Bài cuối: Rau sạch thành Vinh

05/12/2012 16:01

(Baonghean) - Trong lúc ở một số chợ, người bán rau bán không hết đem đi đổ chứ không đem về ăn vì rau phun thuốc thì ở một vùng ngoại ô Thành phố Vinh, bà con hàng chục năm qua vẫn lặng lẽ thủy chung với sản xuất rau sạch và bảo vệ hạt giống qúy giá của địa phương. Cách làm của họ đã được một doanh nghiệp để ý và từ đó chắp cánh cho thương hiệu rau sạch của thành phố…

>>Bài 2: Tăng cường giám sát dư lượng hóa chất

Mùa xuân, mùa hạ nối tiếp mùa đông, đồng đất xóm Kim Trung và Kim Bình - Nghi Ân, Thành phố Vinh xanh màu rau lang, rau bầu, xà lách, rau cải ghém…. Trồng rau hàng hóa đã thành truyền thống lâu đời ở đây. Rau được gieo, trồng bằng phân chuồng hoai mục và tưới nước sạch. Anh Phạm Văn Thái – người trồng rau giỏi trong xóm, tu một ngụm nước giếng khoan bơm dưới ruộng lên nhằm chứng minh rằng nước ở đây sạch lắm, không chỉ tưới rau mà cả xóm đều dùng để ăn, để uống. Anh chia sẻ kỹ thuật trồng rau là phải vun luống, rải phân, rồi lại làm đất, gieo hạt, trải lên mặt trên cùng lớp rơm băm nhỏ. Chính lớp rơm này vừa giúp cây rau non đứng vững, lại che mát lúc mùa hè, che ấm vào mùa đông, khi tưới nước không xói mòn đất. Rau ghém (rau cải củ mầm) là đặc sản ở đây, mọc lên từ rơm, sau 7 ngày là nhổ đi bán được. Rau nhổ xong, rơm được cày thành phân hữu cơ. Ông Đồng - cũng xóm Kim Trung chia sẻ: Để “nhận mặt” được rau ghém Nghi Ân không khó. Rau ghém Nghi Ân thân thấp, mập, lá xanh, hai lá có nếp gấp. Còn rau trồng ở những nơi khác hoặc giống miền Bắc: Thân dài, trắng nõn, hai lá gương tròn. Giống rau Nghi Ân là của bà con tự để giống từ hàng chục năm nay và không bán cho người lạ. Nghe người dân ở đây nói vậy, tôi mới biết mình chưa bao giờ được ăn rau ở đây. Cô Hiền Lương - giáo viên Trường mầm non Nghi Ân, cho biết: “Rau ở đây qúy lắm chị ạ. Phụ huynh thỉnh thoảng trồng được loại rau đầu mùa tươi ngon lại đem lên biếu cô. Có khi quà 20/11 em nhận được là rau cải kẹp đó. Ăn ngon lắm”.



Trồng xà lách ở xóm Kim Bình - Nghi Ân, Thành phố Vinh

Ông Nguyễn Duy Thìn- Xóm trưởng xóm Kim Bình còn khẳng định: Giống rau địa phương ở đây qúy, đắt, như hạt cải củ 250.000 đồng/kg, còn giống nơi khác chỉ 100 ngàn đồng/kg. Rau ngon không chỉ rau ghém mà rau kẹp, rau dưa ăn dòn, thơm, không dai như giống ở nơi khác nên thị trường rất ưa chuộng. Rau ghém đầu mùa bán sỉ 30.000 đồng/kg, rau kẹp 4000 đồng/bó. Một sào rau ở đây sau một tháng bà con thu hoạch được tới 16 triệu đồng. Mùa rau sạch thịnh vượng nhất là mùa hè thu, thu nhập rất cao, nhưng bà con lại lo chạy lụt. Những ngày mưa lụt thì không làm rau được.

Sau con đường nhựa phẳng lì xuyên qua những làng quê yên ả dày bóng tre xanh là cánh đồng rau được Thành phố Vinh quy hoạch sản xuất rau an toàn. Bà con Kim Bình, Kim Trung đang hối hả làm nhà lưới, đổ bê tông, căng lưới để chuẩn bị cho một mùa rau hứa hẹn. Cái lạ ở đây là nhiều người cùng chung một họ Phạm: Phạm Văn Đồng, Phạm Văn Cung, Phạm Đình Đệ… Hỏi được xóm trưởng cho hay: Họ cùng một họ, định cư ở đây đã lâu đời mà thành nhiều gia đình.Trên những cánh đồng, đàn ông, đàn bà, cả thanh niên đều trồng rau, chăm rau như… chăm con. Đàn ông làm đất, cấy rau, tưới nước, chị em thu hoạch, đi bán ở chợ Vinh và các chợ khác vào lúc tờ mờ sáng. Họ để lại một ít và thu hoạch dần, hết rau ghém chuyển sang rau canh, rồi rau dưa. Sau một tháng lại tiếp tục. Còn nếu chỉ trồng rau ghém thì 7 ngày thu hoạch 1 lần, ngày hôm nay thu hoạch luống này, lại gieo ngay luống khác. Cuộc sống của người trồng rau ở Nghi Ân gắn chặt với cánh đồng từ sáng sớm cho đến tối. Đi chợ về lại ra đồng. Một gia đình có một sào rau thì mỗi ngày rau cho thu nhập ít nhất là 150.000 đồng. Anh Phạm Thái khẳng định: Người dân ở đây làm rau để cho gia đình dùng nữa và giữ uy tín nên không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân Nghi Ân làm rau sạch đã lâu. Trước nhu cầu bức thiết về rau an toàn cho người dân, thành phố cùng với doanh nghiệp đã vào cuộc sẻ chia. DNTN Phú Tứ đã hỗ trợ bà con chế phẩm sinh học EMt3 để xử lý ủ phân chuồng, xử lý đất trước khi trồng rau. Ông Cao Văn Tứ- Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Chế phẩm EMt3 được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy, lên men từ thực phẩm sạch, tạo ra tổ hợp các chủng vi sinh vật có ích. Chế phẩm này có tác dụng: dùng để xử lý nấm, bệnh, vi rút có hại cho con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường chứa trong phân, rác thải hữu cơ, làm cho chất thải hữu cơ phân hủy nhanh, gia tăng khuẩn có ích. Sử dụng chế phẩm này hoàn toàn không độc với con người, vật nuôi và cây trồng. Còn cơ chế diệt vi khuẩn, nấm mốc là do chúng tôi chỉ tạo ra sự thay đổi môi trường sống của chúng, khiến chúng không tồn tại được mà chết.

Với chế phẩm đó, người dân Nghi Ân, Nghi Kim và Nghi Liên đã tham gia vào dự án rau sạch của thành phố do doanh nghiệp Phú Tứ đầu tư. Từ đầu năm đến nay, ông Tứ đã lặn lội khắp với bà con để phổ biến quy trình sản xuất rau sạch hơn. Giữ nguyên phương pháp sản xuất rau truyền thống, bà con Nghi Ân giờ đây còn biết ủ phân hữu cơ thành phân hữu cơ sinh học, biết xử lý đất bằng vôi bột và phân hữu cơ trước khi gieo giống. Còn trong quá trình sinh trưởng, chỉ tưới nước cho rau. Để đảm bảo an toàn, Thành phố Vinh và doanh nghiệp đã đầu tư nhà lưới cho bà con. Nhà lưới cao 2,5m, có 3 lớp, vừa chống mưa, chống rét, chống nắng, lại chống sâu, bọ nhảy. 1m2 nhà lưới đầu tư 130.000 đồng, thành phố hỗ trợ 100.000 đồng, còn 30.000 đồng bà con tự bỏ ra. 75 hộ dân Nghi Ân đã tham gia dự án và hăng hái làm nhà lưới, chuẩn bị giống làm rau Tết.

Ngoài giống rau địa phương, doanh nghiệp Phú Tứ còn đưa về mồng tơi, rau bầu, rau bí, súp lơ Anh, cải đầu bò… để bà con trồng thử nghiệm, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Người dân ở đây cho biết: Bước đầu cho thấy các giống này năng suất cao. Phương pháp làm đất mới cũng khiến cho rau phát triển mạnh hơn.

“Điều gì đã khiến cho ông mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro này?”. Ông Tứ chia sẻ: “Là một kỹ sư chuyên về các chế phẩm sinh học, tôi nhận thấy thị trường rau sạch đang bị bỏ ngỏ nhiều năm. Nếu tôi làm được thì không chỉ Thành phố Vinh có thương hiệu rau sạch mà người tiêu dùng cũng yên tâm khi sử dụng.Tôi chọn Nghi Ân là một trong những nơi để trồng rau sạch vì có đất cát pha, nguồn nước sạch, không gần bãi tha ma, bãi rác, khu công nghiệp. Ở đây có truyền thống sản xuất rau lâu đời và nguồn giống tốt. Tôi đang đầu tư một số ki ốt và cửa hàng tại các chợ để bán rau sạch. Mỗi ki ốt rộng 60m2, vừa bán hàng vừa làm kho. Rau của chúng tôi sau khi thu hoạch sẽ sơ chế (nhặt lá vàng, lá sâu), rửa qua rồi sục bể o zôn, sau đó đóng gói, dãn nhãn mác và đem đi tiêu thụ. Hiện nay, dự án của tôi thực hiện trên 25 ha ở thành phố Vinh. Tôi đã bỏ ra 1,5 tỷ đồng làm nhà lưới. Kế hoạch đầu tháng 1/2013 sẽ có rau an toàn để bán”.

Nghi Ân là xã ngoại ô thành phố, có Quốc lộ 46 chạy qua, trong bối cảnh đô thị hóa, đất đai lên giá, nhưng bà con nông dân vẫn gắn bó với ruộng đồng, nay ở đây mỗi sào có tháng cho thu nhập tới 16 triệu đồng. “Mức thu đó không có gì có thể sánh bằng”, ông Cao Văn Tứ khẳng định. Nhưng không chỉ là lợi nhuận, mà cách làm, cách nghĩ và niềm tự hào về nghề của bà con nơi đây đã làm nên màu xanh ý nghĩa.


Châu Lan

Mới nhất
x
Bài cuối: Rau sạch thành Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO