Bài cuối: Kiên quyết không chạy theo thành tích

18/12/2012 20:35

Theo lộ trình, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 60% huyện, thành phố, thị xã được công nhận phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Qua khảo sát thực tế ở các địa phương được công nhận đạt chuẩn phổ cập như TX. Cửa Lò, TP. Vinh thì vẫn còn một số bất cập.-->> Bài 1: Những chuyển biến bước đầu

> Bài 1: Những chuyển biến bước đầu



Đồ dùng cá nhân, chăn, giường của trẻ ở Trường Mầm non Nghi Hải (TX. Cửa Lò) phải dồn ra phía ngoài hiên.

Trường Mầm non Nghi Hải – một trường có thương hiệu của giáo dục mầm non TX.Cửa Lò, đã đạt chuẩn quốc gia mức 1 và xã Nghi Hải đã được công nhận phổ cập năm 2011. Hiện trường có 12 lớp với 408 cháu, nhưng chỉ có 8 phòng học. Để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, nhà trường buộc phải ưu tiên phòng học cho độ tuổi này, còn các nhóm lớp ở độ tuổi khác phải học trong một phòng họp ngăn đôi, được che chắn tạm bợ bằng tôn. Khoảng 60 trẻ của 2 lớp học này phải dùng chung nhà vệ sinh với lớp khác. Các vật dụng như giường, tủ, chăn, gối đều phải kê tạm ở phía ngoài hiên. Cô Đặng Thị Tố Vinh, phụ trách lớp 3 tuổi cho biết: “Vì ưu tiên cho trẻ 5 tuổi nên nhóm 3 tuổi chỉ có 1 cô/lớp (28 cháu). Phòng học tạm nên chật chội, 100% số cháu ăn trưa tại trường nên giáo viên hết sức vất vả. Sáng sớm phải dọn bàn ghế, vật dụng ra ngoài để trẻ có diện tích chơi, học; đến giờ ăn phải sắp xếp lại bàn ghế và đến giờ ngủ trưa của các cháu lại phải mang chăn, chiếu từ ngoài vào. Khổ nhất là chuyện vệ sinh cá nhân của các cháu. Do không có nhà vệ sinh khép kín, phải dùng chung với nhóm trẻ khác nên cô rất vất vả”.

Rất nhiều trường mầm non tại TP.Vinh cũng phải hạn chế nhận các cháu 3, 4 tuổi để dành phòng học cho việc huy động trẻ 5 tuổi đến trường. Thực tế, việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đang khiến các trường phải gồng mình với tình trạng quá tải. Nhiều lớp mẫu giáo có tới 45-50 trẻ, thậm chí có lớp lên đến 57 trẻ.

Trường Mầm non Vinh Tân (TP. Vinh) - một trường mới được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 8/2012, nhưng sĩ số của nhóm trẻ lên đến 40 cháu (quy định tổ chức lớp theo từng độ tuổi của ba độ tuổi (0, 1, 2), tối đa mỗi lớp theo độ tuổi từ nhỏ đến lớn lần lượt là 15 cháu, 20 cháu và 25 cháu); bình quân một lớp mẫu giáo là 51,2 cháu (quy định tổ chức lớp theo từng độ tuổi của ba độ tuổi (3, 4, 5), tối đa mỗi lớp theo độ tuổi từ nhỏ đến lớn lần lượt là 25 cháu, 30 cháu và 35 cháu). Tỷ lệ trẻ trên lớp của hầu hết các trường đều cao và vượt định mức qui định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ (bình quân cháu/lớp của các trường: MN Quang Trung 2 là 48,3 cháu/lớp; MN Hưng Dũng 2 là 45,6 cháu/lớp; MN Hưng Dũng 1 là 44,3 cháu/lớp; MN Hoa Hồng là 44,2 cháu/lớp; MN Bình Minh là 43,4 cháu/lớp; MN Quang Trung 1 là 43,3 cháu/lớp; MN Hà Huy Tập là 42,4 cháu/lớp).

Toàn thành phố hiện còn thiếu 6 phòng học và 18 phòng chức năng cho trẻ 5 tuổi. Chỉ riêng năm 2012, toàn thành phố có 4.102 cháu 2 tuổi, nhưng kế hoạch của 42 trường mầm non mới chỉ nhận được 1.772 trẻ, như vậy còn 2.300 trẻ 2 tuổi, dù có muốn cũng không được đi học. Ở trẻ 3 và 4 tuổi, trong tổng số 9.000 trẻ, mới chỉ có trên 6.200 chỗ, còn 2.800 trẻ không được đến trường. Mặc dù rất muốn mở rộng thêm trường lớp để nhận thêm trẻ, nhưng đó không phải là việc có thể làm ngay vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn và quỹ đất.

