Bản đồ và hải đội Hoàng Sa
(Baonghean) - Các tài liệu cổ ghi chép liên tục từ thời Chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17 khẳng định, quá trình thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa - Biển Đông, khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Xuất hiện sớm nhất là Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (vẽ 4 tuyến đường từ Thăng Long toả ra 4 phía) do Đỗ Bá Công Đạo người Nghệ An, biên soạn năm 1686, ký hiệu A.1081, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong lời chú giải bên trên bản đồ vùng Quảng Ngãi có nói rõ việc khai thác Bãi Cát Vàng của Chúa Nguyễn như sau: "Giữa biển khơi có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, phỏng từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Huỳnh ước dài 5, 6 trăm dặm, rộng 3, 4 mươi dặm, đứng sừng sững giữa biển…”.
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ chép về Đội Hoàng Sa như sau: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm (tức Hội An) vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải một ngày rưỡi… Từ cửa Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi có nhiều cây dầu (gọi là trường dầu) có người tuần tra ở đó”. Khi mới thành lập mỗi Đội biên chế 18 thuyền, đến thời các Vua triều Nguyễn bổ sung một số nhiệm vụ trong việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Chỉ huy Đội Hoàng Sa do triều đình cử, thường là người làng An Vĩnh; Triều đình quy định mỗi Đội biên chế 5 thuyền vỏ gỗ (mỗi thuyền 14 người), trong đó có 1 thuyền của thủy binh chủ lực triều đình, 4 thuyền còn lại của ngư dân xã An Vĩnh hoặc các xã khác. Thuyền dài trên 10m, rộng chừng 3m, trang bị ba cột buồm. Các Đội Hoàng Sa hoạt động từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, 6 tháng này không là mùa bão tố, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các đảo và vùng biển quanh đảo, chống hải tặc bảo vệ ngư dân khai thác hải sản tại Hoàng Sa; Đo đạc hải trình, đo vẽ kích thước các đảo, rạn đá, bãi cát thuộc quần đảo phục vụ chiến lược phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu của Thủy binh Việt Nam; Hàng năm, tiến hành cắm bài gỗ ghi niên đại trên các đảo, các bãi đá bãi cát nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Là lực lượng chấp pháp của nước chủ quyền, Đội Hoàng Sa trực tiếp thu thuế các tàu, thuyền nước ngoài vào neo đậu, tránh trú bão tại quần đảo Hoàng Sa, đồng thời, giúp những tàu thuyền nước ngoài gặp nạn khi họ yêu cầu; tham gia khai thác hải sản, thu lượm đồ vật quý trong các tàu thuyền nước ngoài bị đắm tại vùng biển Hoàng Sa.
Giao Hưởng