Bài Cuối: Nỗ lực của các doanh nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ hiện tượng thất nghiệp nhiều thì rõ ràng nhân lực chưa qua đào tạo sẽ càng khó nhọc hơn trong tìm kiếm việc làm. Tuy vậy, hiện nay một số công ty, nhà máy trên địa bàn mặc dù còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng đã biết đùm bọc, sẻ chia, tìm mọi giải pháp để lao động có được việc làm nhiều nhất, có thu nhập đảm bảo cuộc sống…
(Baonghean) - Sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ hiện tượng thất nghiệp nhiều thì rõ ràng nhân lực chưa qua đào tạo sẽ càng khó nhọc hơn trong tìm kiếm việc làm. Tuy vậy, hiện nay một số công ty, nhà máy trên địa bàn mặc dù còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng đã biết đùm bọc, sẻ chia, tìm mọi giải pháp để lao động có được việc làm nhiều nhất, có thu nhập đảm bảo cuộc sống…
>>Bài 1: Nhân lực qua đào tạo khát việc làm
Đặng Thị Như Thùy, sinh năm 1990, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có bố trước đây là nhân viên Cảng Nghệ Tĩnh. Nay bố đã mất, Thùy được Cảng nhận vào làm kế toán ở bộ phận kho hàng. Em cho hay làm ở Cảng không khí đầm ấm, em được giúp đỡ nhiều. Thùy chỉ là một trong hàng chục sinh viên trẻ tốt nghiệp các trường ĐH Hàng hải, Kinh tế quốc dân, ĐH Huế… mới về Cảng công tác. Cảng Nghệ Tĩnh hiện có hơn 600 lao động, trong đó Cảng Cửa Lò có trên 500 người, chưa kể gần 70 lao động hợp đồng. Việc làm và thu nhập cho người lao động luôn là bài toán nan giải của Ban lãnh đạo. Cán bộ, công nhân trong Cảng hầu hết là cha truyền con nối, gắn bó nhiều đời, họ cũng không thể tìm được việc nơi khác nên mới vào làm công nhân ở Cảng. Sau năm 2010, Cảng Cửa Lò giảm biên chế 150 người, nhưng nay lại có thêm khoảng 100 người là con em của họ vào làm việc. Giám đốc Cảng Cửa Lò, ông Trần Văn Đạt cho biết: Để có đủ việc làm, lãnh đạo Cảng phải kêu gọi hàng, tăng năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu nhanh, đồng thời hạ giá thành sản phẩm.
Sửa chữa máy móc thiết bị ở Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam.
Công ty CP Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) những năm gần đây cũng đã thu hút được rất nhiều sinh viên ở các trường ĐH, CĐ về làm việc. Chỉ tính 3 năm, Công ty này đã tuyển được khoảng 30 kỹ sư trẻ từ các trường Đại học Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Hàng hải khoa cơ khí, ĐH Nông nghiệp… Hầu hết là con em Nghệ An. Riêng năm 2012, công ty đã tuyển được 30 công nhân và 8 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ. Ông Nguyễn Bá Quí - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Nguồn nhân lực chất lượng cao đã giúp cho Công ty hoạt động hiệu quả. Hiện Công ty có 370 cán bộ, công nhân viên, thu nhập bình quân lao động trực tiếp đạt 4 triệu đồng/người/tháng”. Đội ngũ kỹ sư trẻ từ các trường đại học đã tích cực lao động sáng tạo, làm nên sức sống mới cho nhà máy. Như Nguyễn Hoàng, một sinh viên của ĐH Bách Khoa, lên công tác ở Nhà máy đường Sông Con, 2 năm liên tục (2011 và 2012) đã “ẵm” hai giải Nhất và Nhì Giải KHCN tỉnh Nghệ An. Chất lượng nguồn nhân lực và các biện pháp quản lý hiệu quả đã giúp cho năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, là điều kiện để công ty cạnh tranh được với các nhà máy đường khác.
Còn các nhà máy dệt may ở Đô Lương, Nam Đàn, TP. Vinh trong 2 năm qua đã tạo thêm hơn 4.000 việc làm cho công nhân trên địa bàn và các vùng lân cận. Cũng có những thanh niên thế hệ 8X, mở lối đi riêng, từ một hiệu may cũng đã tạo được việc làm cho 5-10 lao động như nhà may Vân Nga, nhà may Minh Lợi… ở TP. Vinh. Họ không chỉ làm giàu một cách chính đáng mà còn là tấm gương về nghị lực cho nhiều thanh niên ở thành phố.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sinh viên Nghệ An tốt nghiệp ĐH thất nghiệp, đang phải vạ vật khắp nơi tìm việc, bởi rất ít cơ hội làm việc ở quê nhà. Những doanh nghiệp làm ăn được thì nhu cầu nhân lực đã bão hòa. Nhiều trường hợp cái nghề họ học thì xã hội lại không cần và ngược lại. Trong khi đó, một số nhà máy không thể tuyển được một số chuyên ngành như chế tạo máy, hóa thực phẩm, điện tự động… Công nhân cho ngành may vẫn thiếu. Nhà máy may Prex Vinh cần 4.000 lao động nhưng mới tuyển được 2.000 người. Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan cũng vẫn thường xuyên thiếu công nhân. Ngay như một nhà máy nhỏ là Duyên Việt treo biển tuyển lao động khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ.
Hiện nay, lao động phổ thông mặc dù thiếu việc nhưng lại không muốn vào các nhà máy sản xuất mà mong muốn được vào bán hàng ở các siêu thị, đi tiếp thị, làm dịch vụ hay mong được vào cơ quan nhà nước làm văn thư, tạp vụ. Không ít công nhân vào nhà máy chỉ sau một vài tháng là bỏ, bởi cho rằng vất vả, lương thấp, lại phải tuân thủ kỷ luật lao động. Đó cũng là lực cản cho các nhà máy khi tuyển dụng. Các chương trình đào tạo nghề cho lao động đang nặng đưa cho người học “cái mình có” chứ chưa phải cái “xã hội cần”. Các trường ĐH, CĐ… chưa có được liên kết với các nhà tuyển dụng để tạo thêm việc làm cho sinh viên.
Bởi vậy, trước các kỳ thi vào ĐH, CĐ, các bậc phụ huỳnh và các em học sinh cần tỉnh táo trong việc chọn nghề, chọn trường, không nên học đại học bằng mọi giá, học ĐH cho oai, học làm thầy… nếu như xét thấy không có đầu ra cho con mình. Giải pháp quan trọng là các cấp, ngành cần phải đảm bảo được nền kinh tế phát triển “tương xứng” với nguồn nhân lực đang được đào tạo.
Bài, ảnh: Châu Lan