Bạn có nên tắt máy tính vào ban đêm không?
Mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn có bao giờ tự hỏi: Liệu mình có nên tắt máy tính hay cứ để nó chạy suốt đêm? Đây là một câu hỏi gây tranh cãi mà ngay cả những người dùng công nghệ lâu năm cũng có nhiều quan điểm khác nhau.
Theo một cuộc khảo sát do công ty an ninh mạng Panda Security (Mỹ) cho thấy, chỉ khoảng 37% trong số 1.000 người Mỹ được hỏi cho biết họ tắt máy tính mỗi đêm.
Nhiều người tin rằng, tốt nhất là nên tắt máy vào cuối ngày, giống như cách chúng ta cần một giấc ngủ ngon để phục hồi năng lượng. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng cần thiết phải tắt hoàn toàn máy tính sau mỗi lần sử dụng.

Nếu không có sự can thiệp của người dùng, hầu hết máy tính sẽ tự động chuyển sang "chế độ ngủ" sau một khoảng thời gian không hoạt động. Đối với máy tính xách tay, chỉ cần đóng màn hình cũng đủ để kích hoạt chế độ này, dù bạn có thể thay đổi cài đặt nếu muốn.
Chế độ ngủ là một tính năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả, sử dụng rất ít điện nhưng vẫn giữ cho các tệp, chương trình và dữ liệu đang mở ở trạng thái sẵn sàng. Nhờ đó, khi bạn nhấn phím hoặc di chuyển chuột, máy tính có thể nhanh chóng hoạt động trở lại mà không cần khởi động từ đầu.
Ngoài ra, chế độ ngủ còn hữu ích khi bạn muốn để máy chạy các tác vụ nền như cập nhật phần mềm hoặc quét virus mà không cần phải để máy hoạt động hoàn toàn.
Tuy nhiên, chế độ ngủ cũng có một số nhược điểm. Nếu bạn kết nối với một mạng Wi-Fi công cộng và không an toàn, việc để máy tính ở chế độ ngủ có thể khiến nó dễ bị tấn công mạng hơn.
Hơn nữa, dù tiêu tốn rất ít điện, nhưng chế độ này vẫn sử dụng một lượng năng lượng nhất định, điều này có thể đáng lưu ý nếu bạn muốn giảm thiểu hóa đơn điện.
Nếu bạn lo lắng về sự an toàn của thiết bị, việc đầu tư vào một bộ chống sét lan truyền cũng là một ý tưởng hay, giúp bảo vệ máy tính khỏi các đợt tăng điện áp bất ngờ có thể làm hỏng phần cứng.
Ngoài ra, đôi khi việc tắt hoàn toàn máy tính cũng mang lại lợi ích. Việc này giúp giải phóng bộ nhớ RAM, giúp hệ thống hoạt động trơn tru hơn và giảm nguy cơ gặp phải lỗi phần mềm do quá trình chạy liên tục.
Tuy nhiên, một điều cần cân nhắc là quá trình khởi động máy tính tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể, và một số người cho rằng điều này có thể tạo áp lực lên phần cứng, làm giảm tuổi thọ của máy theo thời gian.
Vì lý do này, nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng nếu bạn sử dụng máy tính thường xuyên, tốt nhất chỉ nên tắt và bật một lần mỗi ngày. Nếu máy tính không được sử dụng trong một thời gian dài, lúc đó mới nên tắt hoàn toàn.
Steven Leslie, chuyên gia của công ty dịch vụ công nghệ Geek Squad (Mỹ) chia sẻ: “Tất cả phụ thuộc vào tần suất bạn sử dụng máy tính. Nếu bạn sử dụng nó nhiều lần trong ngày, hãy để máy luôn bật. Nếu bạn chỉ dùng một hoặc hai tiếng mỗi ngày hoặc ít hơn, hãy tắt nó đi sau khi sử dụng”.
Ông cũng lưu ý: “Việc để máy tính luôn bật gây ít áp lực hơn so với việc bật và tắt liên tục trong ngày, nhưng đó vẫn là một dạng áp lực kéo dài lên hệ thống”.
Tóm lại, việc nên tắt máy hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Nếu bạn sử dụng máy tính xách tay thường xuyên, việc để máy bật trong vài ngày liên tục sẽ không gây hại gì.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên tắt hoàn toàn máy ít nhất một lần mỗi tuần và thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo tuổi thọ và hiệu suất của thiết bị.