Băn khoăn "con chữ" bản xa
(Baonghean) - Tìm đến những bản vùng sâu, vùng xa của huyện vùng cao Tương Dương, gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn, chúng tôi mới hiểu sự nghiệp “gieo chữ” ở đây còn nhiều lắm những gian nan.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đưa học sinh qua suối. |
Điểm trường vùng khó bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, là dãy nhà gỗ, lợp tôn, gồm 5 phòng học cũ kỹ. Ở lớp 4H do cô giáo Lang Thị Hồng, 50 tuổi, làm chủ nhiệm, bàn ghế được quây, ghép lại thành từng cụm, 5 - 6 em ngồi xung quanh. Lớp học không bàn giáo viên, không ghế, cô hết đứng rồi lại đi. Tỷ số lớp là 25 nhưng đếm đi đếm lại cũng chỉ có 20 em ngồi học… Cô Hồng giải thích: Ở vùng cao, đời sống khó khăn, phụ huynh suốt ngày ở trên nương rẫy, không mấy quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nhiều cháu thường xuyên bỏ học theo cha mẹ lên rẫy, lớp chưa bao giờ đủ sỹ số. Trong lớp chỉ có 10 em chăm chỉ đến lớp, 15 em khác luân phiên nghỉ, cá biệt có cháu Moong Văn Sỹ từ đầu năm đến nay chưa đến lớp buổi nào, tìm đến nhà cũng không gặp.
Lớp 3H do cô Lang Thị Hải làm chủ nhiệm cũng chẳng khá hơn. Thiếu bàn ghế, các em ngồi chụm lại với nhau; 4 -5 em chung một cuốn sách giáo khoa, 1 chiếc thước. Lớp 3H có 26 học sinh, 2 giáo viên, 2 bảng đen ở hai đầu phòng học. Hỏi mới biết: Phải phân chia ra như vậy bởi trong lớp có nhiều học sinh yếu trong khi phòng học không có. Đầu này cô Hải dạy Toán, đầu kia giáo viên khác đang uốn nắn cách đọc, phát âm cho các em. Cô Lang Thị Hải chia sẻ: “Các em đi học thất thường, tiếp thu không đảm bảo nên nhiều em học lực rất yếu. Nhà các em rất nghèo, một manh áo tử tế nhiều khi cũng không có. Rất nhiều em học sinh đến lớp trong tình trạng đói ăn. Hết giờ học buổi sáng, có em lặn lội vượt 5 – 7 km đường núi, đường khe mới vào đến lán của gia đình để ăn cơm trưa, thành ra không kịp quay lại học buổi chiều. Lo cái ăn, cái mặc nên chuyện học hành của các em, phụ huynh hoàn toàn phó thác cho giáo viên”.
Giờ học ở điểm Trường Tiểu học bản Xốp Cháo (xã Lượng Minh, Tương Dương). |
Thể dục giữa giờ. |
Điểm trường bản Chằm Puông thuộc diện vùng khó, xa trung tâm huyện, không có điện, không nước sạch và cũng không có sóng điện thoại. Trường lớp được xây dựng từ năm 2004, qua 10 năm sử dụng nên hư hại nhiều. Bàn ghế thiếu thốn trong khi học sinh rất đông với 116 em. Hầu hết các em khi đến trường đều không có sách giáo khoa, vở bút và các dụng cụ học tập khác… Khó khăn bộn bề nhưng những giáo viên được giao trách nhiệm vào đây không một ai “sờn lòng, chùn bước”. 7 giáo viên chỉ có 1 người sở tại, 6 người khác thì ở nội trú tại trường. Người lớn tuổi thì mỗi tuần về nhà một lần, các cô trẻ hơn có con nhỏ thì vài ba ngày vào buổi chiều lại vượt 50 km về Thị trấn Hòa Bình và sáng sớm mai 5 giờ sáng lại thực hiện hành trình ngược lại. Để khuyến khích học sinh đến lớp, 7 giáo viên ở điểm trường Chằm Puông đã đến từng nhà vận động phụ huynh; hàng tháng trích tiền lương của mình để mua sách vở, bút, bảng, phấn, dụng cụ học tập cho các em.
Rời Chằm Puông chúng tôi ra bến thuyền thượng lưu ở hồ Thủy điện Bản Vẽ bắt xuồng vào Xốp Cháo. Phải mất 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vào đến nơi. Bản Xốp Cháo hiện có 92 hộ chia làm 4 cụm dân cư nằm xung quanh hồ. Từ 4 cụm này đi vào điểm trường của bản, học sinh cũng phải đi xuồng, thuyền do cha mẹ cầm chèo. Vào dịp này năm ngoái, một thuyền chở 3 em học sinh điểm trường Xốp Cháo không may bị lật. May mắn, cả 3 em đều được thầy giáo Lữ Văn Toàn cứu sống… Điểm trường tiểu học ở bản Xốp Cháo là một dãy nhà gạch, lợp ngói khá khang trang, được xây dựng vào năm 2012, từ nguồn kinh phí đền bù thủy điện. Điểm trường mầm non của bản cũng nằm trong khuôn viên này. Hiện điểm trường tiểu học có 3 lớp, 3 giáo viên và 41 học sinh. Trong đó có 2 lớp ghép: Lớp 2 và lớp 3, lớp 4 và lớp 5.
Bữa ăn của các em học sinh tiểu học điểm trường bản Xốp Cháo. |
Thầy Lương Văn Thiên (điểm Trường Tiểu học Xốp Cháo) tắm cho học sinh. |
Đời sống của người dân Xốp Cháo còn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắn, chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc học của con em không được quan tâm nhiều. Thầy giáo Lương Văn Thiên, 1 trong 3 giáo viên tại Xốp Cháo cho hay: Quần áo, sách vở, đồng dùng học tập của các em đều thiếu. Như cháu Lữ Văn Sách, lớp 4 cả năm không có một chiếc quần dài để mặc. Các thầy thương quá góp tiền mua quần tặng em. Vở thì những em phụ huynh không nộp tiền mua, các thầy cũng phải phát cho các em học tập. Điểm trường tiểu học bản Xốp Cháo thiếu thốn đủ bề. Bảng xi măng phấn viết không rõ, 3 thầy tự đóng bảng gỗ để giảng dạy. Trường được xây trên mảnh đất xẻ lưng chừng núi nên mưa là nước xối xả từ phía trên đổ xuống thấm vào tường, lớp học khi nào cũng ẩm mốc…
Năm nay, họp phụ huynh đã thống nhất gửi tất cả các em ở các điểm xa đến ăn, ở trọ học nhờ tại các nhà dân xung quanh điểm trường. Cha mẹ các cháu gửi tiền, gạo nhờ chủ nhà nấu, cuối tuần đón về. Theo chân thầy Thiên đi kiểm tra bữa ăn các học sinh; đó là bữa ăn đơn sơ gồm 1 ép xôi nhỏ, một bát chẻo chấm, một miếng cà luộc hoặc miếng bí đỏ luộc. Được biết, chương trình SEQAP đã hỗ trợ các cháu 2 ngày ăn/ tuần, mỗi ngày 15 nghìn đồng. Để thêm vào bữa ăn cho trò, 3 thầy ở đây mỗi tháng lại góp thêm tiền cho bữa ăn cho các em. Sau bữa trưa, em thì ra suối tắm bắt cá, em thì cầm ná thun lên rừng bắn con chuột, con chim để cải thiện bữa ăn.
Rời bản mà chúng tôi không khỏi băn khoăn. Cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng phòng Giáo dục Tương Dương cho hay: Những năm qua mặc dù huyện đã dồn lực, đặc biệt ưu tiên nguồn ngân sách cho giáo dục; ngành đã mở nhiều cuộc vận động quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo; các xã và các trường đã tranh thủ sự giúp đỡ của các cá nhân, tập thể nhưng Tương Dương hiện vẫn còn hơn 50 điểm trường nằm ở 2 tuyến dọc khe suối, vùng lòng hồ còn khó khăn…
Thanh Sơn