Bài toán khó!
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng. Hàng năm chỉ có 2 trường ĐH và 3 trường CĐ tổ chức thi, các trường còn lại tổ chức xét tuyển.
Trong đó, Trường ĐH Vinh là nơi có bề dày truyền thống về chất lượng đào tạo. Hiện Trường là trung tâm khoa học, giáo dục và chuyển giao công nghệ lớn của khu vực Bắc Trung bộ; là 1 trong 20 trường đầu tiên được Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với gần 95% phiếu bầu; được Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp thành trường đại học trọng điểm quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Từ một trường ĐH sư phạm, năm 2001 nhà trường phát triển thành cơ sở đào tạo đa cấp, đa ngành (42 ngành đào tạo ở bậc đại học, 28 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ), thu hút sinh viên và nghiên cứu sinh đến từ 54 tỉnh, thành trong cả nước và một số nước bạn. Song trong những năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành Sư phạm giảm hẳn.
Giờ thực hành lớp điện công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Đặng Đình Nhật |
Theo thống kê của Phòng Quản lý HSSV, trong 10 năm trở lại đây, thí sinh đăng ký thi vào ngành Sư phạm giảm dần. Nếu như trước đây, có những năm điểm chuẩn vào trường cao nhất nằm ở Khoa Toán, Khoa Vật lý với 22,5 điểm thì nay mức điểm ấy chỉ có ở một vài thủ khoa.
Năm 2010, điểm chuẩn vào Khoa Toán là 15 điểm, cao nhất là Khoa Địa cũng chỉ có 18,5 điểm, Khoa Văn 17 điểm. Đa số các khoa còn lại, điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn 1 đến 2 điểm (điểm sàn khối A, D là 13; khối C,B là 14). Đó là những ngành truyền thống, còn những ngành nghề mới mở sau này cũng vậy, điểm chuẩn cũng chỉ bằng hoặc cao hơn mức sàn 1 điểm.
Từ năm học 2005-2006, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nghệ An chính thức được nâng lên trường CĐ, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học có trình độ cao đẳng và trung cấp trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật. Năm 2008, điểm chuẩn vào ngành Kế toán là 17,5, tài chính- ngân hàng 15,5.
Năm học 2010-2011, Trường có hơn 7.000 thí sinh đăng ký dự thi, đông nhất khối các trường CĐ của tỉnh, Trường tuyển chọn trên 2.650 em vào học 2 hệ: CĐ,TC. Nhưng điểm chuẩn vào các khoa chỉ 10, 11 điểm. Với mức điểm chuẩn bằng và xấp xỉ điểm sàn, Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật chỉ tuyển được 359/610 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Trường CĐSP thì tuyển 628 em.
Với những trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển như Trường ĐH Y cũng tuyển được 636/800 chỉ tiêu hệ CĐ. Trường CĐ GTVT Miền Trung tuyển được 281/400 chỉ tiêu hệ CĐ. Những trường còn lại đều không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có những trường như CĐ Hoan Châu, chỉ tuyển được 54/600 chỉ tiêu, ĐH CN Vạn Xuân tuyển được 84 em.
Với những mức điểm chuẩn trên, có thể thấy được chất lượng đầu vào ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Nghệ An không hề cao, ngược lại ngày càng đi xuống. Nhiều trường mong muốn đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào, song thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh thì tăng mà điểm chuẩn lại giảm. Năm 2010, ở hệ ĐH, trung bình mỗi môn chưa đạt 5 điểm đã trúng tuyển; còn với hệ CĐ, mỗi môn chỉ cần chưa đến 3,5 điểm đã được vào học.
Với đầu vào thấp, việc đầu tiên sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh được các trường đề ra là phải nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng dẫu điều kiện học tập ngày một tốt hơn, đội ngũ giảng viên được đào tạo ngày càng bài bản hơn, nhà trường cố gắng nhiều hơn, song hiệu quả vẫn không thể cao lên. Đây là điều đáng lo ngại cho chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Nghệ An trong tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Nghệ An chỉ được tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng ở Nghệ An. Nhưng thực tế với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đặc biệt là với môi trường làm việc, rất ít sinh viên giỏi, khá người Nghệ An học ở nơi khác muốn quay lại quê hương.
Chất lượng đầu vào hiện nay của các trường ĐH,CĐ ở đây là một yếu tố có tính quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Nghệ An trong tương lai. Làm sao để chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Nghệ An được nâng lên? Làm sao để chất xám tự tìm đường chảy về Nghệ An? Đó là bài toán đang cần có lời giải.
Thảo Nhi