Bài thơ vịnh Kiều độc đáo

25/11/2013 18:27

(Baonghean) - Nhà nghiên cứu về Truyện Kiều Phạm Đan Quế cũng là người viết quyển Truyện Kiều đọc ngược (NXB Thanh niên 2002). Hiện ông sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam: Tác giả có nhiều sách viết về Truyện Kiều nhất với 15 ấn phẩm xuất bản trong vòng 10 năm từ (1991- 2005); tác giả nghiên cứu có sách viết về văn hóa Kiều nhiều nhất (2013); “Kiều nương cửa Phật”, bài thơ có nhiều cách đọc nhất (2013)…

Để giúp bạn đọc hiểu hơn về lối thơ “thuận nghịch độc” cũng như sự kỳ diệu của tiếng Việt qua bài thơ kỷ lục “Kiều nương cửa Phật”, cuốn sách Bài thơ vịnh Kiều độc đáo và cách làm thơ thuận nghịch độc (Nhà xuất bản Thanh Niên 2013) của tác giả Phạm Đan Quế đã ra đời.

Ngay từ khi còn học phổ thông, năm 1954, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế một lần vô tình được nghe giảng về một bài thơ “thuận nghịch độc” mà lưu tâm. Đó là bài giảng của GS. Dương Quảng Hàm với bài thơ “Đền Ngọc Sơn” thuộc thể loại thơ “thuận nghịch độc”. Ông luôn thắc mắc “làm sao có thể làm được bài thơ vừa đọc xuôi vừa đọc ngược đều có nghĩa như vậy?”.

Phạm Đan Quế tại Tọa đàm về “Bắc hành tạp lục”.  Bìa sách Bài thơ vịnh Kiều độc đáo.
Phạm Đan Quế tại Tọa đàm về “Bắc hành tạp lục”. Bìa sách Bài thơ vịnh Kiều độc đáo.

Thơ thuận nghịch độc xuất hiện trước năm 1720, nhưng khoảng mãi đến năm 1970, tức 250 năm sau, người ta vẫn biết đến chưa nổi hai chục bài thơ loại này. Trong đó phải kể đến hai bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán trình bày dưới dạng hình tròn bát quái. Hai bài ấy là “Vũ trung sơn thủy” và “Phước viên văn hội lương dạ mạn ngâm” của vua Thiệu Trị (1841- 1847), tức Nguyễn Phúc Miên Tông. Sau này, Nguyên Tài Cẩn đã viết cuốn sách Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy, do Nhà Xuất bản Thuận Hóa ấn hành.

Thơ thuận nghịch rất khó làm, vì phải viết được những câu thơ đọc xuôi, đọc ngược đều thành câu, đúng luật, đúng vần và trọn nghĩa. Chỉ những nhà nho có tài dụng công tiểu xảo mới làm nổi. Các nhà thơ thuộc phong trào thơ mới trước năm 1945 ít ai làm và cũng không thích loại thơ này. Trong số họ chỉ có thi sĩ Hàn Mặc Tử khi đi vào thơ Đường luật, đã làm hai bài thơ “thuận nghịch độc”. Trong đó, bài được nhắc đến nhiều trong sách báo là bài “Cửa sổ đêm khuya”. Cho đến nay, chưa có tác giả nào nghiên cứu sâu về đề tài thơ đọc ngược.

Với công trình nghiên cứu về Kiều hơn 40 năm và quá trình nghiên cứu lâu dài về thơ “thuận nghịch độc”, ông Phạm Đan Quế đã tạo ra kỳ tích với tác phẩm Kiều nương cửa Phật công bố năm 2007, thuộc thể loại thơ thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ):

Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu,

Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau.

Vần xoay gió bão đầy năm tháng,

Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu.

Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ,

Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu.

Dần xa dõi bóng Từ oan khuất,

Nhân nghĩa Phật tiền chốn nhiệm màu.

Chỉ có 8 câu với 56 chữ, nhưng đọc xuôi đọc ngược, đảo vị trí các câu thơ, lại có thể bớt đi hai chữ đầu hoặc cuối đề từ bài thất ngôn thành bài ngũ ngôn… nên có rất nhiều cách đọc.

Viết xong đăng tải, sau 6 năm, ông Trịnh Minh Quân ở Hà Nội viết bài phản hồi cho rằng bài thơ có 1464 cách đọc khác nhau đều có nghĩa. Ông Phạm Đan Quế nghiên cứu lại, thấy rằng bài thơ ít nhất có đến 1.728 cách đọc khác nhau, đều có nghĩa. Và đã dẫn chứng trong cuốn sách.

Nhà nghiên cứu cho rằng không có Toán học thì khó có thể làm được bài thơ trên.

Để tránh lạc lõng với vần điệu trong Truyện Kiều ông đã nghĩ cách sắp xếp, lựa chọn từ ngữ. Điều cốt yếu là 8 câu phải có vần mà vần ấy phải ở đúng vị trí để cho dù có lộn đi lộn lại thì bài thơ vẫn phải hợp vần. Đến khi áp dụng quy tắc Toán học để làm thơ thì các vần ấy cũng không bị lạc nhau. Đồng thời, các từ ngữ trong thơ phải đạt yêu cầu về nghĩa sao cho khi xáo trộn thì nghĩa vẫn không hề bị thay đổi.

Thơ thuận nghịch thực ra là một trò chơi trí tuệ cao cấp giúp ta đi sâu vào thế giới diệu kỳ của ngôn ngữ mà có lẽ chỉ tiếng Việt mới có thể phát huy mạnh mẽ, phong phú đa dạng, như ta thấy được một phần trong cách trình bày của tác giả.

Qua quyển sách này, độc giả cũng nhận ra những đóng góp mới mẻ của tác giả về một thể thơ độc đáo của Việt Nam, một lĩnh vực còn hiếm nhà nghiên cứu nào đi sâu, để tìm ra những quy tắc giúp cho việc làm những bài thơ của thú chơi đầy trí tuệ này. Một thể thơ chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai, ngoài ra còn chứng tỏ sự kỳ diệu bởi tính đa thanh, đa âm, đa nghĩa và giàu tính nhạc của tiếng Việt, đủ sức sánh ngang với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới!

Hồ Sĩ Tá (Q. Ba Đình, Hà Nội)

Mới nhất
x
Bài thơ vịnh Kiều độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO