Bài học từ những vụ việc liên quan đến tôn giáo

04/11/2013 10:07

(Baonghean) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh và trong cả nước xẩy ra nhiều vụ việc liên quan đến tôn giáo. Xâu chuỗi thì tất cả các vụ việc đều có chung một hiện tượng là tín đồ các tôn giáo tụ tập đông người, gây áp lực với chính quyền đòi một số quyền lợi chính đáng và chưa chính đáng. Nguyên nhân ở đây chủ yếu là do nhận thức về pháp luật của người dân còn sơ sài; bị các thế lực thù địch lợi dụng cái gọi là dân chủ, nhân quyền...

Tuy nhiên, sau mỗi vụ việc, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và những người có trách nhiệm của các tôn giáo đã rút ra được những bài học gì để hạn chế và đi đến triệt tiêu những bất đồng, những vụ việc đáng tiếc nhằm tạo được khối đại đoàn kết thống nhất, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập, đáp ứng quyền lợi chính đáng, đảm bảo an sinh của người dân hay chưa? Làm được điều đó chính là thực hiện tốt đường lối của Đảng về công tác tôn giáo, đường hướng của các tôn giáo chân chính.

Dưới góc nhìn của một công dân, một tín hữu đạo Công giáo chúng tôi thấy, cần phải có những đánh giá, rút kinh nghiệm, đặc biệt là những hành động, việc làm cụ thể sau mỗi vụ việc xẩy ra, để rồi cuộc sống của mọi người dân được yên bình, những người có đạo được tự do hành đạo theo đường hướng tôn giáo mà mình thờ phụng, được tự do sinh hoạt làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội đúng với chủ trương của Đảng và làm tròn nghĩa vụ công dân.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt hàng hóa của anh Vũ Văn Quỳnh ở xóm giáo toàn tòng Lâm Thành (Nam Thành - Yên Thành). Ảnh: N.S
Mô hình chăn nuôi lợn thịt hàng hóa của anh Vũ Văn Quỳnh ở xóm giáo toàn tòng Lâm Thành (Nam Thành - Yên Thành). Ảnh: N.S

Để những nguyện vọng chính đáng nói trên được thực hiện, theo chúng tôi:

Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm chính quyền hay các tổ chức tôn giáo giải quyết các sự việc, vấn đề mâu thuẫn, phát sinh không phải theo tư tưởng hay tinh thần “ăn thua”. Trong giải quyết sự vụ sẽ không có ai thắng, không có ai thua, bởi một lẽ rất đơn giản chính quyền các cấp là người chịu trách nhiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh của địa phương, đơn vị, mà chủ thể của các sự vụ đó là công dân. Khi chính quyền các cấp dùng hết tất cả các biện pháp về vận động, thuyết phục giải quyết sự vụ mà vẫn không được thì buộc chính quyền phải dùng đến biện pháp “Thương thì cho roi, cho rọt”, roi vọt ở đây là kỷ cương, phép nước.

Hơn ai hết, chúng tôi - những người Công giáo đều hiểu rằng, ai đó trong chúng tôi dù giữ cương vị gì trong Giáo hội Công giáo Việt Nam thì cũng đều là công dân Việt Nam, do đó sẽ không bao giờ có vùng “cấm” cho người này hoặc người kia, bất kể ai nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng trị. Về Giáo hội Công giáo cũng rất rõ ràng, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người cũng bắt nguồn từ Chân, Thiện, Mỹ, vì vậy nếu ai đó trong thành phần dân chúa mà kêu gọi, cổ vũ, chửi bới, lăng mạ, đánh đập gây hấn với chính quyền thì rõ ràng là hành động không đúng với giáo huấn Thiên Chúa. Theo chúng tôi, các giám mục, linh mục phải là người hòa giải trong những vụ việc này, bởi châm ngôn có câu “con dại, cái mang”, vì vậy cả chính quyền và các vị chức sắc hãy cùng bàn thảo để con chiên không vướng vào con đường lao lý.

Thứ hai, nguyên nhân của các vụ việc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân. Đó là điều hoàn toàn chính xác. Các cấp chính quyền từ cơ sở đến tỉnh cần rà soát lại việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân bấy lâu đã thực hiện như thế nào? Có phù hợp, hiệu quả và thực sự đến được với người dân? Chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, không vì thành tích mà “an tâm” bởi những bản báo cáo hàng năm từ các cơ sở với đánh giá: mọi người dân đều được phổ biến giáo dục pháp luật đầy đủ. Nếu đánh giá trong những báo cáo trên là “trung thực” nếu những giáo dân ở Nghi Phương “được trang bị đầy đủ về pháp luật” thì số người bị xúi giục đi biểu tình, chống đối, mang gạch đá, liềm hái đi đánh nhau với người đồng loại, với chính quyền có lên đến con số hàng trăm như vừa rồi không? Chắc chắn là không, vì họ sẽ hiểu như thế là vi phạm nghiêm trọng về pháp luật. Đồng thời, khi mọi người đều hiểu biết về pháp luật rồi, thì số ít người vẫn cố tình tham gia gây hấn ắt là có ý đồ khác!?

Mặt khác cũng phải thấy rằng, các giám mục, linh mục và các vị chức sắc ở Giáo phận Vinh đã chưa làm tròn bổn phận trong rao giảng giáo lý và chăn dắt phần hồn cho các con chiên theo đường hướng của Giáo hội Công giáo. Những người Công giáo thực sự thấu hiểu giáo lý như chúng tôi đều biết: Những người tham gia đi gây hấn, hoặc cố tình đi bên cạnh đều thấy được, đi như thế không phải hy sinh vì Chúa, vì người anh em của chúng tôi, Chúa chỉ răn dạy, nếu hy sinh cho Chúa là sự nhẫn nại, sống khiêm nhường.

Chúng tôi thừa nhận một điều là từ xưa tới nay chúng tôi vẫn đi lễ nhà thờ, vẫn tuyên xưng Thiên Chúa ở mọi lúc, mọi nơi, không có ai cấm đoán chúng tôi, chính quyền các cấp không bắt bớ, tra khảo người đi lễ, đức tin chúng tôi không hề bị bách hại, tại sao chúng tôi phải làm những việc đó vì ai? Chúng tôi không dại gì mà chết vô cớ và tầm thường như vậy? Chúng tôi sẵn sàng xin lỗi người anh em chúng tôi, sẵn sàng chịu trách nhiệm bởi những sai trái của mình nếu chúng tôi gây hấn, bởi Thiên Chúa dạy: “Khi người anh em có lỗi thì không những tha bảy lần mà đến bảy mươi lần cơ mà”.

Công trình nước sạch ở xóm giáo Lâm Thành (Nam Thành - Yên Thành).Ảnh: N.S
Công trình nước sạch ở xóm giáo Lâm Thành (Nam Thành - Yên Thành). Ảnh: N.S

Do đó, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, nên chăng cấp ủy Đảng, chính quyền cần xem đây là việc làm thường xuyên, nhất là với đồng bào Công giáo phải có những cán bộ tâm huyết, hiểu tường tận về giáo hội. Khi đưa pháp luật về với đồng bào có đạo, phải lồng ghép được những quy định của giáo luật khuyên con người làm việc thiện, giáo dục nhân cách con người, để rồi những văn bản pháp luật của nhà nước sẽ ở lại với đồng bào, sống trong tư tưởng, đức tin của đồng bào.

Nghị quyết của Đảng đã xác định: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với quá trình xây dựng đất nước”, chúng ta phải khai thác cái “nhiều điều” của nội dung về “đạo đức tôn giáo” đó để làm cho giáo dân thấy được và thấm nhuần các nội dung về giáo lý và luật pháp, phải làm sao để các giáo dân xác định “Nếu chống lại chính quyền là chống lại quyền bính của Thiên Chúa”. Muốn làm được điều đó, những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải hiểu sâu, biết rộng và nắm vững cả về kiến thức pháp luật lẫn nội dung giáo luật, chứ không thể chỉ biết hời hợt một vài điều luật, hoặc trích dẫn một cách không thuyết phục, dẫn đến phản tác dụng, kém hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Cần chú trọng việc đảm bảo các điều kiện để mọi công dân được học và tiếp thu các văn bản pháp luật một cách tường tận, điều đó đòi hỏi kỹ năng, cách tập hợp của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, để mọi người thấy việc thực hiện và chấp hành pháp luật cũng như giáo luật là trách nhiệm và nghĩa vụ. Nếu người dân hiểu pháp luật và giáo luật không đầy đủ, thiếu căn bản thường dẫn đến vi phạm pháp luật, phản bội giáo lý và dễ dàng bị lôi kéo, xúi giục thực hiện những hành vi làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội...

TIN LIÊN QUAN

Thứ ba, phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, sau gần 30 năm đổi mới, công tác tôn giáo của Đảng ta được chú trọng và ngày càng thể hiện rõ đường lối đúng đắn của Đảng đã được hiến định trong Hiến pháp tại Ðiều 70: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Hay ở Ðiều 54: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy, tỷ lệ con em đồng bào Công giáo tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội rất ít. Điều này trước hết phải nói đến ý chí vươn lên của chính các tín đồ Công giáo tham gia đảm trách các công việc xã hội đang còn khiêm tốn. Song bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng cần phải tạo điều kiện hơn nữa, để con em đồng bào Công giáo có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, công tác và phát triển trong các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị.

Thứ tư, trong công tác cán bộ, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp một số nơi đang lấy hiện tượng để đánh đồng bản chất khi đề bạt, tuyển dụng cán bộ là người có đạo, do đó cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội của con em đồng bào Công giáo có lúc, có nơi còn bị hạn chế. Vì vậy, theo chúng tôi “nếu tìm hiểu con người mà bỏ qua hoặc xem nhẹ vị thế và những đóng góp của họ trong xã hội thì chẳng khác nào vớt một con cá đang bơi tung tăng ở dưới sông đem đặt lên mặt bàn để phân tích về đời sống của loài cá”.

Thứ năm, qua những vụ việc vừa xẩy ra, chúng ta cũng thấy được hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là ở một số nơi có đồng bào Công giáo chưa phát huy được hiệu quả, đội ngũ cốt cán vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thậm chí, có nơi cấp ủy Đảng, chính quyền bị động hoàn toàn, để kẽ hở cho số người xấu lôi kéo, xúi giục đồng bào vi phạm pháp luật. Đặc biệt nghiêm trọng là một số cán bộ xử lý công việc thiếu khoa học, chưa thực sự đúng với quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, còn bộc lộ non kém trình độ, nhận thức về pháp luật, giáo luật; quan điểm, lập trường không vững vàng, duy ý chí, buông xuôi theo những đòi hỏi, sự ép buộc vô lý của một số người cực đoan. Theo chúng tôi, điều này phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra phương pháp giải quyết hài hòa, phù hợp với quy định của pháp luật và hợp lòng dân.

Thứ sáu, chúng tôi thấy hậu quả từ các vụ việc nêu trên không phải là nhỏ, đã khiến nhiều gia đình Công giáo có người thân vi phạm pháp luật, trách nhiệm này đề nghị các đức giám mục, các linh mục cũng phải chịu trách nhiệm một phần bởi người Công giáo có luật vâng lời, do đó dù không muốn nhưng cũng phải vâng lời. Hơn bao giờ hết, chúng tôi muốn được tự do hành đạo như hiện tại chúng tôi đang thực hiện và mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho những giáo dân, xứ họ đạo có nguyện vọng chính đáng trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam cho phép. Chúng tôi cũng thiết tha đề nghị các giám mục, linh mục quản xứ, các hội đồng mục vụ của xứ, họ đạo hãy chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, không nên nóng vội làm những việc vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật cho phép, vì tất cả các cá nhân, đơn vị tập thể đều bình đẳng trước pháp luật, không có ai là ngoại lệ.

Người anh em cùng đức tin

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài học từ những vụ việc liên quan đến tôn giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO