Bài học “dân vận khéo” ở Nam Anh

10/04/2013 17:32

(Baonghean) Là một xã vùng bán sơn địa của huyện Nam Đàn, điều kiện tự nhiên, địa hình không mấy thuận lợi nhưng thời gian qua nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của các cấp uỷ đảng, chính quyền mà đặc biệt là vai trò của hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác vận động nhân dân nên Nam Anh đã phát triển khá toàn diện, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.

Con đường đi qua vùng Bàu Nón vào trung tâm xã Nam Anh không còn cảnh lầy lội, gồ ghề như trước nữa, mà thay vào đó là con đường bê tông thẳng tắp, thoáng rộng với chiều dài gần 3 km góp phần kết nối thuận lợi giữa 2 vùng của xã: vùng phía núi (5 xóm) và vùng phía đồng (4 xóm). Đây là một trong những kết quả tiêu biểu về công tác dân vận khéo, công tác vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nam Anh là xã bán sơn địa nằm phía Bắc của huyện Nam Đàn. Điều kiện địa hình như vậy không thuận lợi cho phát triển kinh tế toàn diện, song đảng uỷ xã xác định trên cơ sở là xã điểm của huyện về xây dựng nông thôn mới, Nam Anh lựa chọn các nội dung, tiêu chí cần làm trên cơ sở coi trọng công tác dân vận, xem dân vận khéo là “chìa khoá” thành công, biến những khó khăn thành điều kiện lợi thế so sánh. Để nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, Nam Anh tập trung công tác tuyên truyền vận động thông qua hệ thống thông tin tuyên truyền và xem quy chế dân chủ là “chìa khóa” vạn năng để thực hiện có hiệu quả trong việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng. Với phương châm “kiên trì, không nản chí và không bỏ cuộc”, đồng thời phát huy tối đa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ, các đoàn thể, những người có uy tín trong gia đình, dòng họ và trong cộng đồng dân cư.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, đối với Nam Anh, chuyện cây hồng đứng chân trên vùng đất đồi trở thành cây ăn quả đặc sản địa phương “hồng Nam Anh” cho thu nhập nhiều hộ gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng không còn là chuyện lạ, nhưng ngoài cây hồng thì đưa vào trồng thêm loại cây gì cho thu nhập thường xuyên, tạo ra phong trào cải tạo đất phát triển kinh tế nông nghiệp là sự trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đây.

Từ sự trăn trở này, đảng ủy xã đã phát động nhiều phong trào phát triển kinh tế, dựa trên thực tế địa phương để có hướng đi phù hợp. Do đó, phong trào “đưa vườn, đưa trang trại ra đồng” đã được phát động, riêng đối với cây hoa lý, xã hỗ trợ kinh phí mang tính chất kích cầu: hỗ trợ 200.000 đồng/sào đưa cây hoa thiên lý xuống đồng. Lúc đầu chủ trương rất khó thực hiện bởi các hộ chưa tin vào hiệu quả của loại cây trồng này, tuy nhiên nhờ thuyết phục vận động tốt bằng cách cán bộ, đảng viên làm trước có hiệu quả bà con làm theo.



Cánh đồng vụ đông ở Nam Anh. Ảnh: Sỹ Minh

Do vậy năm 2012, bà con các xóm đã chuyển trồng được 12 ha hoa lý trên đất đồng cao cưỡng, đưa lại giá trị kinh tế mỗi năm ước đạt trên 300 triệu đồng/ ha, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích cây rau màu theo hướng đa dạng các loại cây như dưa chuột, mướp đắng, cà tím, các loại rau gia vị.

Tin và làm theo chủ trương của cấp ủy đảng, địa phương, nhiều hộ gia đình lúc đầu rất khó khăn nhưng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu như hộ Nguyễn Thế Việt, xóm 7, chỉ với 3 sào hoa lý mỗi năm cho thu nhập trên 45 triệu đồng; hộ Nguyễn Văn Yên, xóm 5, có “duyên” với cây hồng trứng, hồng cậy với 2 ha hồng hàng năm đều cho giá trị trên 100 triệu đồng. Trên vùng trũng Bàu Nón đã xuất hiện nhiều mô hình hộ nông dân vượt khó làm giàu như Nguyễn Kim Chiến, Hồ Viết Linh làm kinh tế trang trại nuôi gia cầm, nuôi lợn, nuôi cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Sinh cho biết: “Có được kết quả thuyết phục như hiện nay đó là quá trình mạnh dạn đổi mới tư duy trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, vùng đất nào sẽ có hình thức canh tác đó, gắn với chuyển đổi đưa vườn ra đồng, đưa trang trại xuống vùng trũng. Quá trình triển khai thực hiện, xã rất chú trọng xây dựng mô hình và vận động nhân dân quyết tâm thực hiện”.

Từ chương trình dồn điền đổi thửa, xã quy hoạch các vùng đất xấu, trũng để làm trang trại, gia trại nhỏ và vừa với mức đầu tư từ 50-100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại đào ao nuôi cá kết hợp nuôi vịt, nuôi gia cầm. Trên diện tích đất đồi, Nam Anh khuyến khích người dân phục tráng một số cây đặc sản như quýt, hồng không hạt, tiếp tục mở rộng diện tích sắn dây để từng bước khẳng định thương hiệu. Báo cáo của UBND xã cho thấy, trên quỹ đất sản xuất có 455 ha (chiếm 70%) đất sản xuất nông nghiệp đã cho giá trị kinh tế 70 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 50% diện tích cho giá trị kinh tế đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Một thành công đáng ghi nhận của Nam Anh trong thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đó là vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Được chọn 1 trong 3 xã thí điểm xây dựng chương trình nên Nam Anh xác định đây là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu bản chất của chương trình, quan điểm xây dựng nông thôn mới nguồn lực từ nhân dân là chính, làm rõ về cơ chế hỗ trợ từ nhà nước chỉ mang tính chất kích cầu... nên nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Xã cũng thành lập Ban nông thôn mới kết hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình từng năm cụ thể gắn với các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xóm. Trong xây dựng cơ bản áp dụng cơ chế quản lý đầu tư phát huy tối đa vai trò dân chủ trong nhân dân.

Ở Nam Anh người dân được bàn bạc, tự quyết định, tự mua vật tư, vật liệu, thuê sắm trang thiết bị phục vụ cho việc thi công, trực tiếp thi công công trình, vì vậy rất chủ động trong việc triển khai thực hiện, chất lượng công trình đảm bảo, vật tư không thất thoát, giá thành giảm… Nhờ có giải pháp đồng bộ, xã điểm Nam Anh sau 2 năm triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới đã huy động đầu tư cơ sở hạ tầng được hơn 32 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 7,5 tỷ đồng (23,3%).

Hầu hết các xóm đều thực hiện tốt việc huy động nội lực, điển hình xóm 8 trong năm 2012 đã đóng góp bình quân 1,6 triệu đồng/khẩu làm đường bê tông xóm và đường liên xóm qua Bàu Nón với chiều dài trên 2,5km. Bây giờ đi khắp các thôn xóm trong xã, hệ thống giao thông, thuỷ lợi cơ bản đã khép kín, không khí dân chủ tập trung thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên từng vùng đất đã thực sự sôi nổi.

Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng và phát huy tác dụng gắn với chức năng nhiệm vụ của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới: mô hình “khuyến học, khuyến tài” của MTTQ, hội CCB phát huy mô hình “Xây dựng hố xử lý rác tại gia”, Hội Nông dân với “Cánh đồng cho thu nhập cao”, Đoàn TN thực hiện “Đoạn đường em chăm”, Hội LHPN với “Năm không ba sạch”… bài học rút ra từ sự thành công trong công tác vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới ở Nam Anh, đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền với phương châm vận động cán bộ, đảng viên làm trước, quần chúng nhân dân làm sau theo phương châm “Kiên trì, không nản chí và không bỏ cuộc”.


Hồng Sơn

Mới nhất
x
Bài học “dân vận khéo” ở Nam Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO