Bài I: Kích cầu phát triển kinh tế địa phương

07/03/2011 11:09

Chợ nông thôn, miền núi có vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Chợ họp đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động, tăng nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, mạng lưới chợ nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ta đang nhiều bất cập.

Chợ nông thôn, miền núi có vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Chợ họp đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động, tăng nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, mạng lưới chợ nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ta đang nhiều bất cập.

Lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn, ngược gần 60 km đường thăm thẳm dốc, chúng tôi đến với phiên chợ Mường Lống.

Từ sáng sớm, trên các sườn núi đã xuất hiện từng dòng người xuống chợ. Trên lưng mỗi người đều có gùi hàng - sản vật của vùng cao như: ngô, gạo nương, bí xanh, khoai sọ, gừng, gà, lợn. Giống gà đen, lợn đen của đồng bào người Mông có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài các mặt hàng do đồng bào nuôi trồng được, còn có các mặt hàng lâm sản phi gỗ, được bà con khai thác theo mùa. Lầu Y Mạ, một phụ nữ người Mông, phấn khởi nói: "Nhà ở cách đây 3 quả đồi, nhưng hầu như phiên chợ nào mình cũng đến chợ. Hôm nay mình bán 2 con gà trống được hơn 300 nghìn đồng, đủ để mua sắm mọi thứ đồ dùng sinh hoạt cần thiết trong nhà".

Một điều rất đáng quý ở phiên chợ là vẻ hân hoan rạng ngời luôn thường trực trên khuôn mặt người mua, kẻ bán. Một tiểu thương tâm sự: "Tôi chở hàng tạp hóa vào đây bán, rồi mua hàng của bà con chở ra thị trấn Mường Xén bán lại cho tư thương về xuôi tiêu thụ".

Ông Lỳ Bá Chò - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, cho hay: Chợ Mường Lống là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa cho nhân dân các xã: Bắc Lý, Mỹ Lý, Bảo Thắng, Bảo Nam. Phiên chợ ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, còn là nơi sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao, vừa nâng cao dân trí và hình thành, phát triển tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa của bà con.

Chợ Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng


Nhờ có chợ mà các mặt hàng đồng bào dân tộc làm ra được tiêu thụ mạnh, do các tư thương lái xe ô tô vào tận nơi thu mua. Chợ vùng cao tuy còn nghèo, không phong phú hàng hóa như chợ miền xuôi, nhưng nó thực sự thấm đượm tình người.

Thành phần tham gia kinh doanh tại chợ nông thôn, miền núi, đa phần là các hộ nông nghiệp, với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng.

Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, thông qua chợ, người dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế và làm quen với nền kinh tế thị trường. Nhiều chợ hoạt động rất hiệu quả, nhờ có vị trí thuận lợi, nơi tập trung dân cư, trung tâm cụm xã, thị trấn, thị tứ.

Một thực tế rõ nét cho thấy, ở đâu chợ hoạt động có hiệu quả thì nhân dân sinh sống lân cận được hưởng lợi, nhờ kinh doanh dịch vụ ăn theo. Chợ Rộc - xã Trung Thành được đánh giá là một trong 2 chợ "thịnh" nhất của huyện Yên Thành.

Ông Đinh Văn Tân - Phó Chủ tịch xã Trung Thành, cho biết: Chợ Rộc là trung tâm mua bán của các xã: Nam Thành, Trung Thành, Bắc Thành, Long Thành, Lý Thành. Mỗi phiên chợ ước có trên 2 nghìn người đến mua bán. Hàng trăm hộ trong xã bởi thế sống nhờ vào chợ. UBND xã đã giao khoán cho BQL chợ có nhiệm vụ quản lý và thu phí, mỗi năm nộp ngân sách cho địa phương 50 triệu đồng. Bằng nguồn thu đó, địa phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lều lán, xử lý hệ thống nước thải. Quan điểm của địa phương là "lấy chợ nuôi chợ, chợ làm giàu cho người dân".

Xác định được vai trò to lớn của chợ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã và đang đầu tư xây dựng mạng lưới chợ đáp ứng nhu cầu cho người dân. Đối với huyện Hưng Nguyên, giai đoạn 2011-2015, huyện sẽ triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới chợ gắn liền với quy hoạch nông thôn mới. Căn cứ quy mô của từng chợ (số điểm kinh doanh) để xác định nhu cầu sử dụng đất quy hoạch xây dựng chợ cho phù hợp (diện tích tối thiểu cho 1 điểm kinh doanh là 16m2).

Đối với các chợ đã có, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng, thấy chợ nào chưa hợp lý, hiệu quả hoạt động thấp sẽ bố trí, xắp xếp lại; đối với những chợ phát huy hiệu quả kinh doanh tốt thì nâng cấp cho đạt với tiêu chuẩn chợ loại 2.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng chợ Già (từ 2.700m2 lên 3.500m2, vốn ODA), chợ Lò (2.700m2 lên 4.000m2)... Xây dựng 10 chợ mới (quy mô chợ hạng 3) ở những xã chưa có chợ như xã Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Tiến, Hưng Xuân, Hưng Lợi... Đồng thời nâng cao công tác quản lý đất đai, đảm bảo mặt bằng cho các chợ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP và phòng chống cháy nổ, từ đó góp phần đẩy mạnh sản xuất và trao đổi hàng hoá cho người dân trên địa bàn.

Ông Vi Thành Vinh - Phó phòng Công thương Quỳ Hợp cho biết: Quỳ Hợp hiện có 10 chợ/21 xã Thị trấn, định hướng phát triển kinh tế thương mại giai đoạn 2010-2015, Quỳ Hợp sẽ xây dựng 2 trung tâm thương mại hạng 3, đó là Trung tâm thương mại Thị trấn Quỳ Hợp và Trung tâm thương mại Dinh (ở xã Nghĩa Xuân), nâng cấp các chợ Đồng Nại, chợ Châu Hồng, chợ Bãi, chợ Đồng Hợp, chợ Yên Hợp, chợ nông sản Thị trấn.

Đến thời điểm này Công ty CP đầu tư hạ tầng đô thị Thăng Long đã có quyết định đầu tư xây dựng chợ, khu phố thương mại Quỳ Hợp trị giá 147 tỷ đồng (100% vốn của Công ty). Hiện công trình đang được huyện phối hợp với Công ty thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đối với các chợ xã, có 2 chợ Châu Tiến và Châu Lý được tỉnh phê duyệt quy hoạch nâng cấp, xây dựng mới với nguồn vốn tỉnh đầu tư 3 tỷ đồng/chợ.

Trong đề án quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ của Thị xã Thái Hòa thì sẽ đầu tư xây dựng hệ thống chợ Hoà Hiếu (loại I), 2 chợ loại 3 là chợ Nghĩa Thuận và Quang Tiến.

Hiện tại chợ Hiếu phường Hòa Hiếu đã được Công ty CPXD dầu khí Nghệ An đầu tư xây dựng, quy hoạch trên diện tích của nền cũ chợ Hiếu 8.973 m2: đình chợ chính 3 tầng, tổng diện tích sàn 6.275 m2, với tổng mức đầu tư là 106 tỷ đồng. UBND Thị xã Thái Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân, tổ chức các cuộc họp với nhân dân, triển khai công tác kiểm kê lập hồ sơ bồi thường, và có kế hoạch xây dựng chợ tạm cho bà con kinh doanh.

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 380 chợ các loại, tăng 82 chợ so với năm 2004. Trong đó có 45 chợ kiên cố (chiếm 11,8%), 157 chợ bán kiên cố (chiếm 41,3%), còn lại là chợ có cơ sở vật chất còn tạm bợ. Có 61.395 hộ kinh doanh tại chợ, tạo ra nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương (năm 2010 số thu trên 20 tỷ đồng). Hàng hoá dịch vụ lưu thông qua chợ hàng năm đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5%.

Cùng với sự phát triển của ngành thương mại nói chung, hệ thống chợ trên điạ bàn nói riêng, nhất là chợ vùng miền núi, vùng nông thôn, theo đó là một số chính sách ưu tiên phát triển nên hàng hoá tại chợ ngày một phong phú, sức mua ngày càng tăng.
(Còn nữa)

Nhóm PV Kinh tế

Mới nhất
x
Bài I: Kích cầu phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO