Bài thơ nổi tiếng bị… khuyết danh?
(Baonghean) - Ai đó đi dọc hai bờ Thạch Hãn của mảnh đất Quảng Trị anh hùng đều thuộc “nằm lòng” câu thơ của nhà báo Lê Bá Dương, một người con xứ Nghệ:
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…
Tuy vậy, ít ai có thể ngờ được, những câu thơ này được khắc trang trọng trên bia đá bên bờ Bắc sông Thạch Hãn lại không thấy tên tác giả.
Hàng triệu du khách, mỗi lần đi qua bến thả hoa hai bờ Thạch Hãn, đọc xong bài thơ thì đều trào dâng trong tim một cảm xúc bồi hồi, thương cảm. Những câu thơ này đã từng được nhà thơ Giang Nam mô tả là “thơ thần”, vì nó làm rúng động tâm trí người đọc.
Với tôi, kể từ sau lần tham gia chuyến hành hương “Ấm Rừng Đồng Đội” năm 2010, tôi còn mang một niềm hi vọng là chờ đợi sự thay đổi hợp tình, hợp lý để tránh đi thêm một nỗi đau – dù rất nhỏ - nơi bến nước đã đổ quá nhiều máu xương của dân tộc. Vì ngay từ đầu tôi đã hiểu rằng, rất nhiều người sẽ về đây để đại diện cả nước, tri ân các anh hùng liệt sỹ; điều vô lý trên tấm bia khắc bài thơ sẽ được mọi người chú ý và cảm thấy có trách nhiệm quan tâm đến việc này một cách thích hợp.
Tôi đem nỗi niềm vấn đề tác giả câu thơ đặt thành câu hỏi cho bất cứ ai tôi đã gặp ở Quảng Trị thì đều nhận được một cái lắc đầu và câu trả lời: “Không hiểu sao!”. Một vài lãnh đạo địa phương thì trả lời rằng: “Do thơ của Lê Bá Dương đã trở thành thơ của nhân dân(?)”.
Tôi đem câu hỏi của mình hỏi tác giả bài thơ – nhà báo, nhiếp ảnh gia, CCB Lê Bá Dương thì ông nói: “Trước đây, đã có nhiều người hỏi về vấn đề này. Nếu bạn là tôi, bạn nghĩ thế nào về việc này? Tôi xin trả lời với cùng một ý là, đối với tôi, nếu vì đề tên tôi dưới bài thơ của tôi mà thêm một người yêu Quảng Trị thì nên để, còn nếu vì để tên tôi mà làm giảm bớt một hay nhiều người yêu Quảng Trị thì…” ông bỏ lửng câu trả lời của mình. Vốn là một người chỉ biết cặm cụi lo việc ân nghĩa cho đồng đội, đồng bào, ông có lẽ cũng không có thời gian quan tâm lắm đến những gì ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân mình.
Tôi tự mình đi lục lọi, tìm sự giải thích hợp lý cho cả về lý lẫn về tình của việc bài thơ không để tên tác giả.
Nếu xét về lý, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Sửa đổi năm 2009) có nêu rõ quyền tác giả và quyền liên quan thì rõ ràng những câu thơ… khuyết danh kia là một minh chứng của sự vi phạm bản quyền.
Nếu xét về tình, bài thơ chỉ có thể được mọi người dân Quảng Trị nói riêng, hay người dân cả nước nói chung, yêu mến và thuộc lòng, chứ không thể thành… thơ nhân dân được.
Trong suốt gần 40 năm qua, kể từ sau ngày giải phóng, CCB Lê Bá Dương vẫn hàng năm lặn lội ngược xuôi Nam, Bắc để thực hiện các công việc nghĩa tình với đồng đội và đồng bào Quảng Trị. Tới chợ Đông Hà hỏi thì không ai là không biết, mỗi năm đến những ngày lễ kỉ niệm 30/4 (ngày thống nhất đất nước), 1/5 (ngày giải phóng Quảng Trị), 27/7 (ngày Thương binh - Liệt sỹ), Lê Bá Dương đều về đây mua hết hoa, nhang, nến của các o, các chị để thắp và thả sông Thạch Hãn; thắp nhang, nến ở các nghĩa trang của Quảng Trị để viếng anh linh đồng đội. Việc làm này cũng chính là nguồn gốc của hầu hết các lễ hội, các hoạt động tri ân liệt sỹ và tri ân đồng bào Quảng Trị hàng năm hiện nay.
Đặt câu hỏi về tác giả bốn câu nêu trên cho bất cứ ai ở Quảng Trị cũng có thể nhận được cùng câu trả lời là của Lê Bá Dương với một tình cảm rất chân thành và đặc biệt của người dân dành riêng cho ông, vì ai cũng biết những việc làm kể trên của ông.
Tình cảm của Lê Bá Dương đối với Quảng Trị là vậy, nhưng tại sao người ta lại quên tên tác giả bài thơ của ông khi khắc trên bia đá hai bờ Thạch Hãn?
Ngọc Long