Bám biển giữ nghề

05/06/2014 17:45

(Baonghean) - Để thoát nghèo, rất nhiều người đã chọn con đường xuất khẩu lao động hay vào làm việc ở các khu công nghiệp phía Nam. Thế nhưng, vẫn rất nhiều người dân đã quyết tâm bám trụ làng quê, giữ gìn lửa nghề truyền thống của cha ông để lại...

Chị Hoàng Thị Thắm (bên trái) phơi cá khô.
Chị Hoàng Thị Thắm (bên trái) phơi cá khô.

Trong cái nắng chói chang của những ngày tháng 6, chúng tôi tìm về làng chài Nghi Thủy – Thị xã Cửa Lò – mùa này bà con đang tích cực ra khơi khai thác cá vụ Nam, được nắng, được cá, bà con tranh thủ phơi cá dọc các lối đi. Nhanh tay trở mẻ cá trích, cá mú ngoài cái nắng 39oC, chị Hoàng Thị Thắm – khối 4 phấn khởi: “Năm nay, được mùa cá trích ve, cá mú, lại được nắng nên cá phơi đến đâu khô đến đấy, thế này thì chất lượng đảm bảo phải biết”.

Cái nghề nướng cá, chế biến cá khô, mực khô… đã theo chị Thắm từ thời con gái cho đến tận bây giờ, dù nhiều người cùng thời với chị đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch, mở nhà hàng ăn uống hay kinh doanh khách sạn. Các con chị cũng đã từng bàn mẹ chuyển sang nghề khác cho đỡ vất vả hơn. Cũng đã nhiều lần chị suy nghĩ, rồi cũng lần lữa, nhưng cuối cùng mùi thơm của cá được nắng – cái mùi với chị nó quyến rũ hơn tất cả các mùi thơm khác đã níu giữ những ý nghĩ của chị. Và rồi hàng ngày, chị lại dậy sớm, ra bến mua cá khi ánh bình minh mới lấp loáng phía cửa biển, cái cảm giác chờ đợi từng con thuyền một của ngư dân chậm rãi cập bến mới háo hức làm sao.

Khi thuyền cập bến hẳn, các mẹ, các chị ùa tới chọn lựa những mẻ cá còn tươi lấp lánh. Trong chị lại tràn ngập niềm vui sướng. Chọn được cá tươi là yếu tố đầu tiên có được thành phẩm tốt. Sau khi mua về, cá được rửa sạch, hông chín rồi mới đem ra phơi. Cá phải phơi được nắng, phơi đủ độ giòn là bí quyết riêng của mỗi người. Nắng như dịp này, chị Thắm chỉ cần phơi 3 ngày là cá đã khô cong, sau đó để nguội đóng vào túi bóng nhập cho cho các đại lý trên địa bàn Thị xã Cửa Lò và một số địa phương khác. Trung bình mỗi ngày chị Thắm phơi được từ 1, 5 – 2 tạ cá.

Ở Nghi Thủy, nghề chế biến cá khô, mực khô… đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ dân. Ngoài ra, nhiều gia đình còn gìn giữ nghề chế biến nước mắm truyền thống, làm giàu bền vững trên chính quê hương. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Thanh Chung ở khối 6 đúng lúc ông chủ Phan Văn Thanh (sinh năm 1962) đang vui vẻ giới thiệu cho khách những chai nước mắm sánh vàng nguyên chất do chính gia đình ông làm ra. Cả hai vợ chồng ông đều lớn lên từ những gánh nước mắm bán dạo của mẹ, của bà. Vợ ông, bà Hoa Thị Chung (sinh năm 1964) biết làm nước mắm từ năm 13 tuổi. Đến năm 1986, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lập gia đình với bà Chung, ông Thanh cũng gia nhập nghề này như một lẽ tự nhiên.

Bà Chung vợ ông vốn đã là một tay chế biến nước mắm cừ khôi của vùng. Nay lấy chồng, về làm dâu lại cùng mẹ chồng ngày ngày chở nước mắm trên xe rong ruổi khắp nơi để bán. Đi xa, đi gần, nhập cho nhà hàng, đại lý ông bà cũng đã từng thử sức. Khi khách hàng đã quen, người ta gọi điện đến đặt ngày càng nhiều, ông bà không còn phải đi bán dạo nữa. Lúc này, các con cũng đã lớn, có gia đình riêng, ông bàn với bà mở một cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm chế biến hải sản ngay tại nhà, như thế khi khách đến muốn mua gì, tha hồ lựa chọn mà mình cũng phục vụ khách chu đáo, kịp thời hơn.

Hiện cửa hàng của ông Thanh có rất nhiều các mặt hàng thủy, hải sản như cá khô, mực khô, tôm khô, tép khô; nước mắm, ruốc hôi đặc trưng do chính gia đình sản xuất. Ông bảo: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, trên mỗi chai nước mắm, ruốc hôi của ông đều dán nhãn mác, có số điện thoại, địa chỉ liên lạc để nếu như khách hàng sử dụng thấy hợp ý, họ có thể gọi điện đặt thêm. Những năm gần đây, rất nhiều khách du lịch từ Hà Nội vào, họ rất thích mua nước mắm tại các cơ sở chế biến, có khách còn yêu cầu chủ nhà múc nước mắm ngay trong vại để thử, sau đó mới mua. Ông Thanh quan niệm: Trong kinh doanh phải giữ chữ tín của gia đình, của làng nghề. Với gia đình ông, nghề này không chỉ để phát triển kinh tế mà mình còn có trách nhiệm truyền lại cho các con, những thế hệ sau này, như thế mới duy trì, gìn giữ được nghề. Và điều đáng mừng là con trai, con rể, con dâu của ông không phải đi đâu xa mà hàng ngày vẫn cùng vợ chồng ông chuyên chú vào nghề. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của ông còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Rời Nghi Thủy trong mùi thơm mặn mòi của nước mắm được nắng, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Tương (57 tuổi) ở khối Hải Thanh, phường Nghi Hải. Đến nhà ông Tương khi cả gia đình đang chuẩn bị đồ dùng, nguyên liệu cho một chuyến ra khơi. Ông Tương cho biết: Sau 8 năm tham gia bộ đội, năm 1979, ông trở về địa phương với thương tật 4/4. Hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở Nghi Hải – vùng quê biển với truyền thống đánh bắt hải sản và chế biến nước mắm. Với ông không có nghề gì quý hơn cái nghề mà cha ông đã để lại. 5 người con (2 trai, 3 gái) của ông đều tham gia nghề biển. Để đầu tư cho nghề phát triển, gia đình ông hiện có 3 thuyền với công suất từ 90 – 150 CV do chính hai anh con trai và một anh con rể làm thuyền trưởng. Mỗi chuyến xa khơi từ 1 – 2 ngày, và nếu thời tiết thuận lợi, 1 tháng gia đình ông sẽ đi được 20 chuyến, chuyến thấp nhất 3 tàu được 3 tấn hải sản, chuyến cao nhất đạt 6 tấn hải sản. Trung bình một năm gia đình ông Tương có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Bà Trần Thị Huệ (54 tuổi, vợ ông Tương) khẳng định: Hơn 30 năm vợ chồng tôi duy trì phát triển nghề, được như ngày hôm nay cũng là điều may mắn, nếu được đầu tư thuyền to, tàu lớn thì chắc chắn nghề đánh bắt hải sản ở Nghi Hải sẽ còn phát triển hơn cả nghề xuất khẩu lao động hiện nay.

Còn với anh Võ Văn Cường (con trai út của ông bà, năm nay hơn 30 tuổi có hơn 15 năm trong nghề đi biển), hiện đã được cha giao cho “chức” thuyền trưởng con thuyền lớn nhất 150 CV lại mong ước: Với ngư dân, không tham gia ngư trường coi như mất ruộng, vì thế thời gian tới sẽ cố gắng phát triển nghề, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ môi trường biển. Và nếu “trời thương”, sẽ đầu tư đóng thuyền lớn khoảng 200 - 220 CV, lúc đó chắc chắn sẽ là những chuyến đi biển dài ngày, sản lượng không chỉ 3 tấn, 6 tấn mà là 10 tấn/chuyến.

Mong ước của anh Cường cũng là mong ước bao đời nay của người dân vùng biển. Chia tay Cửa Lò trong cái nắng chói chang, mừng vì thấy nghề biển được lớp già gìn giữ, lớp trẻ cũng rất nỗ lực phát huy. Và thấy lấp lánh trong đôi mắt của những ngư dân già như ông Tương, ông Thanh, chị Thắm … một niềm tin mãnh liệt vào biển, vào cái nghề “cha truyền con nối” không dễ gì mai một.

Thanh Thủy

Bám biển giữ nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO