Bài toán khó ở Nghi Lộc

04/02/2013 21:42

(Baonghean) - Từ năm 2004 đến nay, Nghi Lộc là một trong những huyện có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn nhất trong tỉnh, dẫn đến tình trạng hàng nghìn lao động nông thôn bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm...

Người dân tự xoay xở

Năm 2004, gia đình ông Đặng Văn Lành ở xóm 4 xã Nghi Thuận bị thu hồi hơn 10 sào đất trồng lúa để phục vụ cho việc xây dựng khu A Khu Công nghiệp Nam Cấm. Với 131 triệu đồng tiền đền bù, năm 2006, sau khi trả hết các khoản nợ, ông Lành đã đầu tư cho 2 người con trai đi XKLĐ ở Đài Loan. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, 2 người con của ông Lành đều có thu nhập khá và ổn định, từ đó gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà, mua sắm đồ đạc, nuôi 3 em ăn học. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình ông Lành đã trở thành một trong những hộ khá nhất xóm.

Cùng trong xóm 4 xã Nghi Thuận, gia đình ông Hà Văn Mến, sau khi nhận tiền đền bù 6 sào đất lúa cũng cho con đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, từ đó gia đình vươn lên thoát nghèo. Gần nhà ông Mến còn có gia đình ông Nguyễn Văn Đại, sau thu hồi đất đã cho con trai đi học nghề gò hàn và mở xưởng tại nhà, cho thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, ở xóm 4 xã Nghi Thuận, những trường hợp trên chỉ là số rất ít những hộ sử dụng tiền đền bù có hiệu quả sau khi bị thu hồi đất. Xóm trưởng Trần Văn Loan cho biết: “Xóm 4 có 65 hộ bị thu hồi đất để phục vụ cho việc xây dựng Khu công nghiệp Nam Cấm và làm đường ven sông Cấm, trung bình mỗi hộ bị thu hồi hơn 10 sào. Nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù đã xây dựng lại nhà cửa, mua sắm vật dụng, đồ đạc, nên số tiền để chuyển đổi ngành nghề chẳng còn là bao. Hiện hơn 90% lao động trong các hộ bị thu hồi đất đang phải vào Nam tìm việc hoặc làm các nghề tự do như thợ nề, thợ xây, buôn bán nhỏ, cửu vạn..., thu nhập không ổn định”. Khi được hỏi chính quyền huyện, xã có chính sách gì để hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề sau khi bị thu hồi đất hay không, ông Thuận cho biết thời điểm các hộ nhận tiền đền bù cũng chỉ nghe nói là trong đó có một phần để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nhưng không thấy thông báo về một chính sách cụ thể nào (!). Còn theo ông Trần Nguyên Hòa – Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận, thì toàn xã có 408 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp với tổng diện tích là 76,5 ha, số lao động bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất là 658 người. Việc giải quyết việc làm cho số lao động này gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết trong số đó là lao động phổ thông, nhận thức về chuyển đổi ngành nghề cũng như trình độ tay nghề thấp nên rất khó tìm được việc làm mới. Xã cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp đưa vào một số nghề tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, thêu ren... nhưng không thu hút được lao động nên phải bỏ.



Người dân xã Nghi Long vẫn canh tác trên những diện tích đất đã thu hồi.

Nghi Long là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn của huyện Nghi Lộc với 76,32 ha, ảnh hưởng đến 1246 lao động thuộc 251 hộ. Toàn bộ diện tích đất thu hồi là để phục vụ xây dựng Khu công nghiệp Nam Cấm. Đến nay, khu công nghiệp này đã có 24 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó trên địa bàn xã Nghi Long có nhiều công ty, nhà máy lớn như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy bột đá siêu mịn VNT, Nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp N.P.K, Nhà máy nhựa Tiền Phong… nhưng hầu hết các đơn vị này không sử dụng lao động địa phương. Ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long, cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 4.000 lao động, trong đó lao động từ độ tuổi từ 18 – 25 cơ bản giải quyết được việc làm nhờ xuất khẩu lao động hay làm ở các công ty, doanh nghiệp trong miền Nam…, còn lại lao động từ 25 - 45 tuổi đều không có hoặc thiếu việc làm và hầu hết đều đang bấu víu vào các nghề phụ. Khi làm việc với chính quyền về vấn đề giải phóng mặt bằng, các DN đều hứa sẽ thu nhận lao động địa phương vào làm việc, nhưng khi các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động rồi thì lại không quan tâm nên đến nay số lao động của xã vào làm việc ở các doanh nghiệp là chưa đến 100 người. Lãnh đạo xã đã nhiều lần trao đổi với đại diện các doanh nghiệp và cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Không tìm được việc làm tại các nhà máy trong khu công nghiệp cũng như không được chính quyền hỗ trợ trong việc chuyển đổi ngành nghề, trong hoàn cảnh không còn hoặc còn lại rất ít đất sản xuất, hàng ngàn lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất ở Nghi Lộc phải chật vật tự xoay xở để nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, chỉ một số ít đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông, Lào…, còn lại phần lớn đi làm công nhân ở miền Nam, làm thợ xây, làm thuê thời vụ hoặc ở nhà mở dịch vụ buôn bán nhỏ hoặc bám lấy số đất nông nghiệp ít ỏi còn lại. Cũng vì nhiều lao động thuộc diện bị thu hồi đất không có hoặc thiếu việc làm, trong khi nhiều diện tích đất thu hồi bị bỏ hoang, cùng những chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thiếu đồng bộ, nên trong những năm qua, người dân đã quay trở lại canh tác trên những diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi nhưng chưa san nền. Ví như xóm 1 xã Nghi Long có 131 hộ và tất cả đều có đất nông nghiệp bị thu hồi với tổng diện tích khoảng 20 ha – chiếm hơn 50% đất nông nghiệp của xóm, người dân đã quay trở lại canh tác trên hơn 5 ha diện tích đã thu hồi nhưng chưa sử dụng. Đặc biệt hơn, ở xóm 2 xã Nghi Thuận, với lý do có sự chênh lệch tiền đền bù quá lớn giữa các thời điểm, giữa xã và các địa phương khác cũng như không được giải quyết việc làm phù hợp sau thu hồi đất, người dân vẫn canh tác trên 90% diện tích đất đã thu hồi (khoảng hơn 25 ha). Khi doanh nghiệp cần mặt bằng để triển khai dự án, người dân lại yêu cầu được nhận thêm tiền đền bù, khiến vấn đề giải phóng mặt bằng trở nên khó khăn, phức tạp…

Bên cạnh đó, ở các xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều, do thiếu việc làm nên tệ nạn xã hội và tình trạng mất an ninh trật tự gia tăng, đặc biệt là nạn nghiện hút và trộm chó. Cuối năm 2011, Công an huyện Nghi Lộc đã phối hợp với 2 xã Nghi Xá và Nghi Long mở các hội nghị kiểm điểm 20 đối tượng trộm chó là những thanh niên thường trú ở 2 xã trên. Ông Võ Thanh Long – Trưởng Công an xã Nghi Long cho biết: "Những năm gần đây, do không có việc làm nên số thanh niên trong xã tham gia vào các vụ trộm chó trên địa bàn huyện tăng lên đột biến, hầu hết trong số đó đều nghiện ma túy. Sau hội nghị kiểm điểm, khoảng hơn một nửa số đối tượng trộm chó do xấu hổ nên đã lên đường vào Nam tìm việc làm, nhưng một vài đối tượng còn lại vẫn tiếp tục "ngựa quen đường cũ". Năm 2012, hầu hết các vụ trộm chó trên địa bàn huyện Nghi Lộc bị lực lượng chức năng và người dân phát hiện đều có sự tham gia của các đối tượng thanh niên trú tại Nghi Long và trong số đó có đối tượng Hoàng Công Hiệp đã bị người dân xã Nghi Xuân đánh chết vào ngày 12/10/2012.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Bá – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc, cho biết: Đến nay, đã có 4.483 lao động (chiếm 5% tổng số lao động của huyện) thuộc các hộ bị thu hồi đất ở Nghi Lộc được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề theo các Quyết định 2345/QĐ.UB – ĐC ngày 18/9/2004 và 74/2005/QĐ.UBND ngày 31/8/2005 của UBND tỉnh với mức hỗ trợ từ 8.000 đồng – 15.000 đồng/m2. Tuy nhiên, số kinh phí hỗ trợ này được trả trực tiếp cho các lao động và việc sử dụng số tiền này như thế nào thì huyện không nắm được.

Ông Bá cũng cho biết: “Về phía huyện, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho số lao động của các hộ bị thu hồi đất, UBND huyện đã ban hành Công văn số 685/UBND – NVLĐ yêu cầu các xã rà soát, lập danh sách các hộ thuộc diện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp từ 30% trở lên so với tổng diện tích được giao trở lên, báo cáo số lượng lao động có nhu cầu học nghề, tuyên truyền rộng rãi về hình thức, nội dung đào tạo (đào tạo miễn phí, hỗ trợ nguyên vật liệu học nghề, mở lớp tại chỗ…). Trong những năm qua, huyện đã đưa các nghề như: mây tre đan, trồng nấm, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thú y… về các xã có nhiều diện tích đất bị thu hồi, nhưng do mức thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh nên hiệu quả chưa nhiều. Đến năm 2009, chỉ có 2 xã đăng ký học nghề với huyện là Nghi Xá và Nghi Long nhưng chỉ có…13 người đăng ký học với 6 nghề! Do số học viên quá ít, lại phân tán như vậy nên dù Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã phân bổ kinh phí dạy nghề cho huyện nhưng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện (nay là trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc) không thể mở lớp.

Về vay vốn giải quyết việc làm, huyện đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội giải ngân cho 124 hộ, với mức bình quân là 5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ xuất khẩu lao động cho 102 lao động, với tổng số vốn vay 897 triệu đồng; tuy nhiên số vốn vay này được sử dụng như thế nào thì huyện không nắm rõ (!?). Về việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động ở các địa phương có diện tích đất thu hồi lớn, hàng năm huyện tổ chức các hội nghị mời các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để bàn về liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nhưng hiện nay số lao động được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chiếm một tỷ lệ rất ít, bởi đa số lao động tay nghề thấp, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, số lao động bị thu hồi đất nhiều nhưng các DN ở các KCN trên địa bàn huyện sử dụng lao động không nhiều, trung bình chỉ vài chục lao động, DN sử dụng nhiều lao động nhất là 400 người”.

Nhận xét về vấn đề này, ông Trần Hữu Lam – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, phụ trách văn hóa – xã hội, thừa nhận: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn trên địa bàn Nghi Lộc hiện nay khá thấp khi có đến hơn 60% chưa qua đào tạo nghề. Hơn nữa, do một số yếu tố khách quan, năng lực đào tạo nghề để tạo việc làm mới của huyện không theo kịp và không đáp ứng đủ nhu cầu của phát triển công nghiệp, dịch vụ. Vì thế, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động nông thôn bị thu hồi đất là rất thấp. Bên cạnh đó, các kênh thông tin việc làm và giao dịch ở nông thôn chưa phát triển, vai trò của các tổ chức giới thiệu việc làm còn mờ nhạt, các tổ chức chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức, thường do người dân tự lo là chủ yếu, nên người lao động ở nông thôn hay tìm kiếm việc làm qua gia đình, họ hàng, bè bạn... Ngoài ra, các địa phương có đất bị thu hồi chưa năng động, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng mặt khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng hiện nay, do các lao động bị thu hồi đất còn mang nặng tâm lý tiểu nông nên chưa chủ động, tích cực trong việc học nghề để tìm kiếm việc làm mới, ngại kỷ luật lao động nên chưa muốn vào làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mà chỉ thích kiếm việc làm tự do ở Thành phố Vinh... Tất cả những lý do này làm cho sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn của huyện vốn đã chậm chạp, sau khi thu hồi đất nông nghiệp, lao động nông nghiệp dôi dư nhiều hơn, lại càng gặp nhiều thách thức”.

Có thể nói, thực trạng về việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp ở Nghi Lộc cũng là thực trạng chung của một số địa phương trong tỉnh hiện nay. Điều này xuất phát từ những bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, trong công tác vận động, tuyên truyền chuyển đổi ngành nghề, trong công tác đào tạo nghề, trong công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp… Do đó, để giải quyết vấn đề này, thực tiễn đòi hỏi tỉnh và huyện cần có giải pháp đồng bộ với những chính sách thiết thực như xem xét lại quy hoạch các dự án xây dựng khu công nghiệp phải thu hồi đất nông nghiệp; có chính sách đền bù thỏa đáng để giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa nhà đầu tư với các hộ có đất bị thu hồi; nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho lao động nông thôn; phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thông tin, tư vấn thị trường lao động, tuyên truyền rộng rãi các chương trình hỗ trợ, giới thiệu việc làm ở nông thôn…

Theo báo cáo của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc, từ năm 2002 đến nay, Nghi Lộc có 5 xã có đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho việc xây dựng các khu công nghiệp Nam Cấm, Trường Thạch và Đồng Trọ và các công trình hạ tầng khác là các xã Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Quang, Nghi Thuận, Nghi Trường và Nghi Thạch. Tổng diện tích đất bị thu hồi là 251,8 ha, số hộ bị thu hồi đất là 2.618. Trong số đó, Nghi Xá là xã có diện tích đất thu hồi lớn nhất với 161, 56 ha. Toàn xã có 1.139 hộ hộ bị thu hồi đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, trong số đó, khoảng 400 hộ bị thu hồi từ 70 - 100% đất. Số lao động trong các hộ bị thu hồi đất là hơn 2100 người, chiếm khoảng 67% số lao động trong toàn xã.


Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất
x
Bài toán khó ở Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO