Bài toán khó
(Baonghean) - Sau gần 7 tháng triển khai nhiệm vụ đấu tranh xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến QL7, Bước đầu Đoàn công tác đặc biệt số I (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an) Nghệ An đã góp phần lập lại được kỷ cương nề nếp trong khai thác khoáng sản trên địa bàn.Tuy nhiên vấn đề quản lý khai thác khoáng sản vẫn còn đó những thử thách ...
(Baonghean) - Sau gần 7 tháng triển khai nhiệm vụ đấu tranh xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến QL7, Bước đầu Đoàn công tác đặc biệt số I (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an) Nghệ An đã góp phần lập lại được kỷ cương nề nếp trong khai thác khoáng sản trên địa bàn.Tuy nhiên vấn đề quản lý khai thác khoáng sản vẫn còn đó những thử thách ...
Cuộc chiến chống "vàng tặc" ở Phu Phen
Khu vực Phu Phen thuộc xã Yên Tĩnh-Tương Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò cho Công ty Thủ Đô. Nhưng do là nơi có mỏ "vàng gốc"nên người tứ xứ đổ về Phu Phen để khai thác vàng trái phép. Thời điểm tháng 7/2011, chúng tôi đã lần đường lên với đỉnh Phu Phen đầy hiểm trở, được chứng kiến "vàng tặc" ngày đêm khoét đỉnh Phu Phen tìm vàng, nguy cơ sập hầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sau đó mấy ngày Đoàn công tác số I đã tổ chức lực lượng lên truy quét, đốt hết lều lán, phá huỷ máy móc của "vàng tặc". Thượng tác Chu Minh Tiến - Phó trưởng Phòng PC49- Trưởng Đoàn công tác số I cho biết: Sau Tết Nguyên đán "vàng tặc" lại ồ ạt đổ về Phu Phen hoạt động, Đoàn công tác số I lại tổ chức lực lượng, bí mật lên Phu Phen. Hầu hết anh em chiến sỹ đều phải mặc thường phục, cải trang thành người đi rừng, nếu để bị "đánh hơi" "vàng tặc" sẽ rút hết máy móc.
Đợt truy quét lần 2 này Đoàn đã khiến "vàng tặc" không kịp trở tay. Đoàn đã 60 lều lán, phá huỷ 50 máy nổ, chặt trên 2.000 m đường ống nhựa dẫn nước, đẩy đuổi trên 300 đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực.
Thượng tác Chu Minh Tiến nói thêm: Tại địa bàn xã Hữu Khuông, Công ty Kim Sơn (Hà Nội) được cấp phép thăm dò với diện tích rộng lớn trên 350 ha, đến thời điểm này đã hết phép thăm dò. Đoàn công tác đã lên kiểm tra và phát hiện tại khu vực mỏ vẫn còn 4,5 tạ thuốc nổ và hàng ngàn kíp mìn, dây cháy chậm.
Trước thực trạng trên, Đoàn công tác số I đã có kiến nghị với UBND tỉnh cho thu hồi giấy phép thăm dò đối với Công ty Kim Sơn. Đặc biệt là cần phải tịch thu ngay số lượng chất nổ tại hiện trường. Bên cạnh đó, Công ty Việt- Lào đã được cấp phép gần 6 năm qua tại địa bàn xã Yên Hoà nhưng lại chuyển nhượng mỏ cho một người ở Thái Nguyên để ăn chia phần trăm, trong quá trình khai thác vàng không nạp ngân sách cho Nhà nước. Đoàn công tác số I đã 2 lần mời chủ mỏ làm việc nhưng chủ mỏ không hợp tác.
"Vàng tặc" đang khoét núi tìm vàng.
Ông Lô Thái Sinh-Chủ tịch UBND xã Yên Hoà bức xúc: công ty này khai thác hoàn toàn không đúng với quy trình, sàng tuyển vàng không có bể chứa lắng lọc mà xả thẳng xuống khe suối gây nên ô nhiễm trầm trọng cho dòng khe Líp. Sắp tới, nếu Công ty vẫn cố tình xả thải không đúng quy trình, không chịu hợp tác thì chúng tôi sẽ có kiến nghị với UBND tỉnh."
Ngược QL 7 lên với xã Hữu Kiệm-Kỳ Sơn, trái ngược với hình ảnh trong năm 2011, có khá nhiều nhóm người đào đãi dọc dòng sông Lam, tiếng máy nổ rền vang. Ông Lương Văn Thiện một người dân địa phương cho biết: "Đoàn Cảnh sát Môi trường tỉnh lên kiểm tra thường xuyên, tịch thu máy móc nên chúng tôi cũng không dám chung tiền để mua máy nổ khai thác vàng nữa. Hiện nay vẫn có một số nhóm người đào đãi theo kiểu thủ công ngày kiếm từ 50.000 - 70.000 đồng.
Cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền
Đoàn công tác số I được giao nhiệm vụ đấu tranh xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến QL 7 gồm các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ ... trải dài trên 200 km, địa hình phức tạp. Ngoài điểm nóng khai thác vàng ở các huyện miền Tây trên tuyến còn có 44 tổ chức được cấp phép mỏ khoáng sản, 18 đơn vị được cấp phép thăm dò đá, tập trung ở Đô Lương, Tân Kỳ...
Một số mỏ quặng sắt, chì, kẽm, thiếc, than nằm rải rác ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ. Các nhóm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu là người địa phương cấu kết với người ngoài địa bàn.Tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Nậm Mộ, sông Lam, sông Con thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Đô Lương, Hưng Nguyên... vẫn rất phức tạp. Chủ yếu khai thác cát tư nhân không có thủ tục hợp lệ, dùng thuyền hút cát trên sông bán cho các bến bãi ven bờ.
Trước những khó khăn trên, ngay thời điểm ra quân Đoàn đã có sự phối kết hợp tốt giữa các chính quyền địa phương. Từ ngày 26/7/2011 đến nay, Đoàn đã tiến hành kiểm tra lập hồ sơ 62 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nạp ngân sách Nhà nước 921 triệu đồng, trong đó chuyển tỉnh và huyện xử phạt hơn 900 triệu đồng. Trong đó khai thác vàng sa khoáng 8 vụ, khai thác đá 9 vụ, khai thác cát sỏi 45 vụ, tạm giữ 45 phương tiện các loại.Phá huỷ tại chỗ 151 máy nén hơi, máy xay đá, tháo dỡ 168 lều, 6.600 m vòi nước, đẩy đuổi 440 người (chủ yếu là ngoại tỉnh) ra khỏi khu vực. Thu giữ hơn 20 m3 gỗ các loại không có giấy tờ hợp lệ.
Hoạt động của đoàn đã bước đầu đem lại kết quả. Về lâu dài, để lập lại trật tự trên lĩnh vực khai thác khoáng sản cần có sự vào cuộc một cách tích cực từ chính quyền sở tại đến cấp tỉnh. Trước mắt cần tập trung quản lý vấn đề khai thác vàng trái phép, chính quyền địa phương xã, huyện nơi trọng điểm khai thác vàng tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu đối với người ngoại tỉnh. Đối với Công ty Kim Sơn, cần khẩn trương có biện pháp tịch thu số lượng chất nổ trên, tránh hậu hoạ. Các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản có hiệu quả.
Vương Trần