Qua tìm hiểu thực tế một số trường, để có đủ điều kiện và đạt tiêu chuẩn phổ cập, một số nơi chỉ đạo các trường dồn cơ sở vật chất và giáo viên cho lớp 5 tuổi. Làm như vậy là chỉ lo cho trẻ 5 tuổi mà thả nổi trẻ ở các độ tuổi khác. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chúng ta phải ưu tiên hàng đầu, phải dồn sức và tập trung mọi nguồn lực đảm bảo trẻ 5 tuổi được đến trường trong điều kiện tối thiểu. Do đó, ở các trường mầm non, lớp 5 tuổi được ưu tiên phòng học đạt chuẩn, đảm bảo định mức giáo viên, được đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học”.

Theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 2/12/2010 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi thì các cơ sở phải có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; trường lớp phải có bộ thiết bị dạy học tối thiểu; ở vùng thuận lợi phải có thêm các bộ đồ chơi, phương tiện để các cháu làm quen với máy vi tính. Thế nhưng, hiện tại toàn tỉnh có 1.832 phòng học phục vụ cho 1.832 lớp mẫu giáo 5 tuổi thì chỉ có 1.035 phòng kiên cố và còn tới 361 phòng tạm, mượn, xuống cấp; 416/1.832 lớp mẫu giáo 5 tuổi còn thiếu bộ thiết bị dạy học tối thiểu; các trường mầm non mới có 4.169 phòng chức năng, còn thiếu tới 2.619 phòng; chỉ có 2.503/3.489 phòng vệ sinh đạt yêu cầu. Chính vì thiếu phòng học mà sĩ số các lớp học của nhiều trường mầm non vượt quá xa quy định cho phép, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nuôi dạy các cháu. Chỉ với bài toán lo đủ chỗ học cho trẻ 5 tuổi, một số địa phương cho biết không thể nóng vội rút ngắn lộ trình thực hiện phổ cập.

Ngày 16/7/2012, UBND tỉnh có Quyết định 2642/QĐ-UBND về việc “Lập các báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng các trường mầm non để xóa phòng học tạm, mượn, xuống cấp…”, theo đó, UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ đầu tư 66.340 triệu đồng, cộng với vốn đối ứng của cơ sở để xây mới 107 phòng học. Trước đó, theo Quyết định số 2399/QĐ-UBND ngày 2/7/2012, UBND tỉnh cũng đã cho phép các huyện: Hưng Nguyên, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu lập hồ sơ với tổng mức 33 tỷ đồng để xây mới 54 phòng học (không kể vốn đối ứng). Song đến ngày 30/11, UBND tỉnh cũng chỉ quyết định cấp vốn được cho các địa phương để xây dựng 123 phòng; 48 phòng còn lại chưa thể cấp vốn vì hồ sơ chưa hoàn thành. Mặt khác, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, rất khó để tìm kiếm nguồn đối ứng.

Cũng theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT thì các cơ sở giáo dục mầm non phải có đủ giáo viên chuẩn và trên chuẩn; giáo viên được hưởng thu nhập và chế độ theo thang bảng lương (nghĩa là cứ 8 cháu nhà trẻ phải có 1 giáo viên, dư nhiều hơn 5 thì thêm 1 giáo viên nữa; 1 lớp mẫu giáo không bán trú từ 20 đến 25 cháu có 1 giáo viên, 1 lớp mẫu giáo bán trú từ 25 đến 30 cháu có 2 giáo viên, nếu dư nhiều hơn 10 thì thêm 1 giáo viên nữa). Thực tế tại tỉnh ta, riêng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi hiện nay có 2.653 người/1.832 lớp, đạt 1,45 giáo viên/lớp; tổng số giáo viên của cả tỉnh (không kể 1.237 giáo viên làm nhiệm vụ cán bộ quản lý nhà trường) là 8.468 người, nhưng chỉ có 7.423 người hưởng lương theo ngạch bậc, còn lại 1.045 người đang phải làm việc theo chế độ hợp đồng, lương được trả theo phương thức thoả thuận.

Rõ ràng, trong bộn bề khó khăn đó, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải được thực hiện từng bước vững chắc cùng nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Cả nước sẽ đạt phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Riêng Nghệ An đưa ra lộ trình vào năm 2014. Đưa ra lộ trình cán đích trước một năm so với cả nước là hoàn toàn có cơ sở. Ngành kiên quyết không chạy theo thành tích, không nóng vội. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng sẽ dồn mọi nguồn lực, ưu tiên mọi điều kiện để công tác phổ cập diễn ra đúng lộ trình”. Hy vọng, việc phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở Nghệ An sẽ cán đích đúng lộ trình và bảo đảm tính bền vững.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Bài cuối: Kiên quyết không chạy theo thành tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO