Bài cuối: Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân
Việc tại các khu công nghiệp một số diện tích đất đã được thu hồi nhưng không triển khai dự án theo đúng tiến độ, hoặc chủ đầu tư nhận đất nhưng cũng không triển khai xây dựng khiến người dân mất đất và không có việc làm, còn DN cũng không thu hút được lao động vào làm việc... đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương và nảy sinh những hệ lụy xấu đến an sinh xã hội.
Người dân tranh thủ sản xuất trên diện tích đất quy hoạch “treo”.
Để tăng tính hiệu quả sử dụng đất, cần lựa chọn và thẩm định kỹ các dự án sử dụng đất theo hướng sử dụng ít diện tích đất nhưng mang lại hiệu quả về việc làm, thu nhập và thu ngân sách, tránh tình trạng cấp phép đầu tư không đúng đối tượng, nhà đầu tư không đủ năng lực; đối với những nhà đầu tư đã nhận đất nhưng không triển khai dự án cần tiến hành thu hồi .
Ban quản lý KKT Đông Nam đã tiến hành rà soát và xác định được 16 dự án chậm tiến độ thuộc diện thu hồi và sắp đến hạn thu hồi, với diện tích hơn 75 ha. Song, khó khăn trong công tác thu hồi này là việc giải quyết tài sản đã đầu tư của các dự án, đặc biệt là các dự án thuê lại đất của nhà đầu tư hạ tầng KCN. Có những dự án, công tác thu hồi kéo dài đến 5 năm. Để công tác này được thực hiện tốt hơn, ông Trần Đức Thành - Phó phòng Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KKT Đông Nam, cho biết: Ban đã có kiến nghị lên các Bộ và Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản trên đất đã đầu tư sau khi tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án.
Do chưa có một quy định mang tính pháp lý nào đối với các DN khi triển khai dự án phải tuyển lao động địa phương vào làm việc cần có các quy định cụ thể ràng buộc với các chủ dự án sử dụng đất để họ cam kết sử dụng lao động tại chỗ. Từ đó tổ chức đào tạo nghề cho nông dân sát với thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay, các trường, trung tâm dạy nghề thường dạy những nghề mà mình có hơn là dạy nghề dân cần hay DN cần, dẫn đến việc sau khi học xong, người lao động không phát huy được kiến thức của mình, còn DN thì vẫn thiếu lao động. Để hỗ trợ các DN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cần tạo được mối liên hệ hài hòa, khăng khít giữa các trung tâm dạy nghề và các DN, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, vừa tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Để từng bước khắc phục tình trạng khu công nghiệp bỏ hoang, nông dân thiếu việc làm; thì trước hết sớm thực hiện có hiệu quả Quyết định 52/2012/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ; các ngành, địa phương cần tiếp cận triển khai tốt một số cách làm sát hợp với điều kiện thực tiễn.
Trong những năm qua, huyện Nghi Lộc đã đưa các nghề như: mây tre đan, trồng nấm, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thú y… về các xã có nhiều diện tích đất bị thu hồi, nhưng do mức thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh nên hiệu quả chưa nhiều. Trước thực tế đó, việc xây dựng mô hình tạo việc làm thông qua du nhập ngành nghề thủ công để hình thành, phát triển làng nghề mới cần được các địa phương quan tâm hơn. Đây là những ngành nghề tuy thu nhập chưa cao, nhưng dễ học và quy mô sản xuất có thể mở rộng, sản phẩm dễ tiêu thụ, tạo được việc làm cho nhiều lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Cùng với hỗ trợ tiền đào tạo từ ngân sách địa phương, nên khuyến khích các hộ sử dụng tiền được đền bù để con em họ học nghề, rồi từ đây dùng số tiền này để tự chuyển nghề phù hợp tạo ra hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho những người lao động bị thu hồi đất được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, khuyến khích lao động xuất khẩu gửi tiền về đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Nhà nước tạo điều kiện khởi nghiệp cho họ thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, để phát triển các ngành nghề sản xuất mới.
Trong khi các nhà đầu tư chưa sử dụng đất thì người dân vẫn đang tranh thủ sản xuất lúa, ngô trên những diện tích chưa san nền. Nhưng do mang nặng tâm lý “làm nhờ” nên hiệu quả kinh tế không cao. Để tránh tình trạng lãng phí đất, các cơ quan nên tính toán để người dân có điều kiện sản xuất tốt hơn như thời gian cho mượn đất, có những cơ chế hỗ trợ về các điều kiện sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất. Đối với những dự án không khả thi, có thể tiến hành thu hồi và giao lại đất cho nông dân yên tâm sản xuất. Các địa phương có đất bị thu hồi cần năng động, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2013, người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 3 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất. Cụ thể, nếu người lao động có nhu cầu đào tạo, học nghề sẽ được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được hỗ trợ chi phí học nghề. Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu tìm việc làm được hỗ trợ tư vấn học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp... Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận nhiều lao động bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế... |
Phạm Bằng - Quỳnh Lan