Bài học cảnh giác

(Baonghean) - Vụ thảm sát kinh hoàng với số người thương vong lớn xảy ra vào ngày 24/6/1964 tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn) là câu chuyện buồn về thời kỳ kẻ địch lôi kéo người dân vùng miền núi cao chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc. Ông Xồng Bá Súa - Chủ tịch UBND xã Mường Lống, trầm tư: “Do chủ quan nên chúng ta phải trả giá quá đắt. Chúng ta không được phép lãng quên, mà phải luôn ghi nhớ bài học cảnh giác để làm tốt hơn công tác an ninh trật tự”. 

Chúng tôi tìm gặp bà La Thị Đào, một người nắm khá rõ về vụ thảm sát xảy ra ở Mường Lống cách đây nửa thế kỷ. Bà La Thị Đào năm nay đã 70 tuổi, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Đầu năm 1963, Trại ươm giống cây của ngành Nông nghiệp tỉnh đặt tại Mường Lống, tỉnh đã điều động các thanh niên trẻ (chủ yếu ở Thanh Chương, Nam Đàn) lên làm công nhân trại dược. Thời kỳ này, tình hình an ninh, chính trị vùng biên khá phức tạp do các thế lực thù địch tiến hành nhiều biện pháp chống phá quyết liệt hòng phá hoại các thành quả hòa bình ở miền Bắc. Quân và dân ta luôn phải đối mặt với nạn tung biệt kích, gián điệp, lôi kéo người dân đi theo phỉ. Vì thế, trại giống cũng được trang bị súng trường, lựu đạn, vừa để tự vệ, vừa hỗ trợ dân phòng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. 
Địa điểm xảy ra vụ thảm sát vào ngày 24/6/1964 tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn).
Địa điểm xảy ra vụ thảm sát vào ngày 24/6/1964 tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn).
Theo bà La Thị Đào, nan giải nhất là việc đối mặt và đấu tranh với nạn “phỉ địa phương”. Tức là một số người dân bị địch dụ dỗ, lôi kéo, chống phá chính quyền và đời sống của bà con dân bản. Bộ phận này “ngày là ta, đêm ra với phỉ”, rất nguy hiểm. Chính vì thế, khi biết trại được có thêm đoàn cán bộ tỉnh và huyện về công tác lưu trú tại đây, lực lượng chống phá  đã mở đợt tập kích bất ngờ vào rạng sáng ngày 24/6/1964. Những kẻ có vũ trang đồng loạt ập vào trại dược, Trường cấp I, Cửa hàng mậu dịch và UBND xã Mường Lống. Vụ thảm sát đã cướp đi tính mạng của 33 người, làm bị thương 10 người. Đó thực sự là một tổn thất nặng nề. Từ sự việc này, cán bộ địa phương và người dân nhận diện rõ tội ác man rợ và những thủ đoạn nham hiểm của bọn phỉ, để từ đó quyết tâm dùng mọi biện pháp “tiễu phỉ” thành công, chỉ khoảng hai năm sau là ổn định tình hình.
Để nắm rõ hơn chi tiết về câu chuyện này, chúng tôi đã tìm gặp một nhân chứng trong vụ thảm sát, đó là ông Lê Văn Toản, 1 trong 10 người bị thương, hiện sinh sống tại Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Đã 75 tuổi, nhưng ông Toản vẫn rất minh mẫn, trí óc của ông còn lưu giữ nguyên vẹn cảnh tượng thảm khốc xảy ra khi ông vừa đổi phiên gác. Hôm ấy, có mấy cán bộ y tế tỉnh và huyện về hướng dẫn phun thuốc diệt ruồi, muỗi ở Mỹ Lý, trên đường ra thì ngủ lại ở trại giống. Ông Toản xong ca gác, vừa đặt lưng xuống giường, bỗng có tiếng súng nổ chát chúa. Ông lập tức nằm xuống đất, di chuyển về phía bếp lò và ẩn nấp trong đó để chống trả.
Trong đêm tối, dồn dập tiếng súng nổ, tiếng người rên vì trúng đạn. Ông Toản bị một vết thương ở bụng và một vết thương ở bẹn. Trời sáng, trước sự chống trả của những người còn sống sót, bọn phỉ phải rút vào rừng. Ngay sau đó, lần lượt 3 chiếc máy bay nhỏ thay nhau quần thảo liên hồi trên lòng chảo Mường Lống và thả dù cho biệt kích xuống. Những người bị thương cố lết vào các hầm, hang phía sau trại để trú ẩn. Máy bay của địch quần thảo cho đến hết buổi sáng ngày thứ 3 mới rút hẳn. Và chiều ngày thứ 3 mới hoàn thành việc chôn cất thi thể những người chết. Vụ thảm sát đó có 33 người hy sinh, trong đó phần lớn là công nhân trại giống, 2 cán bộ cửa hàng mậu dịch, 5 cán bộ tỉnh và huyện, 1 thợ mộc, 1 cán bộ xã, và 10 người bị thương. Trong ngày đầu tiên đã có người chạy về Mường Xén cấp báo tình hình, do đường sá khó khăn, nên ngày thứ 3 đoàn công tác của huyện mới lên đến Mường Lống. Sau đó, ông Toản được đưa lên ngựa chở ra Mường Xén, đưa về điều trị tại bệnh viện A1 ở Vinh; được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4…
Chúng tôi trở lại xã Mường Lống, người dẫn chúng tôi ra nơi dân đến vụ thảm sát năm xưa cũng chính là nơi xây dựng nghĩa trang liệt sỹ hy sinh trong đêm 24/6/1964 là ông Xồng Bá Súa – Chủ tịch UBND xã Mường Lống. Nghĩa trang nằm cách trụ sở UBND xã Mường Lống  khoảng 100m. Nay nhiều ngôi mộ đã được cất bốc đưa về nghĩa trang quê nhà. Ngôi nhà phía trước nghĩa trang cũng chính là một trong các ngôi nhà bọn phỉ đã tấn công, được lưu giữ để làm chứng tích. Hôm chúng tôi đến, Trường Tiểu học Mường Lống đang mượn tạm ngôi nhà này cho học sinh lớp 5 học trong thời gian nhà trường xây phòng học mới. Ở nơi kẻ địch gây ra cảnh tang thương cách đây nửa thế kỷ, giờ đang rộn lên tiếng học sinh học bài...
Ông Xồng Bá Súa cho biết, vụ thảm xát xảy ra khi ông mới 2 tuổi. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với người dân Mường Lống thì câu chuyện như mới xảy ra hôm qua. Bài học thấm thía vẫn là bài học lấy dân làm gốc. Theo ông Súa, sở dĩ làm tốt công tác “tiễu phỉ”, xóa sổ được bọn phỉ chỉ sau đó ít năm là nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân. Bài học về công tác an ninh trật tự sâu sắc ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, đó là, không chỉ gần dân, hiểu dân, mà còn phải làm cho dân gần mình, hiểu mình. Có như thế kẻ xấu mới không dụ dỗ, lôi kéo được dân. Vì một bộ phận người dân lúc đó “cầm súng là thành phỉ, thả súng là thành dân thường”. Khi cả hệ thống chính trị, cán bộ và đảng viên đều sâu sát với nhân dân, thì không còn người dân theo phỉ, và khi đó phỉ không có đất thể tồn tại. Đó cũng là bài học cảnh giác, bài học an ninh chính trị mà cán bộ Mường Lống luôn thuộc lòng để Mường Lống giữ vững an ninh trật tự suốt mấy chục năm nay. 
Đức Dương

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.