Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động phải có điểm dừng
Ban đại diện cha mẹ học sinh cần biết đâu là điểm dừng trong việc kêu gọi tổ chức các hoạt động, tránh tạo điều tiếng không đáng có.
Khẳng định vai trò quan trọng của ban đại diện cha mẹ học sinh từ cấp lớp cho tới cấp trường, thế nhưng nhiều người cho rằng, các cá nhân hoạt động trong tổ chức này cần xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của nhà trường.
Ban giám hiệu các trường cũng cần hướng dẫn ban đại diện cha mẹ học sinh biết đâu là điểm dừng trong việc kêu gọi tổ chức các hoạt động, tránh tạo điều tiếng không đáng có.
Ảnh minh họa: Tiền Phong |
Mới đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu ở quận Thủ Đức đã lên kế hoạch trả lại tổng số tiền trên 300 triệu đồng mà phụ huynh trường này đóng góp từ đầu năm học cho “Công trình hội cha mẹ học sinh”. Sở dĩ có điều này là vì trước đó, rất nhiều phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Hoàng Diệu đã lên tiếng phản đối các khoản thu mà họ cho rằng quá lãng phí.
Không riêng gì ở trường Tiểu học Hoàng Diệu mà cứ đến đầu năm học, vấn đề lạm thu tại nhiều cơ sở giáo dục ở các thành phố lớn, trong đó có TP.Hồ Chí Minh, khiến không ít phụ huynh bức xúc.
Theo ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức, đó chỉ là một số trường hợp đáng tiếc kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải ban đại diện cha mẹ học sinh nào cũng chỉ biết… thu tiền. Thế nhưng, để tránh những bức xúc không đáng có, ông Bình cho rằng, thời gian tới, nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh phải có sự điều chỉnh trong quá trình phối hợp, hỗ trợ nhau.
Ông Phạm Phương Bình chia sẻ: “Quy trình hoạt động làm sao để tạo được sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch từ các hoạt động được tổ chức cho tới các khoản thu để phụ huynh nắm rõ. Phụ huynh cần biết ban đại diện thu những khoản gì và những khoản đó chi như thế nào thông qua các hoạt động phục vụ cho lợi ích của học sinh trong nhà trường”.
Bên cạnh tiêu chí công khai, minh bạch các khoản thu chi, theo bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục– Đào tạo Quận 5, ban đại diện cha mẹ học sinh các trường phải khoanh vùng phạm vi hoạt động của mình.
Thay vì ôm đồm nhiều thứ, thậm chí lấn sân sang hoạt động chuyên môn của trường, ban đại diện cha mẹ học sinh hãy làm tốt công tác hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động ngoại khóa, chăm nom học sinh. Điều quan trọng là trước khi làm gì hay kêu gọi đóng góp bất cứ khoản tiền nào cũng phải nghĩ đến cái chung. Chỉ có như vậy mới tránh được bức xúc, phản đối.
Bà Võ Ngọc Thu cho hay: “Theo tôi, ban đại diện cha mẹ học sinh nên đóng vai trò giám sát, tư vấn, động viên, khuyến khích và cùng có tiếng nói kiến nghị với lãnh đạo cấp trên để giúp cho môi trường giáo dục của nhà trường hoạt động tốt hơn. Nhưng đừng đi sâu vào vấn đề quản lý của nhà trường vì mỗi ngành nghề có chuyên môn riêng. Nếu chấn chính được vậy thì sẽ rất tốt”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, việc để dư luận có cái nhìn tiêu cực với ban đại diện cha mẹ học sinh như hiện nay, một phần lỗi thuộc về nhà trường. Theo bà Nhẫn, lãnh đạo nhà trường là người làm lâu năm trong môi trường giáo dục và hiểu rõ luật cũng như các quy định của ngành.
Do đó, hiệu trưởng phải biết đâu là điều ban đại diện cha mẹ học sinh nên và không nên làm để có sự điều chỉnh, định hướng phù hợp. Trong trường hợp xảy ra những tình huống không hay, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể chối bay theo kiểu “nhà trường chẳng hay biết gì”.
“Lãnh đạo các trường cần đưa ra những hoạt động giúp phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh và tạo ra được uy tín cho tổ chức này, đừng nên đặt họ vào thế bí. Đừng đưa ban đại diện cho mẹ học sinh vào những tình huống không từ chối được rồi khi họ làm việc đó lại gây ra những phản ứng không hay trong dư luận.
Khi điều đó xảy ra, lỗi không hoàn toàn thuộc về ban đại diện cha mẹ học sinh mà còn có lỗi của nhà trường nữa” - bà Lê Thị Ngọc Nhẫn bày tỏ quan điểm.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi xác định rõ vai trò và quyền hạn của mình, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ chừng mực hơn trong việc tổ chức các hoạt động, nhất là kêu gọi đóng góp, hỗ trợ. Tự thân lãnh đạo các trường cũng cần tạo môi trường hoạt động trong sạch để ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy hết thế mạnh.
Khi mọi việc đều xuất phát và hướng đến nhu cầu, lợi ích thiết thực của học sinh, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao từ đa số phụ huynh./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|