Bài cuối: Đưa chính sách "gần" hơn nữa với người dân

11/08/2015 07:47

(Baonghean) - Có thể nói, một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện nghèo của tỉnh ta cao là do lao động trẻ ở đây thiếu việc làm ổn định. Để xuất khẩu lao động (XKLĐ) thực sự là kênh xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững cho các huyện nghèo theo mục tiêu của Đề án đặt ra, giai đoạn tới, một trong những giải pháp là các cấp, ngành tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền để người dân dễ tiếp cận với chính sách của Quyết định 71/CP.

Như đã đề cập, Quyết định 71 của Chính phủ được thực hiện ở tỉnh ta từ cách đây 5 năm, theo đó, những chính sách dành cho người đi XKLĐ rất thiết thực, nhưng lực lượng lao động trẻ các huyện nghèo Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn đi XKLĐ không được nhiều. Chị Xá Thị Xí - Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn, cho hay: “Lâu nay, Huyện đoàn chưa trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP, mặc dù hàng năm Huyện đoàn có lồng ghép tuyên truyền chương trình này thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn”. Điều đó có nghĩa, các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, trong đó có Huyện đoàn là tổ chức sinh hoạt gắn bó của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Huyện Kỳ Sơn có khoảng hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên, trong đó có khoảng 2 nghìn đoàn viên, thanh niên đã có cuộc sống ổn định tại quê hương, trừ số đoàn viên đang là học sinh, thì Kỳ Sơn còn khoảng 6.000 đoàn viên, thanh niên cần có việc làm ổn định. Để góp phần đáp ứng mong muốn đó, đòi hỏi các cấp, ngành và tổ chức đoàn cơ sở phải giới thiệu địa chỉ lao động tin cậy, dù trong nước hay nước ngoài.

Đào tạo nghề may cho lao động trẻ khu vực Tây Bắc Nghệ An. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Đào tạo nghề may cho lao động trẻ khu vực Tây Bắc Nghệ An. Ảnh: Trần Ngọc Lan

Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Kha Đình Phê - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, cho rằng: Để con em vùng đặc biệt khó khăn đi XKLĐ theo Quyết định 71/CP, Nhà nước cần giới thiệu nhiều công ty có uy tín về hoạt động, tư vấn, đồng thời mở rộng thị trường lao động sang các nước có thu nhập cao hơn. Phía Nhà nước cần xem xét tăng kinh phí để đáp ứng các thị trường có thu nhập cao, hiện nay ngân hàng cho vay tối đa 30 triệu đồng, trong khi XKLĐ sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc kinh phí cao, người dân không có điều kiện đầu tư. Tuy nhiên, đối với con em vùng đặc biệt khó khăn, thị trường XKLĐ sang Malaysia có thể là phù hợp nhất, bởi chi phí thấp, nhu cầu về tay nghề không cao, thậm chí sử dụng lao động phổ thông.

Huyện Quế Phong là địa phương được đánh giá thực hiện hiệu quả nhất Quyết định 71/CP, với số người đã được đi XKLĐ theo chính sách của Quyết định này là 351 người. Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu đặt ra hàng năm là mỗi năm đưa 100 người đi XKLĐ, nhưng Quế Phong đã thực sự vào cuộc một cách có bài bản, có thể xem đây là cách làm hay để các địa phương áp dụng. Bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: Trên địa bàn huyện Quế Phong từ trước đến nay có những đơn vị tư vấn XKLĐ theo Quyết định 71/CP như Công ty Phát triển Liên Việt; Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát; Công ty CP cung ứng lao động và thương mại Hải Phòng, Công ty CP nhân lực Quốc tế Việt và hiện nay có Công ty CP SimCo Sông Đà đang phối hợp với địa phương hoạt động rất tích cực. Đánh giá tính hiệu quả trong công tác XKLĐ theo Quyết định 71/CP ở Quế Phong cho thấy, trong số 351 người được đi XKLĐ đều là dân tộc thiểu số, trong đó 261 người thuộc hộ nghèo, còn lại cận nghèo. Số tiền mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho số người này vay đi XKLĐ là 10,7 tỷ đồng, đến nay con em đã gửi tiền về trả nợ được 3,2 tỷ đồng, có nhiều hộ đã trả hết nợ ngân hàng.

Nhiều lao động trẻ dư thừa tại các huyện nghèo.
Nhiều lao động trẻ dư thừa tại các huyện nghèo.

Mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong khóa 21, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mỗi năm đưa từ 150 - 160 người có tay nghề đi XKLĐ. Để đạt được mục tiêu đó, vừa qua UBND huyện phối hợp với Công ty CP SimCo Sông Đà đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua Trung tâm dạy nghề huyện. Theo đó, hàng năm Công ty này phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp học nghề theo đơn đặt hàng từ phía tuyển dụng lao động bên nước ngoài để mở lớp tại xã. Ông Nguyễn Trung Kiên, phụ trách XKLĐ của Công ty CP SimCo Sông Đà cho rằng, cách làm của huyện Quế Phong là rất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phía công ty, nếu không, công ty phải đưa người ra Hà Nội đào tạo nghề là rất tốn kém cho người dân và gây trở ngại cho con em.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện Quế Phong, cho biết: Nguồn vốn dành cho XKLĐ theo Quyết định 71/CP tại Chi nhánh luôn sẵn sàng để giải ngân, nhưng thực tế lượng người đi XKLĐ hàng năm không nhiều. Để người lao động thực sự quan tâm đến XKLĐ, ngoài công tác tuyên truyền, chỉ đạo của các cấp, ngành, thì phía công ty tư vấn XKLĐ phải thực sự có tâm huyết, coi đây là việc làm giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cấp xã, bằng mọi hình thức tuyên truyền, để người dân hiểu chính sách hỗ trợ XKLĐ theo Quyết định 71, thì khi đó lực lượng lao động trẻ mới yên tâm đăng ký làm hợp đồng đi XKLĐ. Sau đó, định hướng cho người dân trực tiếp đăng ký với các công ty tư vấn XKLĐ có uy tín, được sự giới thiệu của các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh, bộ. Về phía người dân, những gia đình cho con em đi XKLĐ là phải thực sự thiết tha, đi để làm ăn, giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Như vậy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lượng con em 3 huyện nghèo của tỉnh ta đi XKLĐ thấp, là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Trong đó vai trò quan trọng nhất là chính quyền cấp huyện, xã. Mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng chỉ rõ rằng: Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 71/CP đến nay vẫn chưa được ban hành, như chương trình, tài liệu bổ túc kiến thức văn hóa phù hợp với người nghèo, người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, công tác tuyên truyền còn nhiều bất cập, chưa sâu, nhất là việc phối hợp các tổ chức đoàn thể chưa tốt, dẫn đến người lao động chưa hiểu hết các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Một số cơ sở cấp xã còn chưa ban hành các văn bản quản lý nhà nước để triển khai các văn bản của cấp trên về XKLĐ. Chưa quán triệt đầy đủ, chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của địa phương, nhất là chưa đưa công tác XKLĐ vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch, đề án của chính quyền trong việc tổ chức thực hiện Quyết định 71/CP. Để giai đoạn 2015 – 2020 cả 3 huyện này XKLĐ đạt mục tiêu đề án, theo đề xuất của HĐND tỉnh: Sở Lao động TB - XH là cơ quan trực tiếp thực hiện đề án này, phải sớm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án thực hiện Quyết định 71/CP giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tham gia XKLĐ trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả khi tham gia XKLĐ đối với các huyện nghèo. Phối hợp với UBND các huyện: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu giao cho từng huyện, đưa công tác XKLĐ vào nội dung trọng tâm của giải quyết việc làm trong giai đoạn 2015 – 2020.

Trong công tác tuyên truyền, chính quyền các huyện nghèo cần đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung phù hợp với đặc điểm, địa hình, trình độ văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ của địa phương. Trong đó, cần tuyên truyền lợi ích của người lao động khi tham gia XKLĐ, giới thiệu những mô hình XKLĐ hiệu quả, giảm nghèo thực sự tại địa phương. Các địa phương phối hợp tốt với các doanh nghiệp có uy tín, trách nhiệm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào địa bàn hoạt động thuận lợi để tư vấn, tuyển chọn, đưa lao động của địa phương đi XKLĐ ở nước ngoài có hiệu quả.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
x
Bài cuối: Đưa chính sách "gần" hơn nữa với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO