Bài cuối: Sự cần thiết phải phối hợp “3 nhà”

01/05/2012 11:42

(Baonghean) Khai thác tiềm năng để phát triển cây trồng vật nuôi vùng miền núi là bài toán khó, nhưng không phải không thể làm được. Hiện nay một số huyện đang “mày mò” chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng phối hợp “3 nhà” để phát triền bền vững. Đây là chủ trương có tính định hướng với mục tiêu giải quyết một lúc nhiều vấn đề xã hội đang cần... 

(Baonghean) Khai thác tiềm năng để phát triển cây trồng vật nuôi vùng miền núi là bài toán khó, nhưng không phải không thể làm được. Hiện nay một số huyện đang “mày mò” chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng phối hợp “3 nhà” để phát triền bền vững. Đây là chủ trương có tính định hướng với mục tiêu giải quyết một lúc nhiều vấn đề xã hội đang cần...

Huyện Quế Phong có nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhưng từ trước đến nay, địa phương này vẫn chưa khai thác tiềm năng đó, do vậy không xác định được cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.

Ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện công nhận điều đó, đồng thời đưa ra các giải pháp để tiến tới chọn một số cây trồng mang tính đột phá, bền vững. Hiện nay, được sự phối hợp của Công ty Thực phẩm Nghệ An, huyện Quế Phong đang trồng thử nghiệm một số cây trồng, như: đu đủ Đài Loan, ớt cay xuất khẩu, chuối tiêu hồng, gấc tại các xã Châu Kim, Quế Sơn, Tiền Phong.



Xưởng chế biến gỗ dán của Công ty TNHH Kiều Phương ở Tân Kỳ.

Trong số những cây trồng đó, sau 1 – 2 vụ nếu cây nào phù hợp, được bà con chấp nhận thì nhân ra diện rộng, phát triển thành vùng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Ví như cây chanh leo, cách đây 2 năm huyện đưa vào trồng thử ở xã Tri Lễ, thấy năng suất cao, chất lượng tốt, bà con nông dân phấn khởi chấp nhận. Hiệu quả kinh tế do cây chanh leo đưa lại là rất rõ nét, 1 ha cho thu nhập 200 – 250 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ 90 – 110 triệu đồng. Đặc điểm của cây chanh leo là trồng trên đất đồi, trồng 1 lần thu hoạch trong 4 năm, nên hiệu quả kinh tế cao.

Công ty Thực phẩm Nghệ An đang có ý định mở văn phòng đại diện tại Quế Phong để xây dựng vườn ươm giống chanh leo, cung cấp cây giống tại chỗ cho nông dân. Hiện nay, UBND huyện đang quy hoạch cụ thể để phát triển bền vững cây trồng này bằng hình thức trồng dứa, dưới giàn chanh leo.

Tuy nhiên, theo ông Minh, đây chỉ là giai đoạn “mày mò” tìm cây trồng phù hợp của Quế Phong. Mặc dù cây chanh leo bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả kinh tế, nhưng diện tích mới 5 ha, trong khi đó tiềm năng để trồng chanh leo khá lớn, tập trung chủ yếu ở Tri Lễ và một số xã lân cận. Ngoài ra, Quế Phong mới đây còn trồng thành công nấm rơm, nấm sò tại xã Mường Nọc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Toàn bộ những cây trồng mới đang trồng thử nghiệm ở Quế Phong đều do Công ty Thực phẩm Nghệ An phối hợp với địa phương sản xuất và bao tiêu sản phẩm.


Địa phương nào cũng có tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển cây trồng vật nuôi, nhưng vấn đề ở chỗ là làm thế nào để khai thác được tiềm năng đó. Gừng, bí, khoai sọ… ở Tương Dương, Kỳ Sơn từ trước đến nay bà con chỉ trồng tự phát, manh mún, Nhà nước chưa có định hướng, quy hoạch. Do đó sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, hoặc giá bán rất rẻ. Nguyên nhân là sản phẩm phân tán, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nhiều nơi bị chia cắt, dẫn đến sản phẩm thu hoạch về chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, trong khi thị trường lại rất cần sản phẩm đó.

Vấn đề cần thiết là các địa phương phải xác định rõ mục tiêu để quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi cụ thể theo “chuỗi”, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống. Biết rằng không phải sản phẩm nào chúng ta cũng nghĩ đến xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương, vì phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng và số lượng sản phẩm. Nhưng chúng ta có thể liên kết với các nhà máy chế biến trong nước để tiêu thụ sản phẩm đó. Việc này cấp huyện có vai trò rất lớn, nếu người đứng đầu thật sự trăn trở.


Huyện Tân Kỳ ngoài thế mạnh phát triển cây cao su, mía còn có tiềm năng trồng rừng nguyên liệu. Bằng các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ, những năm qua, phong trào trồng rừng nguyên liệu ở đây phát triển mạnh. Đến nay, diện tích rừng nguyên liệu của Tân Kỳ trên 10.000 ha, diện tích đất trống đồi núi trọc của địa phương này cơ bản khép kín.

Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp huyện, mỗi năm được phủ xanh trồng mới khoảng 1.000 ha rừng kinh tế, nghĩa là mỗi năm Tân Kỳ thu hoạch tương đương 1.000 ha rừng nguyên liệu. Nếu 1 ha rừng trồng thu hoạch 80 m3 gỗ (1 ha rừng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn đạt 100 m3 gỗ) thì mỗi năm Tân Kỳ có 80.000 m3 gỗ nguyên liệu bán ra thị trường. Với số lượng gỗ đó, nếu bán được giá theo quy định của Nhà nước thì người trồng rừng thu về hàng chục tỷ đồng.

Thế nhưng, do không chủ động được khâu tiêu thụ nên những năm qua, người trồng rừng Tân Kỳ phải chấp nhận bán rừng với giá bèo bọt. Để giải quyết bế tắc đó, vừa qua, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp – PTNT cùng với Công ty TNHH Kiều Phương trực tiếp ra một số tỉnh phía Bắc, Hà Giang, Lạng Sơn để tham khảo xây dựng nhà máy chế biến gỗ.

Giữa tháng 4/2012, Công ty TNHH Kiều Phương đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ dán, công suất 25 m3 gỗ tròn/ngày ngay trên địa bàn huyện. Việc xây dựng nhà máy, theo giám đốc công ty cho biết: Trước mắt giải quyết sản phẩm gỗ nguyên liệu cho công ty. Hiện nay, đơn vị có 1 ha rừng nguyên liệu đang đến tuổi khai thác. Sản phẩm gỗ dán chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài. Nhà máy hoạt động đã giải quyết việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên. Thời gian tới công ty sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ dán, đồng thời phối hợp với UBND huyện thu mua gỗ nguyên liệu cho bà con trên địa bàn, đưa nhà máy đi vào hoạt động lâu dài.


Tìm hướng đi bền vững cho cây trồng, vật nuôi vùng miền núi là rất cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. Ông Vừ Giống Dìa – Chủ tịch UBND xã Lường Lống, huyện Kỳ Sơn, đưa ra quan điểm: Đất đai của địa phương rất rộng, từ trước đến nay người dân chúng tôi trồng gừng, khoai sọ năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng giá lại rất thấp. Giá như huyện, tỉnh xây dựng nhà máy chế biến tại huyện, hoặc liên kết với đơn vị nào đó thu mua cho dân thì đồng bào sẽ “bám” cây gừng để xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, diện tích đất trồng gừng, khoai sọ, bí vùng miền núi rất nhiều, do vậy cấp trên cần có định hướng cho bà con phát triển các loại cây trồng này. Bế tắc nhất đối với các địa phương vùng miền núi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa là không xác định được cây trồng, vật nuôi mang tính hàng hóa bền vững. Từ đó dẫn đến người dân thiếu việc làm, đói nghèo khó chấm dứt, rừng bị tàn phá… trong khi tiềm năng không phải là ít.


Xuất phát từ nguyên nhân sản phẩm nông nghiệp làm ra không có địa chỉ tiêu thụ ổn định, nên từ trước đến nay, người nông dân không đủ kiên nhẫn để “chơi” với thị trường. Với một cây trồng nào đó, nếu năm nay bán được giá thì sang năm tiếp tục trồng và sẵn sàng nhường đất để trồng cây đó. Nhưng nếu sản phẩm đó rớt giá thì nông dân “cạch” luôn. Điều đó cho thấy chúng ta đang thiếu sự quy hoạch phát triển kinh tế. Hơn nữa, người nông dân thiếu kiên định với thị trường.

Ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ có ông Nguyễn Khắc Sô chuyên chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, khi nào trong chuồng cũng có hàng chục con lợn thịt. Khác với mọi người ông Sô luôn chấp nhận quy luật thị trường. Theo ông Sô, hiện nay không có cây gì, con gì tiêu thụ với giá bán bền vững, cho nên mình đã nuôi con gì thì cứ thế mà nuôi, sẵn sàng đeo bám thị trường. Cơ chế bây giờ là thị trường gắn bó với người dân và ngược lại. Kinh nghiệm lâu nay cho thấy, khi sản phẩm nào đó rớt giá thì ê chề, nhưng khi giá tăng lại không có để bán.


Nói tóm lại, để khai thác được tiềm năng về cây trồng, vật nuôi vùng miền núi thì phải có quy hoạch dài hơi, chính sách phát triển phải đồng bộ, toàn diện, lấy thị trường tiêu thụ làm đòn bẩy để phát triển. Do vậy, không có gì khác là phải có sự phối hợp giữa “3 nhà” để phát triển. Có như thế mới thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiếu vùng miền núi hiệu quả hơn!


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài cuối: Sự cần thiết phải phối hợp “3 nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO