Băn khoăn đám cưới ngày nay
(Baonghean.vn) - Đ
(Baonghean.vn) - Đám cưới ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Điều này không có gì khó hiểu, bởi đất nước ta đã bước vào cơ chế thị trường, đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng lên đáng kể. Do đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa và phong tục, tập quán tất yếu cũng phải khác xưa.
Từ phố về làng, bất kể xa hay gần, đám rước dâu được tiến hành bằng phương tiện ô tô và xe máy. Dù giàu sang hay khó khăn về kinh tế, cô dâu ngày nay ai cũng xúng xính trong bộ váy cưới tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng. Ngày xưa dựng rạp cưới, mượn bàn ghế, bát đĩa là cả một mối lo, nay tất cả đều đã có dịch vụ. Ở thành phố và vùng thị trấn có các khách sạn, nhà hàng sẵn sàng nhận làm tiệc cưới trọn gói, cô dâu, chú rể, quan viên hai họ chỉ việc có mặt đúng giờ đã định.
Và các loại tặng phẩm như xoong nồi, chậu, phích... giờ đây được thay bằng những chiếc phong bì mừng đôi tân hôn, vừa gọn nhẹ, lại vừa thuận tiện cho cả khách và chủ. Những thay đổi này có thể nói phù hợp với xu hướng và nhịp sống thời hiện đại, bởi nó giúp gia đình nhà trai và nhà gái đỡ phần vất vả, lo toan trong các khâu chuẩn bị, lại tiết kiệm được thời gian để đảm bảo yêu cầu công việc hàng ngày.
Đám cưới luôn là ngày vui của đôi tân hôn và hai họ. (ảnh minh họa)
Sẽ chẳng có gì để bàn nếu những đổi thay trong việc tổ chức lễ cưới luôn gắn liền với những chuẩn mực trong ứng xử và giữ được nét đẹp nhân văn của một phong tục có từ ngàn đời nay. Điều đáng nói là không ít người lợi dụng vào sự thay đổi kể trên để tạo ra những "biến thái" và thực hiện động cơ vụ lợi. Chuẩn bị đám cưới cho cậu con trai đầu, một đồng nghiệp tâm sự: "Mình thật sự đau đầu khi lên danh sách khách mời. Làm nghề báo mấy chục năm có biết bao nhiêu là mối quan hệ. Mời rộng rãi thì sợ thiên hạ nghĩ mình vụ lợi, không mời lại dễ bị trách".
Hôm đến dự đám cưới, vị chủ hôn ghé tai nói nhỏ: "Mình quyết định chỉ mời những người thật sự thân thiết". Có lẽ do khách mời toàn là những người thân thiết như ý gia chủ nên tôi thấy không khí lễ cưới khá thân mật và đầm ấm, điều mà không mấy đám cưới thời nay có được. Sau đó mấy ngày, tôi tiếp tục dự một đám cưới với một không khí cực kỳ náo nhiệt. Tìm đến địa điểm theo giấy mời thì tại đây tổ chức tới 3 đám cưới. Việc tìm được đúng nơi tổ chức lễ cưới đã vất vả, việc chen chúc để vào cửa dự lễ cưới còn vất vả hơn. Khi cô dâu và chú rể đi từng mâm chạm cốc và cảm ơn quan khách, phía sau đã thấy lác đác một số người ra về. Có lẽ họ đến chủ yếu với mục đích "trình diện" với gia chủ hoặc còn phải "chạy sô" đến đám khác.
Đưa ra hai dẫn chứng trên để thấy rằng ngày nay đang có cuộc "chạy đua" trong việc tổ chức đám cưới. Những gia đình giàu có tổ chức đám cưới linh đình thì đã đành, nhưng cũng không ít gia đình điều kiện kinh tế khó khăn cũng cố gắng lo tổ chức một đám cưới thật lớn.
Điều này bị tác động, chi phối bởi nhiều yếu tố, có khi là "con gà tức nhau tiếng gáy", "hàng xóm, bạn bè làm lớn thì mình cũng không thể thua kém". Rồi quan niệm trả - đòi "nợ miệng", rằng "mình đã đi mừng đám cưới nhiều, nay phải làm lớn để đòi lại". Hệ lụy là không ít cặp vợ chồng sau khi cưới phải nai lưng làm việc để trả những món nợ trong ngày cưới. Và điều đáng lo ngại hơn là việc tổ chức đám cưới linh đình sẽ có nguy cơ đánh mất ý nghĩa và giá trị nhân văn đích thực của một lễ cưới.
Có những đám cưới hàng trăm mâm cỗ, có khi khách khứa không có thời gian để nhìn mặt cô dâu, chú rể. Và cô dâu, chú rể cũng không thể biết hết mối quan hệ giữa các khách được mời với gia đình nhà trai và nhà gái. Nói chung, tâm lý của không ít khách mời là đến dự bữa cơm "cho xong việc" hoặc đi "ăn cơm giá cao". Nếu quả thật như vậy thì những đám cưới này sẽ thiếu đi không khí vui vẻ, đầm ấm và thật sự thân tình giữa chủ và khách và tạo nên sự lãng phí tiền bạc.
Việc tổ chức đám cưới ở thành phố giờ bắt đầu xuất hiện "mốt" huy động đông đảo các loại xe hơi đắt tiền tham gia lễ rước dâu làm ách tắc, náo loạn các tuyến đường. Vấn đề này nhiều người đã bàn đến mối quan hệ giữa "nước sơn" và "gỗ". Tức là nhìn nhận hiện tượng này dưới góc độ văn hóa và đạo đức. Lễ rước dâu ở vùng nông thôn ngày nay cũng thật sự tiềm ẩn những tai họa khi hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc xe máy chạy trước và sau xe dâu.
Có những thanh niên điều khiển xe hò hét, lạng lách, đánh võng đe dọa sự an toàn của những người xung quanh. Trên thực tế tai nạn bắt nguồn từ những tình huống này không phải là hiếm và gây nên những cái chết thương tâm. Đó là chưa kể việc ăn uống, rượu chè 2- 3 ngày liên tục, một số thanh niên không làm chủ được mình hoặc lợi dụng để gây gổ, xô xát lẫn nhau.
Từ mấy năm nay, ngành Văn hóa đề ra chủ trương "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang" và xem đây là một trong những nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Tinh thần của chủ trương này là xây dựng mô hình đám cưới và đám tang đảm bảo tiết kiệm thời gian và tiền của, củng cố tình đoàn kết và phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh và an ninh, trật tự, tránh lãng phí. Nhưng xem ra việc tổ chức đám cưới vẫn chưa mấy người tuân thủ chủ trương nêu trên. Nói như anh Trần Đăng Phi: "Việc tổ chức đám tang nay đã rút giảm đáng kể nhưng đám cưới lại có xu hướng ngày càng "phình" ra. Ngay cả những cán bộ, công chức cũng tổ chức đám cưới linh đình, chức càng cao thì tổ chức đám cưới cho con càng lớn và ít nhiều có mục đích vụ lợi...".
Như vậy, hiện nay việc xây dựng và thực hiện mô hình đám cưới theo nếp sống văn minh xem ra vẫn là một bài toán chưa tìm được lời giải. Thiết nghĩ, vấn đề này trước hết cần sự đồng tình và gương mẫu chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân mới mong giữ được nét đẹp trong lễ cưới, một phong tục truyền thống được tổ tiên ta dày công xây đắp.
Tường Anh