Bài cuối: Quản lý lỏng lẻo - hậu quả khôn lường
(Baonghean.vn) Hiện nay, bệnh rệp xơ bông trắng trên cây mía ở Tân Kỳ đang phát triển mạnh và lây lan nhanh. Toàn huyện có 4.400 ha thì có trên 2.500 ha đã bị rệp xơ bông trắng. Các xã bị nặng là Nghĩa Đồng gần 200/300 ha, xã Giai Xuân có 500/700 ha, ngoài ra còn một số xã khác như Hương Sơn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình, Tân Xuân, Nghĩa Hành..., khiến chính quyền và bà con nông dân rất lo lắng.
Ông Ngô Xuân Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng, cho biết: Mía là cây trồng chủ lực, mỗi năm mang lại thu nhập 25-26 tỷ đồng (xã có gần 300 ha mía, bình quân thu 95 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, hiện tại 2/3 diện tích của xã đã bị rệp xơ bông trắng, nếu không xử lý được sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con và mất khả năng tái sinh chồi mía. Do lo lắng sốt ruột và phương pháp thuốc phun bằng bình (nước) không sử dụng được nên bà con phải tìm thuốc mới để thử với mía trưởng thành, sắp thu hoạch.
Một ruộng mía ở xã Nghĩa Dũng đang bị rệp xơ bông trắng gây hại
Dù một lượng thuốc BVTV ngoài danh mục tại Nghĩa Đồng đã bị tạm giữ nhưng với tình hình bệnh rệp xơ bông trắng và nguồn cung thuốc thiếu kiểm soát như hiện nay (cung ứng hàng trăm kg thuốc BVTV mà không có hoá đơn, phiếu xuất kho...) thì rất khó biết được trên thị trường hiện có bao nhiêu thuốc BVTV ngoài danh mục đã và đang sử dụng.
Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục không đúng quy cách đã nguy hiểm, nay lại là thuốc ngoài danh mục đồng nghĩa với nguồn gốc thuốc, tác dụng cũng như thời hạn tồn dư trên cây và trong nguồn nước và đất chưa được kiểm chứng sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Qua các chỉ số, dấu hiệu mà người dân được hướng dẫn sử dụng kể lại cho Trạm BVTV huyện Tân Kỳ cho thấy, đây là loại thuốc cực độc (rải vào gốc dùng cơ chế xông hơi bay lên ngọn, lá để diệt rầy) nên khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và động vật là rất lớn.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, ít nhất đã có 3 trường hợp là ông Trương Hải Hồ và con trai ông là Trần Hải Sơn ở xã Giai Xuân và ông Trương Văn Sự ở xóm Trung Lương, xã Tân Xuân sau khi rải loại thuốc trên được 20 ngày đi vào kiểm tra vẫn nghe mùi hôi và về nhà có dấu hiệu bị ngộ độc, nôn mửa và phải chuyền thuốc giải độc mới tỉnh lại. Một số gia đình cảnh giác, không rải số thuốc đó ở đồng mía gần dân cư, nhưng do địa hình nương mía ở trên đồi, các nhà ở dưới, sau khi rải thuốc có mưa xuống thì các gia đình hoang mang không dám sử dụng nước mặt.
Trả lời câu hỏi: "Sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục có để lại tồn dư thuốc trên cây mía và sản phẩm đường", ông Nguyễn Bá Quý, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con, cho biết: Từ đây đến thời điểm thu hoạch mía còn dài (tháng 12) và khi đó thuốc chắc sẽ hoai rồi. Công ty chỉ kiểm nghiệm sản phẩm mía khi thu hoạch!?
Theo nhiều nông dân, thuốc BVTV trong danh mục (phun dưới dạng nước) chỉ phù hợp khi mía còn nhỏ, cao xấp xỉ đầu người và khi mía còn luống thì mới vào ruộng để phun được. Khi mía trưởng thành, sắp thu hoạch thì phải có cách phun khác, đặc biệt khi trời mưa gió, cây mía đã đổ, nếu thuốc nước thì không thể mang bình chui vào để phun. Mặt khác, qua thực tế xử lý bệnh rệp xơ bông trắng trên địa bàn Tân Kỳ cho thấy đã có biểu hiện rầy và rệp kháng, nhờn với các loại thuốc trong danh mục nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu để cung ứng loại mới hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Bá Quy, Trạm trưởng Trạm Vật tư BVTV huyện Tân Kỳ, cho biết: Với chức năng là đơn vị tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn, sau khi phát hiện loại thuốc trên, đơn vị đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng đình chỉ và khuyến cao bà con không sử dụng; đồng thời, Trạm đề nghị cơ quan chức năng thu giữ tang vật, làm rõ nguồn gốc, đơn vị cung ứng để xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó đề nghị Chi cục BVTV lấy mẫu giám định, phân tích để xác định mức độ độc hại, thời hạn tồn dư trên lá và trong lòng đất.
Với hiện trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi như hiện nay ở Tân Kỳ nếu xóm, xã nào mía bị rệp cũng dùng số lượng trên để rải xuống đất thì tác hại lâu dài đối với môi sinh, môi trường, nguồn nước vùng nguyên liệu mía là không thể lường hết được.
Nguyễn Hải