Bài cuối: Nỗi niềm người dân

20/06/2012 18:19

Chậm được giao đất sản xuất, nhà ở xuống cấp, đồng bào tái định cư không được hưởng chính sách cưu đãi vùng đặc biệt khó khăn… là nỗi niềm của người dân tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Phải chăng, chính vì lẽ đó đã dẫn đến 48 hộ bán nhà tái định cư để trở lại quê cũ sinh sống và 249 hộ có lao động chính trở lại lòng hồ kiếm kế sinh nhai?

(Baonghean) - Chậm được giao đất sản xuất, nhà ở xuống cấp, đồng bào tái định cư không được hưởng chính sách cưu đãi vùng đặc biệt khó khăn… là nỗi niềm của người dân tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Phải chăng, chính vì lẽ đó đã dẫn đến 48 hộ bán nhà tái định cư để trở lại quê cũ sinh sống và 249 hộ có lao động chính trở lại lòng hồ kiếm kế sinh nhai?

Anh Lô Văn Tuyến – cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết, đến thời điểm này xã Thanh Sơn đã có 70 hộ có người trở lại vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để kiếm kế sinh nhai. Trong đó có 18 hộ di chuyển cả gia đình, số hộ còn lại là lao động chính đi làm ăn ở vùng lòng hồ, để lại trẻ em và người già. Nguyên nhân, theo anh Tuyến khẳng định là do bà con chưa nhận được đất sản xuất. Không phải phía cơ quan chức năng chưa quy hoạch, chưa chia đất sản xuất cho dân, mà sau khi chia đất đã dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa bản này với bản khác, hộ này với hộ khác… Nghĩa là có những hộ di chuyển đến từ năm 2006, họ tận dụng đất đồi để trồng sắn, keo, cứ như thế các hộ đến sau cũng khoanh vùng để sản xuất. Khi Ban Quản lý Thủy điện 2 lập quy hoạch đất sản xuất, thì xảy ra tình trạng đất sản xuất của những hộ khai hoang trước, nay giao lại cho hộ khác, dẫn đến tranh chấp.

Hiện tại trên địa bàn xã có rất nhiều hộ xuống sau chưa kịp khai hoang vướng vào tình cảnh này, nên không có đất sản xuất.

Nói về quê cũ, quê mới, ông Lô Dương Tấn, Trưởng bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn khẳng định rằng, ngày trước ở quê cũ người dân sống theo kiểu tự do “cá dưới sông, rau trên rừng”. Tập quán sản xuất lạc hậu “chọc lỗ tra hạt” đã thấm sâu vào tiềm thức của bà con. Do vậy, ra nơi ở mới khó tiếp cận với cách sản xuất mới, phải áp dụng các tiến bộ KHKT.

Đối với chính quyền địa phương, ông Vi Thành Viên – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho rằng, địa phương xác định mũi nhọn trong phát triển kinh tế là trồng rừng nguyên liệu, trồng chè công nghiệp và dệt thổ cẩm. Vì vậy, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ người dân dụng cụ, nguyên liệu… để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Sau khi Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 tiến hành giao đất sản xuất cho bà con, chính quyền địa phương đã thành lập đoàn để vào khu vực lòng hồ Bản Vẽ vận động bà con trở lại quê mới làm ăn. Đến nay đã có 20 người trở lại quê hương, gia đình và nhiều người đã cam kết sau khi thu hoạch xong mùa vụ ở quê cũ là trở về quê mới.

Với xã Ngọc Lâm, ôngLô Hoài Dung – Chủ tịch UBND xã kiến nghị, tiếp tục khai hoang ruộng nước cho bà con, nếu không thì hỗ trợ tiền cho bà con tự khai hoang, vì trên địa bàn có nhiều điểm khai hoang được ruộng nước. Trụ sở làm việc mới của xã tại bản, mặc dù đã xây dựng xong từ đầu tháng 5 nhưng chưa đưa vào sử dụng, vì chưa có trang thiết bị phục vụ làm việc. Do vậy, hiện nay Đảng ủy, UBND xã vẫn phải ngồi nhờ tại một số phòng học của trường THCS, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của nhà trường. Bộ máy chính trị và các tổ chức chính trị của địa phương đã hoạt động ổn định, đội ngũ cán bộ đã được đào tạo chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế. Mong muốn của địa phương là các cấp, ngành cần hỗ trợ để mua sắm thêm trang thiết bị làm việc tại trụ sở mới để đưa vào sử dụng trụ sở mới.

Một vấn đề bà con đang trăn trở nữa là nhà ở tái định cư đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều hạng mục như, tường xây nứt nẻ, phần gỗ mục nát, nền bong… trong khi việc bàn giao nhà ở giữa Ban Quản lý Thủy điện 2 với các hộ dân chưa thực hiện được. Vào nhà của gia đình ông Kha Văn Hoan, bản Tân Lập, xã Thanh Sơn cho thấy phần tường nhà nhiều chỗ nứt nẻ, phần gỗ như rui, mè, hoành, cánh cửa mục nát, khi mưa xuống là nước chảy lênh láng vào nhà. Hiện trạng như thế này đang diễn ra tại phần lớn các ngôi nhà tái định cư ở xã Thanh Sơn.

Đặc biệt là đồng bào các dân tộc nơi đây đang đặt câu hỏi vì sao 2 xã này không được hưởng các chính sách thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi người dân ở đây là chuyển từ các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương về tái định cư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho rằng: Đến nay Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 đã quy hoạch và chia đất sản xuất cho dân tái định cư 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Việc đất đai chồng chéo giữa bản này với bản khác, giữa hộ với bản là địa phương tự giải quyết. Biện pháp để hạn chế người dân tái định cư trở lại quê cũ làm ăn là huyện thường xuyên phối hợp với địa phương để tuyên truyền cho dân hiểu khó khăn và thuận lợi sau khi tái định cư. Việc người dân Thanh Sơn, Ngọc Lâm trở lại vùng lòng hồ sinh sống và làm ăn là xuất phát từ nguyên nhân chưa có đất sản xuất, do vậy khó có thể cấm được họ. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiếp tục khai hoang ruộng nước để chia cho dân, phía huyện Tương Dương cũng cần có giải pháp quản lý đất đai, cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh, xã hội tại vùng lòng hồ.

Như vậy, để người dân tái định cư 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn sớm ổn định cuộc sống thì Nhà nước và chính quyền địa phương cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Đó là tạo cơ chế chính sách hợp lý cho người dân về hỗ trợ cây, con giống. Ngành Nông nghiệp và huyện Thanh Chương cần sớm vào cuộc, ưu tiên triển khai lồng ghép các dựa án khuyến nông, lâm, ngư, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng chè, ngô, sắn… theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, để khai thác thật sự hiệu quả diện tích đất đã được chia. Thực tế hiện nay, tại khu đất tái định cư, số đất đã được chia, một số bà con để hoang, một số bố trí trồng keo nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và địa phương sớm đề nghị Nhà nước công nhận đây là 2 xã đặc biệt khó khăn để hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài cuối: Nỗi niềm người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO