiếp 5 trường hợp được đưa vào cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có 2 trường hợp do rượu gây ra. Bác sỹ - Thạc sỹ Nguyễn Đức Phúc, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu, trong đó riêng cấp cứu những trường hợp có nguyên nhân từ rượu lên đến 10 ca (chiếm khoảng 10%), đa phần là các trường hợp bị TNGT sau khi đã uống rượu bia.

Điển hình, vào ngày 26/11/2011, tại khu vực xã Châu Hội (Quỳ Châu), đoạn gần cầu Treo xã Châu Hội, đã xẩy ra một vụ TNGT hết sức nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, anh Hà Văn Mười (SN 1966) dùng xe máy chở anh Lang Văn Sơn (SN 1966), cùng trú tại bản Tằm 2, xã Châu Hội, Quỳ Châu đi nhận tiền hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Trên đường về 2 người đã ghé vào quán uống rượu. Do đã uống quá nhiều, khi đi đến đoạn nói trên, anh Mười không làm chủ được tốc độ nên lao vào xe tải chở gỗ chạy ngược chiều. Hậu quả là anh Mười tử vong tại chỗ, còn anh Sơn bị thương nặng.

Về phía lực lượng CSGT Công an tỉnh, trong nhiệm vụ tuần tra kiểm soát an toàn giao thông 11 tháng đầu năm đã xử lý trên 131.000 trường hợp vi phạm ATGT, trong số đó, đã xử lý trên 4.000 lượt người điều khiển có nồng độ cồn trong máu cao hơn so với quy định và tạm giữ trên 200 xe ôtô, xe gắn máy liên quan, qua đó tước giấy phép lái xe trên 300 trường hợp. Thế nhưng, những hình thức đó cũng chưa thể khiến người dân hạn chế rượu, bia để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân. Thực tế, số người vi phạm uống rượu, bia tham gia giao thông vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Đó là chưa kể đến việc, cũng xuất phát từ việc "quá chén" mà nhiều đối tượng phải vướng vào vòng lao lý.

Vào ngày 23/11/2011 vừa qua, TAND tỉnh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đặng Công Long (SN 1988), trú tại xã Quỳnh Thiện (nay là Thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu) về tội giết người. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, khoảng 16h30 phút ngày 12/5/2011, tại nhà anh Nguyễn Bá Vương ở khối 4, Thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, sau khi đi uống rượu cùng nhau về, Đặng Công Long và Nguyễn Đức Thịnh trêu chọc nhau, Thịnh dùng tay xô Long ngã vào cánh cửa nhà anh Vương. Trong lúc mất kiểm soát, lại có máu nóng nổi lên khi đã uống nhiều rượu, Long đã với lấy con dao sau cửa đâm vào người Thịnh khiến Thịnh tử vong. Sau khi nghiên cứu hồ sơ phạm tội, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Công Long 13 năm tù, buộc phải bồi thường cho gia đình bị hại 75 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con Thịnh đến lúc 18 tuổi với số tiền 96 triệu đồng.

Những vụ việc nói trên đã cho thấy rằng, hậu quả từ rượu mang lại là hết sức bi đát. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc lạm dụng bia, rượu trong đời sống. Trên thực tế, hậu quả mà nó mang lại không chỉ dừng lại ở việc người chết, kẻ vào tù, mà bản thân mỗi người lạm dụng rượu cũng bị tàn phá sức khỏe, như BS-Ths Nguyễn Đức Phúc cho biết: "Việc lạm dụng rượu một cách thái quá sẽ dẫn đến những nguy hiểm cho sức khoẻ người sử dụng, nhất là các loại rượu gạo nấu thủ công, các loại rượu nguồn gốc không đảm bảo thường có hàm lượng tạp chất, độc tố rất cao. Vì thế, uống nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khô gan, hỏng dạ dày, thậm chí xảy ra ngộ độc rượu có khả năng dẫn đến tử vong".



Một trường hợp tai nạn giao thông do uống rượu khi cầm lái

Cần giải pháp đồng bộ

Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7/4/2008 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu nêu rõ: "Rượu thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế chỉ được đầu tư, sản xuất, kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) rượu khi có đủ điều kiện và có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp". Thế nhưng, việc áp dụng Nghị định này vào đời sống, vào hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Theo bác sỹ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An, hiện nay, việc quản lý các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, để được cấp phép sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, những hộ sản xuất phải có đầy đủ hồ sơ, bao gồm: Đơn xin cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, trong đó phải đảm bảo về quy mô nhà xưởng, cơ sở chưng cất, ủ men, đóng gói thành phẩm; phải đảm bảo thiết bị chưng cất, vệ sinh, đo tửu kế...; đồng thời phải đảm bảo những người làm việc phải đầy đủ sức khỏe, không mắc các bệnh da liễu, bệnh lây nhiễm... Sau khi có đầy đủ điều kiện thẩm định sẽ được Sở Y tế cấp chứng nhận kinh doanh. Thế nhưng, với thực tế các hộ nấu rượu nhỏ lẻ như hiện nay thì việc áp dụng các quy định đó là điều khá xa vời.

Ngay như Chi cục ATVSTP, với trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, quản lý đối với các loại thực phẩm, trong đó có rượu, cũng chỉ mới thực hiện được ở những đơn vị đã có giấy phép kinh doanh, còn đối với những trường hợp nấu rượu tại nhà thì không thể kiểm soát hết, chỉ khi nào có vụ ngộ độc rượu xẩy ra thì mới tiến hành kiểm tra. Đó là chưa kể đến việc, chế tài xử lý đối với những trường hợp này cũng chưa thực sự nghiêm ngặt, khiến cho việc kiểm soát rượu tự nấu vẫn chỉ như là "bắt cóc bỏ đĩa".

Thiết nghĩ, để kiểm soát việc dùng rượu tràn lan như hiện nay, trước hết các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần tuyên truyền một cách mạnh mẽ, sâu rộng để người dân hiểu rõ những tác dụng và tác hại của rượu trong cuộc sống, từ đó hạn chế việc nấu và bán rượu ra thị trường. Và đặc biệt, phải tuyên truyền đến đối tượng sử dụng trực tiếp các sản phẩm đồ uống có cồn nói chung và rượu nói riêng. Nếu cần thiết là áp dụng các hình thức tương tự như tuyên truyền hạn chế hút thuốc lá (đánh thuế cao đối với các hoạt động sản xuất, buôn bán rượu, in các hình ảnh, khẩu hiệu cảnh báo tác hại của rượu đối với sức khoẻ... ).

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là trên cơ sở những văn bản pháp lý, những quy định rõ ràng của pháp luật, để tiến hành thắt chặt công tác quản lý đối với hoạt động nấu rượu thủ công. Kiểm duyệt, kiểm định chặt chẽ chất lượng các loại rượu thủ công. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong việc nấu, bán các loại rượu kém chất lượng, có hàm lượng độc tố cao, gây nguy hại đến sức khoẻ người sử dụng.

Và để hạn chế những hậu quả do rượu gây ra, nên chăng các lực lượng CSGT, CSTT nên đặt chốt kiểm soát tại những nơi thường có nhiều quán ăn, quán nhậu. Làm như vậy chắc chắn sẽ hạn chế được lượng người uống rượu mà vẫn tham gia giao thông, cũng như những phức tạp nảy sinh.


Quảng An

Mới nhất
x
Bài cuối: Để hạn chế hậu quả do rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO