Bạn có là đối tượng dễ bị mắc bệnh tiểu đường?

13/11/2017 16:03

(Baonghean.vn) - Bệnh tiểu đường có thể tìm đến bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào. Vậy những người nào có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao nhất, hãy xem bạn có nằm trong đó không nhé!

Những đối tượng dễ bị bệnh tiểu đường

Trước đây bệnh nhân mắc đái tháo đường thường ở tuổi sau 40. Hiện nay, những ca lâm sàng phát hiện trẻ ở 5-8 tuổi mắc bệnh. Nguyên nhân là di truyền, lối sống ít vận động làm gia tăng tỷ lệ béo phì. Trẻ nhỏ mắc bệnh do ăn uống, ngồi xem tivi quá nhiều.

Có 2 type đái tháo đường (tiểu đường) chính là đái tháo đường tuýp 1 và đái tháo đường tuýp 2:

Đái tháo đường tuýp 1: Trước đây gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Bệnh thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, nguyên nhân là do thiếu insulin gần như hoàn toàn nên bắt buộc phải điều trị bằng insulin từ đầu.

Bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ là bệnh tiểu đường  1 rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ là bệnh tiểu đường tuýp 1 rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Đái tháo đường tuýp 2: Trước đây gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Bệnh thường gặp ở người trên 30 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do kháng insulin và có thể do cả thiếu insulin nữa. Có thể điều trị bệnh bằng chế độ ăn và các thuốc uống nhưng cũng có thể phải điều trị bằng insulin. Bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn tuýp 1, chiếm khoảng 75-85% tổng số bệnh nhân tiểu đường.

Những người có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường tuýp 2, đó là:

Người trên 40 tuổi

Người béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt là những người béo bụng.

Có người thân đời thứ nhất như anh chị em ruột hoặc bố, mẹ đẻ bị đái tháo đường

Ít hoạt động thể lực hoặc làm công việc văn phòng, ít vận động.

Bị cao huyết áp.

Có rối loạn mỡ máu.

Có bệnh mạch vành, có tăng axit uric máu (hoặc bị bệnh gout).

với bệnh tiểu đường type 2 bệnh nhân không cần tiêm trực tiếp insulin mà chỉ cần thường xuyên dùng thuốc và chế độ ăn uống sinh hoạt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.  Ảnh minh họa.
Với bệnh tiểu đường type 2, bệnh nhân không cần tiêm trực tiếp insulin mà chỉ cần thường xuyên dùng thuốc và chế độ ăn uống sinh hoạt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Ảnh minh họa.

Những phụ nữ có tiền sử đẻ con to trên 4kg hoặc đã được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ. Qua theo dõi lâu dài các bệnh nhân tiểu đường thai kỳ, các nhà khoa học phát hiện tỉ lệ tiến triển thành bệnh thực sự là rất cao, có thể lên tới 20%.

Đã được chẩn đoán có rối loạn dung nạp glucose hoặc có tăng đường máu lúc đói trước đó.

Những phụ nữ bị đa u nang buồng trứng. Thường là những phụ nữ trẻ, béo, mọc nhiều lông (rậm lông), có rối loạn kinh nguyệt (thưa kinh hoặc không có kinh hoặc mất kinh kéo dài), vô sinh, làm siêu âm thấy buồng trứng 1 hoặc cả 2 bên có rất nhiều nang. Những người này có hiện tượng kháng insulin làm giảm tác dụng của insulin nên dễ bị đái tháo đường.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh tiểu đường

Giảm cân nhanh là 1 triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 và 2. Ảnh minh họa.
Giảm cân nhanh là 1 triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 và 2. Ảnh minh họa.

Khát nước: Ở những người mắc chứng tiểu đường thì máu trở nên sệt hơn: khi càng uống nhiều nước thì máu càng trở nên loãng hơn.

Đường huyết cao: Có thể dùng máy để đo đường huyết. Các loại máy này có thể dễ dàng mua ở hiệu thuốc.

Mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Ở những người mắc chứng tiểu đường đường nằm lại trong máu và không đi vào tế bào, vì thế họ cảm thấy thiếu năng lượng.

Tiểu tiện nhiều lần: Khi bị tiểu đường thận không thể lọc đường trong máu, vì thế thận cố gắng nhận từ máu một lượng chất lỏng bổ sung để hoà tan đường. Điều này làm cho bàng quang thường xuyên bị đầy.

Sụt hoặc tăng cân nhanh chóng: Sụt cân khi bị tiểu đường tuýp I. Tăng cân khi bị tiểu đường tuýp II.

Tê buốt các đầu ngón chân, tay: Hiện tượng này xuất hiện nếu như lượng đường trong máu cao và nó phá huỷ hệ thần kinh.

Ảnh minh họa.
Đo đường huyết sau bữa ăn 4-8 giờ. Ảnh minh họa.

Nếu như bạn phát hiện mình có ít nhất hai trong số các triệu chứng nêu trên, thì bạn nên đi kiểm tra hàm lượng đường trong máu hoặc trong nước tiểu./.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bạn có là đối tượng dễ bị mắc bệnh tiểu đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO