Bài III: Trục lợi người nghèo

01/11/2013 16:11

(Baonghean) -Chứng kiến những điện thờ trang hoàng lộng lẫy, người dân đi lại, ăn uống khổ sở để dành tiền bỏ phong bì lễ tạ, cùng sự bức xúc của cán bộ, người dân sống xung quanh khu vực điện Hoàng Thiên Long mới thấy việc Nguyễn Thị Điền đang lợi dụng lòng kính yêu lãnh tụ của người dân để trục lợi như thế nào...

Ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, hiện nay "thầy" Điền đã xây cất hai điện thờ. Điện “Hoàng Thiên Long” ở thôn Bài Lâm Hạ và điện “Đại Phúc Phúc” ở thôn Phú Dư. Cả hai điện thờ được xây cất hoành tráng 3 - 4 tầng trên diện tích hàng ngàn m2. Chưa hết, ở thôn Bãi Rồng, xã Thượng Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, thầy còn xây thêm một dinh cơ 3 tầng hiện đại cũng rộng hàng nghìn m2 và đặt tên gọi "Kho thuốc thần Đại Sơn Lâm".

Tạ bằng tiền, "quy" cũng bằng tiền

Đoàn xe chở đoàn hành hương Nghệ An dừng lại ở thôn Phú Dư, để sau đó mọi người đi bộ về điện Đại Phúc Phúc. Trời còn tờ mờ sáng, điện đóng cửa im lìm nhưng thay vì nghỉ ngơi, các tín đồ tràn vào các hàng quán đã sẵn sàng đón khách. Ai nấy háo hức tìm mua "Tin tức cập nhật quốc gia âm", đó là mấy tờ giấy pho to ghi vài bài thơ ngô nghê, các đĩa hình mới xuất bản của "thầy" Điền và những chiếc phong bì. Người ít thì mua 1-2 phong bì, người nhiều mua đến 5-7 cái. Và họ tỏa ra các góc vừa lót dạ bằng cơm nắm, bông ngô hay chiếc bánh mỳ vừa cặm cụi ghi ghi chép chép tên tuổi, quê quán lên chiếc phong bì, sau đó dấm dúi vào đó những món tiền rồi dán cẩn thận để "làm lễ tạ". Hỏi chuyện, ai cũng một câu "lòng thành lễ tạ Bác và tham gia đóng góp xây dựng đạo ta".

TIN LIÊN QUAN

Những người chúng tôi đã gặp gỡ ở Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ như bà Y, bà H, ông Liễu, ông Hùng cũng có mặt. Các ông bà này sốt sắng hỏi han "cụ" nhà chúng tôi có cùng ra "quy" hay không. Khi nghe nói "cụ" mệt không đi "quy" được, họ xin hộ cho mấy tờ "đơn" xin "quy" và hướng dẫn tỷ mỉ cách viết và nói nhỏ: Các chú làm hai chiếc phong bì để làm lễ "quy'' cho cụ. Hỏi đóng góp bao nhiêu? Bà H trả lời: "Tùy lòng thành và khả năng của các chú. 50 - 100 nghìn cũng được, nếu có thì bỏ nhiều hơn". Thế bác đi lễ tạ bao nhiêu? Bà trả lời: Tôi đi xin thuốc thì bỏ 100 nghìn, còn những người mong được cả kinh tế và hết bệnh thì bỏ nhiều hơn, có người từ 500.000 - 1 triệu đồng. Như ông nhà văn Lê Lựu thiện nguyện đến cả tỷ đồng...

Lại hỏi: Sao có những người làm một lúc cả chục phong bao lễ tạ? "Có nhiều người vì bận công việc không đi được thì gửi nhờ đặt lễ tạ ơn trên..." - bà H trả lời. Một bà làm nghề buôn bán tỏ ra sành sỏi: Ra đến đây mới bỏ tiền không được linh cho lắm. Tôi thì làm từ ở nhà. Mình định bỏ bao nhiêu thì đặt cả lên bàn thờ cho Bác chứng, khi đi cầm theo đặt lên điện là chắc hơn... Rồi bà hướng dẫn: Các chú "quy" xong thì lại quán của Hoàng Liên Sơn mà mua đồ thờ. Mua ở đó mới linh. Ông chủ hàng đó là em chồng của "thầy", đồ thờ đã được "thầy" chứng cả rồi chứ không như đồ tại các hàng quán khác. Những quán đó toàn ăn theo "thầy", chẳng linh đâu...

Xong xuôi các thủ tục, những tưởng sau đó "thầy" Điền sẽ tổ chức nghi thức cho những người "quy" mới, vậy nhưng chúng tôi được nhắc đưa đơn xin "quy" và hai chiếc phong bì cho "cô" Nguyệt cùng một "cán sự'' của đoàn. Lúc này, trong tay "cô" Nguyệt và người "cán sự" là một túi phong bì dày cộp. "Cô" Nguyệt nói: Đơn và lễ sẽ được dâng lên điện để Bác chứng. Cứ yên tâm, như thế là Bác nhận được. Rồi cô nhắc: Khi điện mở cửa thì theo mọi người vào lễ.

Khoảng 7h30 điện Đại Phúc Phúc mở cửa. Khi đoàn người bước vào, ngay khuôn viên đã có mấy người đàn ông lớn tuổi đứng dàn hàng dọc theo lối đi, nghiêm nghị nhắc nhở: "Mọi người sửa sang quần áo nghiêm chỉnh, chắp hai tay trước ngực, không được nói chuyện riêng. Vào với Bác phải tỏ lòng thành kính...". Điện được đặt ở tầng 3, ngoài vài ba người lăng xăng đi lại phục vụ còn có thêm cả hai người quay phim, chụp ảnh để "lưu những kỷ niệm của đoàn Nghệ An vào viếng Bác". Tất cả chiêu trò lễ lạt diễn ra chỉ trong vòng 15 phút thì được nhắc trở ra để lấy chỗ cho đoàn khác vào. Sau đó, mọi người lại được nhắc sang nhà thờ Bác nằm kề sát bên để lễ.

Tại đây, trước bàn thờ có treo ảnh Bác là một chiếc mâm khá lớn để những người đến lễ đặt tiền mặt. Ai đã đến điện đều được nhắc vào đây và đều theo nhau thêm một lần đặt tiền lễ tạ. Khi lễ kết thúc, các "đầu lĩnh'' thông báo, đoàn Nghệ An "rất may mắn" vì được "thầy" gặp gỡ nói chuyện. "Thầy" Điền vóc người nhỏ nhắn và tỏ ra khá giản dị, chỉ bận một chiếc quần sẫm, áo sơ mi trắng. "Thầy" đứng trong một góc khuất độc thoại chừng 10 phút, nội dung ẩn chứa lời dọa dẫm về một dương gian đầy rẫy yêu ma, bệnh tật, hỏa hoạn, bão lũ, ô nhiễm, chiến tranh... và khi kết thúc hô hào mọi người "nhất tâm" theo đạo.

Đến khoảng 9h, đoàn Nghệ An rời thôn Phú Dư để về lễ tại điện Hoàng Thiên Long. Điện thờ này nằm ngay bên QL6, cách bến Yến (dẫn vào chùa Hương Tích) chỉ gần 2km. Cũng như điện Đại Phúc Phúc, điện Hoàng Thiên Long là một căn nhà lớn có nhiều chóp, nhiều phòng ốc nổi bật nhất ở thôn Bài Lâm Hạ. Và tại điện thờ nằm ở tầng 3 cũng lại có một mâm riêng để cho người đến lễ đặt tiền. Nhẩm tính sơ sơ tiền phong bao, tiền tươi lễ tạ của mỗi người đi lễ chỉ 100 nghìn đồng thì Nguyễn Thị Điền và các cộng sự đã thu không dưới 30 triệu đồng của 300 người Nghệ An. Và khoản thu vẫn còn chưa dừng lại bởi ngay lúc đó có tiếp 3 ô tô mang biển số Nam Định, Hà Nội lại trườn tới.

Trong điện Đại Phúc Phúc của tà đạo Hoàng Thiên Long.
Trong điện Đại Phúc Phúc của tà đạo Hoàng Thiên Long.

Dân bản địa tẩy chay

Một điều rất lạ là trong khi một số người dân các tỉnh, thành khác tin "thầy" Điền thì người dân xã Hồng Quang hết sức dửng dưng, thậm chí rất nhiều người sống ngay kề điện Hoàng Thiên Long khi được hỏi đều tỏ ra bức xúc và khẳng định Nguyễn Thị Điền đang làm điều bất chính để trục lợi. Anh Đinh Bạch Vân là một người dân có nhà đối diện điện Hoàng Thiên Long nói: "Tôi không hiểu sao dân các nơi mù quáng tin theo bà Điền như vậy. Làm gì có chuyện bà ấy chữa được bệnh". Anh Vân vén áo lộ ra những vết xạ trị trên ngực để cho phóng viên ghi hình rồi nói: Tôi bị chứng bệnh ung thư phổi, nếu bà Điền trị được bệnh thì tôi đã theo cho đỡ tốn kém. Tôi đi viện K xạ trị cả trăm triệu đồng mới sống được chứ nếu theo bà Điền chắc chết lâu rồi".

Trong khi đó, chị Trần Thị Lương - vợ của anh Tạ Thuyết Đắc, Trưởng thôn Bài Lâm Hạ thì nói: "Tôi vốn chẳng muốn dây vào chuyện người khác, khôn thì người ta sống mà dại thì phải chịu, thế nhưng thấy sự bất bình mà không nói thì mình cũng chẳng ra làm sao. Đạo gì nó. Có thứ đạo gì mà điên điên, rồ rồ... chỉ nhằm bòn rút tiền dân, rồi nhiều nhà phải khánh kiệt với nó thôi". Chị Lương kể: Có một thanh niên Nam Định đang học đại học năm thứ 2 ở Hà Nội cũng bị gia đình bắt theo đạo “thầy Điền”. Thanh niên này nói với tôi: Cháu bây giờ đầu óc điên đảo, một tháng không lên lễ là cứ bồn chồn không yên, thế nên đành phải bỏ học. Tôi bảo: Cháu đừng ngửi mùi hương, đừng ăn uống gì những đồ người ta cầu cúng nữa thì chắc ít hôm sẽ khỏi thôi.

Tháng trước thanh niên này trở lại nói: Cháu làm theo như lời cô bảo, thật may bây giờ đầu óc cháu ổn lại rồi. Còn theo Trưởng thôn Tạ Thuyết Đắc thì việc làm của bà Điền không những không được chính quyền, nhân dân xã Hồng Quang ủng hộ mà ai cũng khó chịu, bức xúc. Anh Đắc nói: Cả xã, cả huyện này chẳng có ai theo đạo của bà Điền đâu, chỉ dân ở các tỉnh đến thôi. Mà có lẽ cũng chẳng phải bà ấy lập nên cái đạo ấy, chắc đằng sau phải có một dàn "quân sư" và các đệ tử như thế nào đó thì mới mê hoặc được dân các nơi theo về đông như vậy...

Cán bộ xã Hồng Quang cũng rất đau đầu với đạo của Nguyễn Thị Điền. Anh Đào Văn Hương - Trưởng Công an xã cho biết, vì việc này mà lực lượng Công an xã Hồng Quang và huyện Ứng Hòa rất vất vả và mang tiếng. Mỗi dịp lễ, Tết người dân các nơi kéo về đông, gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông. Chính quyền xã, huyện nhiều lần đề nghị lên thành phố có biện pháp xử lý nhưng vẫn chưa dẹp được.

Theo cán bộ xã Hồng Quang, Nguyễn Thị Điền chỉ có trình độ học vấn đến lớp 7, chồng làm nhân viên thuế vụ huyện Ứng Hòa, có 3 con (hai trai, một gái) đã lớn và ở nhà chẳng làm gì. Bà Điền từng làm nông nghiệp, sau chuyển sang kinh doanh ăn uống, vật liệu xây dựng nhưng bị thua lỗ. Năm 2001, bà ta viết kinh rồi rêu rao được Bác Hồ ứng để mê hoặc người dân. Và từ chỗ làm ăn thua lỗ, nợ nần, đến nay bà ấy có nhiều tiền, xây dựng cho các con những dinh cơ đồ sộ nhiều tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Sơn - phụ trách Văn phòng xã Hồng Quang cho biết thêm: Bà Điền có 3 dinh cơ. Dinh cơ ở thôn Bài Lâm Hạ do con trai thứ quản lý; dinh cơ ở thôn Phú Dư là của con trai trưởng; đứa con gái lấy chồng ở xóm Bãi Rồng, xã Thượng Tiến, huyện Kim Bôi cũng được bà xây cất cho một tòa nhà đồ sộ.

Anh Nguyễn Văn Sơn - phụ trách Văn phòng xã Hồng Quang chia sẽ:

[audio(337)]

Chúng tôi nhờ một người lái xe tên Thanh ở thôn Bài Lâm Hạ đưa đi tỉnh Hòa Bình. Trên đường đi Thanh "khoe": Tôi thường được bà Điền thuê chở đi các nơi. Trước đây, bà Điền vỡ nợ đến 160 triệu đồng, vậy nhưng từ khi hành đạo đến nay tiền nhiều vô kể...

Anh Thanh cho biết:

[audio(339)]

Ngược đất Hòa Bình, chúng tôi đã đến vùng núi rừng Thượng Tiến, huyện Kim Bôi để tìm hiểu về "Kho thuốc thần Đại Sơn Lâm" của Nguyễn Thị Điền. Dinh cơ 3 tầng với hàng chục phòng ốc đồ sộ có tên Đại Sơn Lâm còn đó nhưng "Kho thuốc thần" đã bị chính quyền huyện Kim Bôi đóng cửa. Bản chất lường gạt để trục lợi của Nguyễn Thị Điền đã bị bóc trần. Anh Bùi Văn Nhiến - Phó phòng Văn hóa huyện Kim Bôi nói, đạo của bà Điền là thứ tà đạo không được công nhận. Việc bà ta lợi dụng hình ảnh Bác Hồ để mê hoặc dân chúng, lấy nước khe suối gọi đó là nước thần có khả năng chữa bách bệnh rồi bán cho "tín đồ" từ 500.000 – 1 triệu đồng là trò lường gạt để trục lợi; việc tụ tập đông người để truyền đạo, bán những đĩa hình, sách không có giấy phép xuất bản là vi phạm pháp luật, vì vậy bị nhân dân phản đối, chính quyền nghiêm cấm.

Anh Bùi Văn Nhiến cho biết

[audio(341)]

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Nhật Lân - Việt Long

Mới nhất
x
Bài III: Trục lợi người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO