Bài cuối: Thân thương tiếng Nghệ

(Baonghean) - Một lần đang đứng trên boong tàu HQ 571, có một sỹ quan hải quân chủ động đến bắt chuyện với chúng tôi. Hỏi ra mới hay, anh nghe chúng tôi “trọ trẹ” tiếng Nghệ, đoán là đồng hương nên đến làm quen. Cũng theo cách này mà nhóm phóng viên Báo Nghệ An đã có cơ hội được quen biết nhiều người Nghệ đang công tác, sinh sống ở quần đảo Trường Sa. Vượt qua những nỗi niềm riêng, họ đang phát huy truyền thống quê hương, góp phần xây dựng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc vững mạnh. 
Phóng viên Báo  Nghệ An trao đổi cùng anh Tô Hoài ở Trường Sa.
Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi cùng anh Tô Hoài ở Trường Sa.
Người sỹ quan hải quân mà chúng tôi đang nhắc đến chính là Trung úy Phan Văn Toàn, quê ở xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn. Sinh năm 1980, năm nay đã tròn 34 tuổi, nhưng trông anh cứng hơn tuổi thực vì cái dáng cao to, da ngăm đen màu nước đồng của mình. Lúc tàu HQ 571 đang neo lại ở gần đảo Đá Tây tránh biển động, thì cũng là thời điểm anh Toàn rời đảo chìm này lên tàu vào bờ đi phép sau thời gian làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Vốn tính vồn vã, tự nhiên cộng chất lính biển “ăn sóng, nói gió”, tất cả các phóng viên trên tàu đều quý anh đến lạ. Có lẽ, với người đi xa, mà đặc biệt là lính đảo, khao khát được nắm bắt thông tin về quê hương luôn cháy bỏng trong lòng. Câu đầu tiên anh Toàn hỏi cũng để dành cho quê hương: “Quê ơi! Nghệ An mình chắc thay đổi nhiều lắm anh nhỉ?”. Lính đảo khi gặp đồng hương hay xưng hô thân thiện như vậy. Tôi và đồng nghiệp Đào Tuấn “đãi” anh nhiều mẩu chuyện, nhiều thông tin cập nhật những đổi thay của quê hương Nghệ An. Anh tỏ vẻ phấn khởi rồi nhẹ giọng tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Anh Sơn, có mơ cũng không nghĩ cả sự nghiệp của mình lại gắn liền với biển, mà còn là lính biển Trường Sa. Nhưng rồi, “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau” thì phải, bây giờ mình đã phục vụ trong lực lượng hải quân hơn 8 năm rồi. Đó là quãng thời gian chưa phải là dài trong đời người nhưng nó cũng đủ để mình trưởng thành hơn, chai sạn đi nhưng có điều, bản tính người Nghệ thì không khi mô thay đổi được”. 
Câu chuyện tiếp tục xoay quanh đời người lính ở đảo xa. Những tên đảo nghe qua đã thấy vời vợi như Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết đến Len Đao và vừa xong là Đá Tây. Bất kỳ nơi đâu mà người lính từng trải này đặt chân đến, anh đều luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với truyền thống quê hương. Và cứ thử nhẩm tính, trong 8 năm, nghĩa là gần 3 ngàn ngày đằng đẵng thì số thời gian mà anh ở đất liền, chưa nói được về quê với gia đình chỉ tính bằng con số lẻ. Tám năm đó, anh Toàn có đến 6 cái Tết ở Trường Sa, trong đó có 5 cái Tết trực đảo liên tục. Và 4 năm nay, từ khi lập gia đình và có con nhỏ 2 tuổi nhưng Tết năm nay mới là cái Tết đầu tiên cả gia đình được sum họp, quây quần bên bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Vợ anh Toàn giờ đang là giáo viên dạy học ở TP. Cam Khánh (Khánh Hòa).
Tôi hỏi, đi công tác liên miên vậy, về Tết anh đem quà gì cho gia đình? Anh cười vang, vỗ tay vào ngực mình, tếu táo nói: “Quà đây! Món quà lớn nhất là tôi, thứ nữa là mấy hộp thịt hộp và vỏ ốc biển. Lính đảo chúng tôi chỉ có ngần ấy thôi”. Cũng trong câu chuyện của anh, chúng tôi hiểu được rằng, với người lính nói chung và người lính đảo nói riêng, hậu phương có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Xa gia đình biền biệt, nỗi nhớ nhung, sẻ chia vui buồn, khó khăn trong cuộc sống chỉ có thể qua sóng điện thoại. Nhưng như gia đình anh Toàn, người vợ hiền tảo tần luôn là chỗ dựa niềm tin vững chãi cho anh. Bố mẹ ở quê là nguồn động viên lớn lao cho người con trai đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Bố anh Toàn đã hai lần theo tàu ra thăm anh ở đảo theo diện thăm thân được tổ chức hàng năm, một lần khi còn ở Len Đao và lần còn lại là vào năm nay ở đảo Đá Tây.  
Biển đêm đen thẫm, gió biển thổi vù vù, thông báo chiều nay của thủy thủ đoàn, tàu vẫn neo lại chờ biển êm hơn mới tiếp tục hành trình. Trong căn phòng C10 trên tàu, câu chuyện của anh về cuộc sống người lính đảo vẫn đang tiếp tục cuốn hút cánh phóng viên. Bỗng chuông điện thoại reo, anh nháy mắt tinh nghịch, nói vội: “Vợ lại gọi. Cả nhà mình mua vé tàu rồi, đúng 22 âm lịch là lên tàu “Nghệ An tiến” thôi. Năm ni, gia đình được dịp sum họp để con cháu cũng biết quê cha đất tổ hình hài ra răng. Nhưng nghỉ phép 2 tháng mà về quê nội nỏ được lâu, còn phải vô Cam Ranh sớm để vợ đi dạy”, nói đoạn, anh vội vàng chào cả phòng bước ra boong tàu nghe điện thoại. Sau đợt nghỉ phép này, anh sẽ lại theo những chuyến tàu lên đường ra nhận nhiệm vụ ở quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và tin rằng, phía đất liền dẫu còn trải qua hàng ngàn ngày ngóng đợi anh về vẫn hết lòng ủng hộ, đồng hành cùng người lính đảo để họ thêm chân cứng đá mềm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 
Xa gia đình thường xuyên, thiếu thốn tình cảm của người thân là hoàn cảnh chung của người lính đảo Trường Sa. Hôm lên điểm B, đảo Đá Tây, cũng nhờ giọng nói quê hương “đặc sệt” mà chúng tôi nhanh chóng nhận ra và quen thân với đồng chí Trung úy Chu Văn Hùng, quê ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Anh đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp và có thâm niêm 3 năm trực tiếp công tác ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bằng giọng Nghệ vang lừng, anh xung phong hướng dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở hạ tầng của đơn vị. Góc kia là ngôi nhà sinh hoạt thể thao, văn hóa; chỗ này trong các chậu gỗ nhỏ được che chắn cẩn thận là vườn rau tăng gia xanh mướt mát mồng tơi, rau cải. “Trường Sa chỉ có 2 mùa: mùa khô từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, thời gian còn lại là mùa mưa, biển động, gió biển mang theo vị mặn thổi liên hồi nên muốn có rau xanh thì phải bỏ công chăm bẵm thật kỹ càng”, anh chia sẻ bằng giọng nói của một người am hiểu Trường Sa.
Dọc theo những chiếc cầu bê tông vững chãi nối 3 ngôi nhà bê tông mọc lên sừng sững giữa biển khơi mênh mông, trong câu chuyện về quê hương, gia đình, được biết, vợ con anh giờ đang sinh sống ở Đà Nẵng. Vì đặc thù nhiệm vụ nên ít khi anh được ở nhà và Tết Giáp Ngọ năm nay cũng vậy, anh vẫn sẽ cùng sát cánh bên đồng chí, đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Trước khi chia tay, Trung úy Hùng tiễn chúng tôi xuống tận mép nước bãi cạn của đảo rồi nói lời tạm biệt: “Cho bộ đội Trường Sa gửi lời chúc Tết về đất liền nhé! Còn mình thì gửi lời chúc năm mới thật viên mãn đến gia đình, bạn bè ở quê và Nghệ An ta ngày càng phát triển giàu đẹp. Là người con xứ Nghệ, mình luôn phát huy truyền thống quê hương, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nơi đảo xa”. Tàu đã đi xa nhưng anh Hùng và đồng đội vẫn đứng đó, tay vẫy chào đoàn công tác như muốn gửi gắm thật nhiều tình cảm vào đất liền.
Ngoài rất nhiều cán bộ, chiến sỹ người gốc Nghệ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi có may mắn gặp một người Nghệ rất đặc biệt. Đó là công dân của Thị trấn Trường Sa, anh Tô Hoài, người gốc xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Vừa gặp, với chất giọng miền biển Diễn Châu, anh hỏi han thân tình như người thân. Trong ngôi nhà khang trang đã tràn ngập không khí Tết, anh chia sẻ mối lương duyên của cuộc đời mình với quần đảo Trường Sa. Năm 1989, anh nhập ngũ và tham gia vào lực lượng hải quân ra nhận nhiệm vụ ở đảo Thuyền Chài, quần đảo Trường Sa. Vốn sẵn nghề đi biển nên sau khi ra quân, anh Hoài quyết định chọn mảnh đất Cam Ranh (Khánh Hòa) làm nơi sinh cơ lập nghiệp và nên duyên với người con gái xứ Trầm Hương duyên dáng, mặn mòi tên Đoàn Thị Thịnh.
Hàng ngày, anh vẫn làm nghề biển, chị làm ở công ty thủy sản. Nhưng rồi, mảnh đất Trường Sa khắc nghiệt mà hào phóng dường như có sức hút kỳ lạ với một cá tính mạnh, thích chinh phục như anh. Cả gia đình quyết tâm ra Trường Sa lập nghiệp và giờ đã trở thành những công dân kỳ cựu của thị trấn đẹp như tranh vẽ này. Ở đảo, anh vẫn theo nghề ngư phủ và tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ; chị ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái và phụ giúp anh làm nghề. Cô con gái 7 tuổi Tô Phương Linh xinh xắn đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trường Sa. “Cuộc sống ở đảo chắc chắn sẽ thiếu thốn nhiều thứ hơn so với đất liền nhưng việc làm nghề thuận lợi hơn vì ngư trường Trường Sa rất dồi dào về trữ lượng thủy sản”, anh Hoài khẳng định bằng chất giọng Nghệ rắn rỏi dẫu đã xa quê hơn 20 năm. Anh vừa dứt lời, chị Thịnh ngồi bên thêm vào: “Mà chỉ huy, bộ đội đảo tạo điều kiện, giúp đỡ nhân dân nhiều lắm nghen! Gia đình người dân nào cũng kết nghĩa với một đến hai đơn vị trên đảo nên đời sống tinh thần cũng phong phú, kinh tế ổn định, nhân dân rất yên tâm bám trụ, lập nghiệp ở Trường Sa”.
Và, còn rất nhiều người Nghệ mà chúng tôi được gặp gỡ ở Trường Sa. Họ có thể là quân nhân, nhân dân, bác sỹ… nhưng giọng Nghệ thì không lẫn vào đâu được. Chất giọng đó có thể thô mộc, giản dị nhưng ẩn đằng sau là tính cách của những con người xứ Nghệ tình cảm, chịu khó, chịu thương, bản lĩnh đương đầu với thử thách. Chính ở nơi đầu sóng ngọn gió này, những người con xứ Nghệ đang là những đại diện cho truyền thống quê hương và có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quần đảo Trường Sa.
Thành Duy - Đào Tuấn 

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.