(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Nguyễn Cảnh Sơn, xóm Xuân Thảo, xã Thanh Xuân (Thanh Chương) phản ánh về những tồn tại xung quanh việc bình xét thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), chất lượng công trình giao thông trên địa bàn xã. Qua xác minh và tìm hiểu thấy rằng, nguyên nhân đơn thư là do chính quyền xã chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai.
Trong đơn, ông Sơn cho biết, Xuân Thảo là xóm nghèo, đời sống nhân dân khó khăn, đường giao thông đi lại trắc trở nhưng trong đợt bình xét thôn ĐBKK giai đoạn 2012 - 2015 thì xóm không có trong danh sách. Trong khi đó, các xóm gần trung tâm xã, giao thông thuận lợi thì được công nhận thôn đặc biệt khó khăn. Tìm về xóm Xuân Thảo, ông Nguyễn Cảnh Sơn đang ở miền Nam phụ con trai xây nhà.
Trao đổi với ông Trần Công Đoàn, Xóm trưởng xóm Xuân Thảo được biết, xã Thanh Xuân có 17 xóm, Xuân Thảo là xóm khó khăn nhất, đời sống người dân còn nghèo, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Toàn xóm có 135 hộ, sống rải rác trên nhiều quả đồi với diện tích 5 km2. Nhiều hộ sống trong vùng sâu, cách trung tâm xã gần 10 km, cách trở bởi khe suối. Vào mùa mưa, nước dâng cao, nhiều hộ bị cô lập hoàn toàn, trẻ em phải nghỉ học. “Nhiều cháu phải đốt đuốc đi học từ 5h sáng, nếu mưa lũ thì các cháu phải nghỉ học do nước chảy xiết. Đời sống nhân dân còn khó khăn, không có tiền đóng góp để xây dựng nhà văn hóa nên tạm thời đang phải sinh hoạt nhờ nhà trẻ mầm non. Mỗi khi xóm cần họp thì các cháu phải nghỉ học. Khó khăn thế nhưng xóm không được công nhận thôn ĐBKK để hưởng Chính sách 135 của Nhà nước. Chúng tôi thấy như vậy là không công bằng”, ông Đoàn cho biết.
 |
Đường vào xóm Xuân Thảo qua nhiều khe suối, mùa mưa nước dâng cao khiến nhiều hộ dân bị cô lập. |
Để chứng minh, ông Đoàn dẫn phóng viên đi khảo sát thực tế. Người dân Xuân Thảo sống rải rác, mỗi nhà cách nhau cả quả đồi. Những cung đường đất men theo vách đồi chạy ngoằn ngoèo, lúc lên dốc, lúc xuống khe suối. Vì xóm quá rộng nên khi có cuộc họp thì phải dùng điện thoại gọi cho từng hộ chứ thông báo trên loa hoặc đi trực tiếp thì không xuể. Trên địa bàn xóm có cống Cỗ Hoằng, trận lụt năm 2013 làm cuốn trôi cống. Trong khi chờ sự đầu tư của Nhà nước thì các hộ dân góp tiền làm một cái cầu gỗ để đi tạm, nhưng nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. “Chúng tôi đề nghị được xây dựng thay thế cầu gỗ để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khi mưa lũ về. Thế nhưng, khi Nhà nước bố trí nguồn vốn về thì xã lại đầu tư nơi khác mặc dù ban đầu đã có kế hoạch đầu tư xây dựng cống Cỗ Hoằng”, ông Đoàn cho biết.
Trong đơn, ông Nguyễn Cảnh Sơn phản ánh việc thi công của nhà thầu tại đường xóm Xuân Sơn 1 không đúng theo thiết kế. Đây là con đường nối xóm Xuân Sơn 1 với đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 2014, do đường xuống cấp, lầy lội nên UBND huyện có chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường này với chiều dài 560m, tổng kinh phí 563 triệu đồng. Dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2014. Huyện giao cho UBND xã Thanh Xuân làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuấn. Trong đơn, ông Sơn phản ánh, theo hồ sơ dự toán thì mặt đường được thiết kế lèn ép lớp đá dăm 10 cm. Tuy nhiên, thực tế thì nhà thầu chỉ rải một lớp đá 4/6, trên là một lớp đất. Phía bề mặt được trải một lớp đá bay “như vừng rắc bánh đa”. Cũng theo thiết kế, mũ cống số 3 phải được đổ bê tông với đá 1/2, mác 200. Nhưng thực tế thì mũ cống được xây dựng bằng đá hộc, trát xi măng sơ sài. Qua kiểm tra thực tế, phản ánh của ông Sơn là có cơ sở. Con đường dù mới đi vào sử dụng nhưng lớp đá bề mặt đã bay nhiều chỗ, trơ đất. Cào nhẹ thì thấy hiện rõ lớp đất phía dưới, đào một vị trí ngẫu nhiên sâu 15 cm thì thấy hầu hết là đất.
Làm việc với ông Nguyễn Khánh Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, được biết: Những nội dung ông Sơn phản ánh xã đã nắm được. Theo ông Thành, đối với nội dung vì sao Xuân Thảo không được công nhận thôn ĐBKK giai đoạn 2012 - 2015 thì vào tháng 2/2013, xã đã tổ chức hội nghị rà soát các tiêu chí để thống nhất đề nghị cấp trên công nhận thôn ĐBKK giai đoạn 2012 - 2015. Đối với xóm Xuân Thảo, xã đã thống nhất lập danh sách là 1 trong 14 xóm trình lên cấp trên công nhận thôn ĐBKK, xếp theo thứ tự thì Xuân Thảo xếp thứ 8. “Trong 3 tiêu chí lớn thì có một tiêu chí quan trọng là tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo phải trên 55%. Thực tế thì Xuân Thảo mới chỉ đạt 53,5% (theo bản kê khai của xóm trưởng) nhưng xã xét thấy Xuân Thảo là xóm vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân vẫn còn khó khăn nên vẫn quyết định trình lên cấp trên. Tuy nhiên, khi lên Hội đồng xét duyệt cấp huyện thì căn cứ vào số liệu lưu trữ ở các phòng, ban cấp huyện, kết hợp với hồ sơ ở xóm, của xã và xét đề nghị cấp tỉnh thì Xuân Thảo không đạt tiêu chí hộ nghèo. “Xã khẳng định, việc Xuân Thảo không được công nhận thôn ĐBKK là do hội đồng xét duyệt cấp trên chứ không có chuyện cục bộ hay thiên vị ở đây. Tuy Xuân Thảo không thuộc diện thôn ĐBKK nhưng do xã Thanh Xuân được công nhận xã ĐBKK khu vực III nên các chế độ, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thì xóm đều được thụ hưởng như các xóm khác”, ông Thành khẳng định.
 |
Cống Cỗ Hoằng bị mưa lũ cuốn trôi, nay được làm tạm bằng cầu gỗ nhưng đã xuống cấp. |
Đối với nội dung phản ánh đường Xuân Sơn 1 kém chất lượng thì theo ông Thành, do bản thân ông Sơn chưa nắm thông tin đầy đủ nên hiểu sai. Đúng là theo hồ sơ dự toán thì mặt đường được lu ép một lớp đá dăm 10 cm. Tuy nhiên, vào tháng 11/2014, trong quá trình thi công, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã thống nhất điều chỉnh lớp đá mặt đường 10 cm thành 2 lớp. Cụ thể, lớp 1 (lớp dưới) thống nhất cấp phối đá dăm 4/6 kẹp đất dính được lấy từ mỏ đá Truông Bồn (Đô Lương), có độ dày 7cm. Lớp 2 (lớp trên), cấp phối đá dăm và lu lèn theo yêu cầu kỹ thuật nhằm tăng độ mịn của mặt đường sau khi đưa vào khai thác, độ dày của lớp này là 3 cm. Giải thích cho sự điều chỉnh này, ông Thành cho biết, do đây là đường dân sinh, nguồn vốn ít nếu lu lèn lớp đá dăm 10 cm thì độ kết dính không cao. Việc điều chỉnh này là theo đúng tiêu chuẩn và làm tăng độ kết dính của mặt đường hơn. Còn đối với mũ cống số 3, theo thiết kế ban đầu thì mặt đường võng, độ dốc lớn. Sau khi bàn bạc với đơn vị thi công, xã thống nhất nâng mặt đường lên, khi đó mũ cống sẽ thấp hơn so với mặt đường. Để ngăn đất, đá trôi đơn vị thi công đắp thêm một lớp đá hộc phía trên. Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng cống với phía dưới vì đã có một lớp bê tông, kinh phí do nhà thầu tự nguyện bỏ ra. “Chiều dày kết cấu mặt đường và những thay đổi khác cơ bản là không làm thay đổi tổng mức đầu tư nên các bên thống nhất không trình phê duyệt lại mà quyết toán theo thực tế thi công”, ông Thành cho biết.
Qua tiếp xúc với các hồ sơ đang được lưu tại phòng Công Thương huyện Thanh Chương thì những thông tin ông Thành cung cấp là đúng. Theo ông Nguyễn Viết Thiện, Trưởng phòng Công Thương thì sau khi có đơn của công dân, huyện đã lập đoàn kiểm tra và lấy mẫu phân tích chất lượng đường. Qua kiểm tra thì thấy kết cấu mặt đường đúng như biên bản điều chỉnh giữa chủ đầu tư và tư vấn thiết kế. Về cao độ đường và độ chặt nền đường thì nhà thầu đã thi công đúng với thiết kế. Tuy nhiên, kiểm tra chiều rộng mặt đường thì thấy đoạn cuối tuyến chưa đạt theo thiết kế. Tuy nhiên, theo ông Thiện thì đây là công trình đường giao thông nông thôn, thi công trên nền đất ổn định, khối lượng mặt đường còn thiếu không nhiều nên xét thấy không cần thiết phải phá đi, đắp bổ sung theo đúng thiết kế. Trước câu hỏi, việc UBND xã và đơn vị tư vấn tự ý điều chỉnh thiết kế nhưng không xin ý kiến của huyện đã đúng hay chưa thì ông Thiện cho rằng, theo quy định như vậy là chưa đúng. Song, việc điều chỉnh là có cơ sở và UBND xã phải chịu trách nhiệm trước thay đổi đó. Khi hết thời gian bảo hành, huyện sẽ dựa trên khối lượng xây lắp thực tế để quyết toán chứ không phải theo dự toán ban đầu.
Liên quan việc không đầu tư xây dựng cống Cỗ Hoằng tại xóm Xuân Thảo, ông Thiện giải thích rằng, việc không đầu tư xây dựng cống Cỗ Hoằng là căn cứ theo điều kiện thực tế. Năm 2014, nguồn vốn lụt bão cấp cho UBND xã Thanh Xuân 800 triệu đồng. 500 triệu được đầu tư xây dựng, nâng cấp đập Cơn Đẻn. Còn 300 triệu đồng, nếu chia ra làm cả 2 cống là cống Cỗ Hoằng và cống Phốc thì không đủ, chất lượng không đảm bảo. Căn cứ vào tình hình thực tế, cống Phốc yêu cầu bức thiết hơn, phục vụ việc đi lại cho hơn 500 hộ dân của 4 xóm. Trong khi cống Cỗ Hoằng chỉ phục vụ cho 35 hộ dân. Nếu muốn xây dựng cả 2 cống thì xã phải bố trí thêm nguồn vốn đối ứng nhưng do xã không có nên huyện quyết định chỉ đầu tư xây dựng cống Phốc. Đối với cống Cỗ Hoằng, khi có nguồn vốn thì huyện sẽ bố trí để xây dựng nhằm đảm bảo việc đi lại cho người dân.
Như vậy, những nội dung mà ông Nguyễn Cảnh Sơn phản ánh là những nguyện vọng chính đáng, thiết thực liên quan đến đời sống của người dân. Nhưng do ông Sơn chưa tìm hiểu kỹ, chưa nắm bắt hết thông tin nên chưa hiểu đầy đủ bản chất vấn đề. UBND xã khi nắm bắt những băn khoăn của người dân nhưng chưa có sự giải thích, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời dẫn đến người dân phải viết đơn phản ánh. Thời gian tới, UBND huyện cần tổ chức đối thoại để trao đổi thẳng thắn những thông tin liên quan đến các chính sách, chủ trương của Nhà nước cho người dân nắm bắt đầy đủ. Khi có ý kiến của người dân thì cần thông tin công khai, minh bạch để giải quyết dứt điểm ở cơ sở, tránh đơn thư kéo dài./.
Phạm Bằng