Bàn biện pháp phòng, chống dịch tai xanh
Trước tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn đang diễn biến hết sức phức tạp, sáng ngày 4-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã tổ chức họp triển khai một số biện pháp cấp bách. Đồng chí Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Trước tình hình dịch bệnh tai xanh ở lợn đang diễn biến hết sức phức tạp, sáng ngày 4-5, Ban chỉđạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã tổ chức họp triển khai một số biện pháp cấp bách. Đồng chí Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đến nay, sau hơn một tháng kể từ khi ổ dịch tai xanh đầu tiên được phát hiện tại xã Long Thành (Yên Thành) vào ngày 31-3, dịch đã lan ra 67 xã thuộc 6 huyện là Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu, Thanh Chương và Nghi Lộc. Số lợn ốm, chết phải tiêu hủy đã lên đến gần 10.700 con với tổng trọng lượng trên 258 tấn.
Măc dù dịch đã và đang lan rộng nhưng ở các địa phương vẫn có hiện tượng vận chuyển, giết mổ và bán chạy lợn ốm; công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc, một số nơi tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin thấp trong khi vắc-xin tai xanh để tiêm phòng chống dịch cho đàn lợn chưa có.
Do đó, nguy cơ dịch lây lan ra các địa phương khác là rất lớn. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Chi yêu cầu các thành viên trong Ban chỉđạo chống dịch bám sát cơ sởđể cùng các địa phương triển khai chống dịch quyết liệt hơn nữa. Phải xác định dịch tai xanh là một trong những loại dịch bệnh trên gia súc nguy hiểm nhất trong giai đoạn hiện nay.
Vì thế các địa phương cần kiên quyết tiêu hủy ngay khi có dấu hiệu của bệnh. Ngành thú y phải tổ chức triển khai tốt việc phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả những vùng chưa có dịch. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng, tổ chức tiêm bổ sung cho gia súc nuôi mới, nhập đàn, tái đàn.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trái phép. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài chính kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch bệnh, giúp họ sớm khôi phục chăn nuôi khi dịch kết thúc.
P.H