Bài II: Còn nhiều bất cập
Những năm qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng và phát triển chợ, đặc biệt là chợ nông thôn, miền núi. Giai đoạn 2003 - 2010, Nghệ An đã đầu tư xây dựng mới 70 chợ (chưa kể 90 chợ được nâng cấp, cải tạo) với tổng số vốn đầu tư hơn 686 tỷ đồng. Với phương châm "Nhà
Những năm qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng và phát triển chợ, đặc biệt là chợ nông thôn, miền núi. Giai đoạn 2003 - 2010, Nghệ An đã đầu tư xây dựng mới 70 chợ (chưa kể 90 chợ được nâng cấp, cải tạo) với tổng số vốn đầu tư hơn 686 tỷ đồng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", riêng phần vốn do dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp và vốn khác chiếm 90% (640 tỷ đồng).
xem Bài I: Kích cầu phát triển kinh tế địa phương
Song nhìn chung các chợ trên địa phương trong tỉnh đều bộc lộ nhiều bất cập. Nguyên nhân là do một số nơi nhu cầu mua bán phát sinh nên hình thành chợ tự phát dọc theo các tuyến giao thông chính của xã. Có những địa phương chợ họp hiệu quả, nhưng hiện đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu; việc xây dựng, phát triển chợ chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch... Các yếu tố trên đã làm cho chợ nông thôn, miền núi phát triển chậm, chưa khẳng định được vị trí thực sự của nó trong nền kinh tế hàng hóa hiện nay.
Huyện Nghi Lộc có 27 chợ đóng trên địa bàn 23 xã, thị trấn. Trong đó chỉ có 3 chợ bán kiên cố (tương đương chợ loại 3), số còn lại đều đang là chợ tạm. Hàng năm, các tổ quản lý chợ thu lệ phí nộp ngân sách đạt bình quân trên 150 triệu đồng/chợ. Ông Lê Anh Xuân, phó phòng Công thương huyện cho biết: Nghi Lộc là huyện có nhiều chợ truyền thống như chợ Quán (Nghi Hoa), chợ Cầu (Nghi Phương), chợ Mộc (Nghi Thái)...
Nhưng hầu hết các chợ trên vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh và tiềm năng của địa phương. Hiện chợ Mai Trang được xem là một trong số chợ sầm uất nhất huyện, có quy mô vùng thuộc xã Nghi Xuân. Chợ được quy hoạch trên diện tích 8.000 m2.
Năm 2008 xã đầu tư kinh phí xây tường bao, nhà giữ xe, có hệ thống cống thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, đồng thời kiện toàn BQL chợ, đội bảo vệ an ninh trật tự. Chợ họp 30 phiên/tháng, ước tính mỗi phiên chợ có khoảng 2 nghìn người đến trao đổi, mua bán hàng hóa.
Trong khuôn viên nhiều dãy hàng quán, có mái che với hàng trăm chỗ ngồi kinh doanh cố định. Nhưng nhìn chung, hệ thống chợ ở Nghi Lộc đang còn nhiều yếu kém, như: Công tác quản lý chủ yếu do tổ tư nhân đấu thầu nên còn lỏng lẻo, dẫn tới chất lượng hoạt động không hiệu quả, công tác vệ sinh môi trường ở một số chợ chưa thường xuyên, rác thải từ chợ hàng ngày chưa có biện pháp xử lý tích cực. Nhiều chợ chưa có lán giữ xe, công trình vệ sinh và hệ thống tiêu thoát nước không bảo đảm. Việc họp chợ lấn chiếm lòng, lề đường còn khá phổ biến như ở chợ Cầu (Nghi Phương), chợ Thượng (Nghi Mỹ), chợ Trộ Sa (Nghi Kiều)...
Đa số các chợ đều là chợ tạm và đã xây dựng khá lâu nên kết cấu xây dựng, cách bố trí quầy hàng chưa phù hợp. Quy mô các chợ hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đến xã vùng sâu Bắc Sơn (Quỳ Hợp), xuất hiện một "chợ cóc" ven đường. Quan sát thấy lèo tèo vài chiếc bàn bày bán các sản phẩm như rau quả, thực phẩm tươi sống. Chị Vi Thị Hương chủ bán thịt lợn cho hay: Trời nắng thì bọn em bán dưới bụi cây, chẳng phải lều lán gì cả, nếu bán không hết thì chở xe máy vào bản bán rao."
Chợ "cóc" mọc ngay trên đường thị trấn Quỳ Hợp |
Chị Vi Thảo, một khách hàng nói: Biết là thịt lợn bày bán ven đường cả ngày bám bụi, thực phẩm không an toàn, nhưng vẫn phải mua, vì đây không có chợ, nhiều bữa mưa gió chúng tôi phải phóng xe ra Thị trấn Quỳ Hợp để mua thức ăn dự trữ.
Trên đường về đoạn cầu Nậm Tôn- Thị trấn Quỳ Hợp vừa mới xây dựng xong, tại đây đã hình thành một "chợ tạm" bà con họp từ dưới chân cầu kéo dài qua cầu khoảng gần 1 km. Rau quả, thịt lợn, bò, cá... người ta bày bán cả hai bên đường. Người mua hàng vô tư để xe giữa lòng đường, gây ách tắc, cản trở giao thông. Chị Nguyễn Thị Nguyệt bán rau quả kể: Chợ hình thành khá lâu rồi, khi chưa có cầu mới thì người dân họp ven đường, cầu xây xong, bà con bày bán hàng hoá cả hai bên cầu.
Huyện Quỳ Hợp hiện có 10 chợ/21 xã, thị trấn, có 11 xã chưa có chợ như xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lộc... chủ yếu hình thành chợ tự phát. Đối với các xã có chợ thì hầu hết là lều lán, tranh tre tạm bợ, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Chợ Thị trấn Quỳ Hợp xây dựng cách đây trên 20 năm, đã xuống cấp trầm trọng, diện tích chợ nhỏ, chật chội, dẫn đến tình trạng người bán hàng tràn ra cầu Nậm Tôn để bày bán hàng hoá.
Thị xã Thái Hoà có 4 phường, 6 xã, nhưng chỉ có 6 chợ, gồm chợ Hòa Hiếu, Quang Tiến, Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Nghĩa Mỹ, Tây Hiếu, còn lại 4 xã không có chợ là Nghĩa Tiến, Nghĩa Hòa, phường Long Sơn, phường Quang Phong, những địa phương nay không có chợ, nhưng xuất hiện chợ "tự phát" mọc ven đường. Điển hình như chợ Quang Phong- họp ven đường 15 A, chợ Tây Hiếu họp ven đường 545 gây cản trở cho các phương tiện giao thông qua lại. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra giữa phương tiện tham gia giao thông với người mua bán hàng hóa.
Chợ Hiếu ở trung tâm Thị xã Thái Hòa được xây dựng từ những năm 1980, nay xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước thường xuyên bị tắc nghẽn gây ô nhiễm. Chợ từng xảy ra các vụ hỏa hoạn, trong khi đó, đường đi lối lại chật chội nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Ở các huyện miền núi, bất cập nhất là mạng lưới chợ chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Huyện Kỳ Sơn là một điển hình. Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có 3 chợ đang hoạt động: chợ Mường Lống, chợ Huồi Tụ và chợ Mường Xén ở trung tâm thị trấn Mường Xén. Nghịch lý là chợ Mường Lống và chợ Huồi Tụ chỉ cách nhau 10 km, trên cùng một tuyến đường và ngày họp chợ trùng nhau, vào 2 ngày giữa tháng và cuối tháng.
Dáng vóc mới của chợ Mường Xén (Kỳ Sơn) -Ảnh: X.H |
Như vậy còn 18/21 xã, thị trấn chưa có chợ, trong đó có những xã cách xa chợ tới 70 km. Đây thực sự là vấn đề nan giải đối với nhu cầu thiết yếu cho 69 nghìn dân vùng miền núi, biên giới. Ông Trần Văn Hòa - Trưởng Phòng Công thương, băn khoăn: Tại chợ Mường Lống và chợ Huồi Tụ do lượng người đến chợ qúa đông, nên đình chợ không đáp ứng đủ chỗ ngồi cho người bán hàng. Mặc dù đã được đầu tư xây dựng đình chợ, nhưng do diện tích mặt bằng đình chợ chỉ được 150 m2, nên có tới 2/3 người bán hàng phải ngồi ngoài đường. Chợ Mường Xén là chợ đầu mối của huyện, năm 2010, được sự tài trợ chính của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, cùng với đầu tư của tỉnh, khu vực đình chợ đã được xây dựng kiên cố, với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, quy mô 154 gian hàng. Huyện Kỳ Sơn đang đứng trước khó khăn do chưa có giải pháp hợp lý để đi vào hoạt động, mặc dù chợ đã hoàn thành xây dựng vào những tháng cuối năm 2010.
Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã và đang mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại. Việc mở rộng mạng lưới chợ đối với huyện rẻo cao là điều tất yếu. UBND huyện đang quy hoạch xây dựng mới 5 chợ miền núi ở các xã: Mỹ Lý, Na Loi, Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Típ và xây dựng trung tâm thương mại ở xã Chiêu Lưu.
Có chợ, nhiều mặt hàng của đồng bào các dân tộc làm ra sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, nhất là các sản phẩm đặc sản, như: gạo nương, lợn đen, bí, khoai sọ... sẽ được tiêu thụ mạnh, mọi tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có điều kiện được khai thác, phát huy hiệu quả, đời sống đồng bào các dân tộc sẽ bớt khó khăn.
Nhóm P.V kinh tế