Bài cuối: Những người con xứ Nghệ đi giữ biển

(Baonghean) Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi có điều kiện gặp gỡ và nói chuyện thân mật với những người con xứ Nghệ mộc mạc. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng điều chúng tôi nhận thấy là ở các anh đang căng tràn khát vọng, chí hướng và luôn kiên định vững vàng trước những khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trời của Tổ quốc, xứng đáng là người lính cụ Hồ và người con của xứ Nghệ.

-->> Xem Bài 5: Tết sớm nơi tiền tiêu

Thiếu tá Đào Đình Phú, nhân viên cơ yếu của Nhà Giàn DK1/9 là một trong những người sớm gắn bó với Nhà Giàn DK1, quê ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Năm nay, tròn 27 tuổi quân nhưng anh đã có gần 10 năm gắn bó với nhà giàn DK1. Khi tâm sự với chúng tôi, anh vẫn còn nguyên cảm giác khi lần đầu ra biển: “Năm 1990, tôi được phân công nhận nhiệm vụ trên Nhà Giàn DK1. Lần đầu đi biển nên cảm giác hồi hộp và háo hức lắm. Do chưa quen nên tôi bị say sóng, không ăn uống gì được. Nhưng khi vừa thấy Nhà Giàn thì bao nhiêu mệt mỏi bỗng tan biến đâu cả. Thấy có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng…”.

Lúc đó, do Nhà Giàn mới được xây dựng nên cuộc sống của anh em chiến sỹ còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nước ngọt thì phải chắt chiu từng li, từng tí. Rau xanh do chưa quen với khí hậu khắc nghiệt ngoài biển khơi nên mọc mầm rất ít, số lên mầm rồi để có thể ăn phải chăm sóc công phu. Mỗi lần bão cấp 4, cấp 5, Nhà Giàn rung bần bật. Anh em luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rời nhà giàn. Kể về những khó khăn nhưng giọng nói anh Phú vẫn rất hào hứng. Anh bảo, khó khăn miết rồi thành quen. Dù có khó khăn đến thế nào đi nữa, anh em không bao giờ kêu ca hay than phiền gì cả. Trong tổng cộng 15 Nhà Giàn thì anh Phú đã ở 9 nhà giàn, và ăn 3 cái Tết ở ngoài biển. Ở Nhà Giàn nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy thời gian ở Nhà Giàn không bằng anh Phú nhưng cuộc đời lính biển đối với Đại úy Phan Huy Thuật, nhân viên vận hành tàu HQ624 cũng không kém phần nhọc nhằn, gian khó. Hơn 23 tuổi quân, trong đó có 2 năm sống ở Nhà Giàn, anh Thuật hiểu rằng, là một người lính biển, sự chịu đựng cần phải lớn hơn gấp nhiều lần so với những người khác. Quê anh Thuật ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu. Năm 1986, được người chú ruột giới thiệu, anh bắt đầu theo học lớp máy tàu thủy. Đến năm 1988, anh ra trường và được phân công về Lữ đoàn 171. Rồi những năm sau đó, anh được phân công nhiệm vụ vận hành máy tàu thủy trên các tàu HQ17, HQ624. Một năm, anh Thuật phải xa nhà từ 8-10 tháng. “Do đi suốt nên 4 năm rồi tôi chưa về Nghệ An để thăm anh em, họ hàng được. Dù đi xa nhưng tôi vẫn luôn tự hào mình là một người con của xứ Nghệ và mong muốn một ngày nào đó được trở về và sống tại quê nhà”, anh Thuật chia sẻ.

                          Đại úy Phan Huy Thuật đã có hơn 23 năm tuổi quân.

Đối với lính biển, do phải xa nhà thường xuyên nên những công việc riêng tư đều trở nên khó khăn hơn. Như anh Thuật, đến năm 36 tuổi mới lập gia đình. Khi người vợ chưa bén hơi chồng, anh phải đi xa để nhận nhiệm vụ mới, đằng đẵng gần 1 năm trời mới được về thăm vợ. “Đêm đó, vợ chồng tâm sự với nhau cạn nước mắt. Tôi phải phân tích mãi cô ấy mới hiểu và thông cảm. Phải xác định rằng, làm vợ lính biển phải chấp nhận hy sinh và thay chồng gánh vác việc nhà”. Còn đối với Đại úy Nguyễn Trung Dũng, Chỉ huy phó Nhà Giàn DK1/15 vẫn nhớ như in cảm giác khi nghe tin con ở nhà bị bệnh mà mình lại không thể có mặt bên con được. “Hôm đó, nghe tin vợ gọi điện ra bảo con viêm phế quản phải nhập viện gấp mà lòng rối bời. Bản thân mình thì ở xa, đang nhận nhiệm vụ nên dù muốn lắm cũng không thể về với vợ con được. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết động viên và an ủi vợ qua điện thoại rồi nhờ anh em đến giúp đỡ mà thôi”, anh Dũng cho biết.

Anh Dũng quê ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Anh đến với nghiệp quân vừa là duyên số nhưng cũng là sở thích từ hồi còn nhỏ. Anh kể rằng, sau khi học hết THPT, anh đang chuẩn bị làm hồ sơ vào đại học thì được một người bạn kể về những người lính Hải quân. “Lúc đó, nghe bạn kể thấy thích lắm. Mong muốn được như các anh, đứng giữa biển khơi lộng gió, cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc, vậy là mình quyết định thi vào Học viện Hải quân tại Nha Trang”, anh Dũng nói. Năm đó, anh thi đậu vào ngành Hải quân đánh bộ. Sau 6 năm, anh ra trường và được phân công về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn Hải quân đánh bộ 563, Bộ Tư lệnh vùng 5 đóng trên đảo Phú Quốc. Đến năm 2007, anh được điều về Lữ đoàn 171 và bắt đầu ra nhận nhiệm vụ canh gác tại Nhà Giàn DK1. “5 năm sống và làm việc tại Nhà Giàn DK1 là quãng thời gian thực sự có ý nghĩa nhất đối với bản thân tôi. Dù khó khăn, gian khổ nhiều nhưng khi xác định được nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng thì mới thấy mình thật vinh dự. Chúng tôi như những con “mắt thần” giữa biển để canh giữ vùng biển trời của Tổ quốc” anh Dũng tự hào nói.

Hòa chung với mọi miền quê của đất nước, những người con xứ Nghệ đang ngày đêm hiến trọn cả tuổi thanh xuân, sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Năm nay tròn 30 tuổi, Thượng úy Hoàng Duy Tân, Phó thuyền trưởng tàu HQ624 đã có hơn 4 năm gắn bó với biển. Quê anh Tân ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Dáng người cao ráo, nước da sạm đen vì nắng gió, nhưng điều đặc biệt ở anh Tân là nụ cười luôn nở trên môi. Anh cho biết rằng, trong gia đình không ai theo nghiệp quân cả. Nhưng vì niềm đam mê với biển, với đảo nên năm 2002, anh quyết định thi vào Học viện Hải quân. Với bản tính thông minh, trong thời gian theo học tại trường, anh đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Như năm 2002, đạt giải 3 môn Hóa của trường; năm 2008 được nhận Giải thưởng Phan Vinh; đội trưởng đội Robocon của trường. Vì thế mà khi tốt nghiệp ra trường, anh được đeo lon Trung úy. Năm 2009, anh tiếp tục được cơ quan cử đi học thêm ngành chỉ huy tàu mặt nước. Ra trường, anh được phân công về tàu HQ624 và đảm nhận vị trí Phó thuyền trưởng.

Năm 2012 là năm đáng nhớ nhất đối với anh Tân khi tàu ở lại trực và ăn Tết trên biển. Anh bảo: “Đó là cái Tết vô cùng ý nghĩa với bản thân mình. Dù trong thời khắc giao thừa không có người thân, gia đình bên cạnh nhưng lại có đồng đội cùng kề vai sát cánh. Đối với mình, đó là niềm tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé của mình để nhân dân cả nước có một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm. Mình còn tuổi trẻ, có sức khỏe thì phải cống hiến cho đất nước, Tổ quốc”. Đến chiều ngày 30, cán bộ, chiến sỹ trên tàu mới bắt đầu chuẩn bị, sắm sửa đón Tết. Cả tàu làm mâm cơm và quây quần bên nhau đón thời khắc giao thừa. Được thủ trưởng các cấp gọi điện ra chúc Tết, rồi gọi điện về nhà để gửi những tình cảm đến với người thân trong gia đình.

Còn nhiều, nhiều nữa những người con của mảnh đất xứ Nghệ thân yêu đang ngày đêm làm nhiệm vụ thiêng liêng là canh giữ biển trời Tổ quốc. Do điều kiện sóng gió nên chúng tôi chưa có điều kiện để gặp hết các anh, nhưng chúng tôi tự hào vì các anh là những người con của xứ Nghệ. Mong rằng, nơi đầu sóng, ngọn gió, các anh luôn luôn vững chắc tay súng, kiên cường bám biển và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc ta. Noi gương các anh, những người con của xứ Nghệ sẽ là hậu phương vững chắc để tiếp sức cho các anh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Phạm Bằng (Email từ Nhà Giàn DK1/9)

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.