Trước những dư luận từ báo chí và đề xuất của UBND huyện Quỳ Châu về trận lũ lụt lịch sử gây thiệt hại trên 177 tỷ đồng, ngày 13/10/2023, Sở Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc. Đến ngày 31/10/2023, Đoàn kiểm tra có Báo cáo kết quả kiểm tra số 2484/SCT-BC.QLNL gửi UBND tỉnh. Tại bản báo cáo dài 11 trang, thể hiện Đoàn đã kiểm tra chi tiết, toàn diện công tác vận hành; việc thực hiện thông báo, cảnh báo vận hành đảm bảo an toàn cho vùng hạ du; công tác thực hiện quy chế phối hợp vận hành hồ chứa… của riêng từng thủy điện, để từ đó có kết luận và kiến nghị, đề xuất.
Với Nhà máy Thủy điện Nhạn Hạc, Đoàn kiểm tra xác định có hai nội dung thực hiện chưa tốt, gồm: “Công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du”; “Công tác phối hợp trong phòng, chống thiên tai của nhà máy và UBND huyện Quỳ Châu thực hiện chưa tốt. Việc phát hành thông báo chưa có kết nối chặt chẽ (hộp thư đi nhà máy đã ghi nhận việc gửi các thông báo vận hành điều tiết hồ chứa qua hộp thư điện tử Gmail tuân thủ quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 7 của Quy trình vận hành tuy nhiên UBND huyện Quỳ Châu phản ánh không nhận được)”.
Tuy nhiên, theo Đoàn kiểm tra thì hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt. Mà theo đó, việc vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không được làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ; mặt khác, hồ thủy điện Nhạn Hạc có dung tích hữu ích nhỏ (4,82 triệu m³), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ. Vì vậy, căn cứ mực nước của hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã vận hành đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo quy trình được phê duyệt.
Đối với việc vận hành nâng cửa van sớm hơn so với dự kiến theo Thông báo số 2709/2023/TB-NMNH gửi cho các cơ quan, đơn vị lúc 01h56 phút (dự kiến 05h30 phút, thực tế lúc 3h00 phút ngày 27/9/2023) là chủ sở hữu hồ chứa vận hành trong tình huống khẩn cấp (quy định tại Điểm b, Khoản 16, Điều 23) và thực hiện vận hành để đảm bảo an toàn cho công trình theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Nhạn Hạc. Tổng lưu lượng xả qua nhà máy (qua tổ máy phát điện, qua cửa van và tràn tự do) từ lúc 3h00 phút ngày 27/9/2023 (thời điểm bắt đầu mở cửa van từ trạng thái đóng hoàn toàn) đến lúc 14h15 phút ngày 27/9/2023 (thời điểm đóng hoàn toàn cửa van xả tràn) không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du.
Đối với Nhà máy Thủy điện Châu Thắng, Đoàn kiểm tra phát hiện thiết bị quan trắc gặp “sự cố” đúng thời điểm nhạy cảm. Nội dung này được nêu cụ thể tại báo cáo như sau: “Do sự cố, dữ liệu quan trắc mực nước tự động chỉ có đến thời điểm 23h00 ngày 26/9/2023, sau đó mất dữ liệu lưu trữ đến 01h30 ngày 27/9/2023, số liệu quan trắc tự động được khôi phục đo và lưu trữ lúc 02h00 ngày 27/9/2023, sau thời điểm này không ghi nhận được dữ liệu đo tự động. Nhà máy thực hiện tính toán các số liệu quan trắc bằng phương pháp thủ công”. Vì vậy, cùng với đánh giá “công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du”, Đoàn kiểm tra xác định Nhà máy Thủy điện Châu Thắng: “Thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động”.
Thế nhưng, theo Đoàn kiểm tra thì hồ chứa thủy điện Châu Thắng đã có Quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó quy định việc vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không được làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ; mặt khác, hồ thủy điện Châu Thắng có dung tích hữu ích nhỏ (4,217 triệu m³), không có dung tích phòng lũ và không có chức năng cắt lũ. Vì vậy căn cứ mực nước của các hồ trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ cung cấp, nhà máy đã đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo đúng quy trình được phê duyệt. Đồng thời xác định: “Tổng lưu lượng xả qua nhà máy (qua tổ máy phát điện, qua cửa van và tràn tự do) từ lúc 02h35 ngày 27/9/2023 (thời điểm bắt đầu mở cửa van từ trạng thái đóng hoàn toàn) đến lúc 06h00 phút ngày 05/10/2023 (thời điểm đóng hoàn toàn cửa van xả tràn) không lớn hơn lưu lượng về hồ nên không làm gia tăng lũ cho vùng hạ du”.
Liên quan Báo cáo số 2484/SCT-BC.QLNL của Đoàn kiểm tra Sở Công Thương, PV Báo Nghệ An nhận được một số trao đổi từ cán bộ hai cấp huyện Quỳ Châu. Tựu trung cho rằng, kết luận của Đoàn kiểm tra chưa đánh giá đúng trách nhiệm của hai thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc. Bằng góc nhìn của người trực tiếp cùng dân chống chọi lũ lụt, họ khẳng định mưa lớn là nguyên nhân chính. Nhưng việc vận hành xả lũ của thủy điện là quá đột ngột, lưu lượng xả rất lớn trong khi thông báo xả lũ quá chậm so với quy định, lại vào lúc nửa đêm và 1 – 2h sáng, nên dẫn đến cán bộ và nhân dân trở tay không kịp, phải bỏ của chạy cứu người, dẫn đến chịu nhiều thiệt hại.
Cán bộ hai cấp huyện Quỳ Châu băn khoăn: Thứ nhất, báo cáo của Đoàn kiểm tra nêu ở thời điểm xả lũ thì máy móc quan trắc của thủy điện Châu Thắng gặp “sự cố”; “không ghi nhận được dữ liệu đo tự động”, thì những số liệu báo cáo “bằng phương pháp thủ công” của đơn vị này liệu có đảm bảo đủ độ tin cậy để kết luận “căn cứ mực nước của các hồ trong suốt quá trình vận hành xả lũ do chủ hồ chứa cung cấp, nhà máy đã vận hành đảm bảo tuân thủ vận hành thiết bị xả lũ theo đúng quy trình được phê duyệt”?
Thứ hai, hai thủy điện Châu Thắng và Nhạn Hạc cùng lúc phải chấp hành nghiêm quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa sông Cả (ban hành kèm theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg, ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và quy trình vận hành đơn hồ chứa (UBND tỉnh ban hành). Thế nhưng, tại báo cáo thể hiện Đoàn kiểm tra chủ yếu tập trung kiểm tra theo quy định của quy trình vận hành đơn hồ chứa; tại sao không xem trọng quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả?
Liên quan sự việc huyện Quỳ Châu hứng chịu cơn lũ lịch sử ngày 26 và 27/9, PV Báo Nghệ An đã tìm hiểu và có những tin, bài phản ánh sát với hiện trạng. Bởi vậy, chung nỗi băn khoăn với các cán bộ hai cấp huyện Quỳ Châu.
Xin được nhắc lại bài viết “Thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc đã tuân thủ Quyết định 1605/QĐ-TT-BCT của Thủ tướng Chính phủ?” trên số báo ra ngày 19/10. Tại đây đã trích dẫn cụ thể một số quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả. Như Khoản 2, Điều 5 (nguyên tắc các hồ giảm lũ cho hạ du); Khoản 2, 3, 5 của Điều 32 (trách nhiệm của chủ hồ) và các Điều 36 (chế độ quan trắc trong mùa lũ), 37 (trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin trong mùa lũ). Những quy định này, buộc các thủy điện có tên trong quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả, gồm cả hai thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc phải chấp hành nghiêm cẩn.
Sở dĩ cần phải trích dẫn cụ thể bởi nguyên tắc các hồ giảm lũ cho hạ du là: “Việc vận hành giảm lũ cho hạ du bảo đảm không được gây đột biến dòng chảy, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Bởi công tác dự báo, cảnh báo, báo cáo, cung cấp thông tin… là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan đến an nguy của người dân vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Và bởi ở huyện Quỳ Châu, ngay dưới chân đập thủy điện Châu Thắng là những sông, suối và bản làng của người dân hai xã Châu Tiến, Châu Thắng. Một khi hệ thống thiết bị quan trắc, đo mưa không đầy đủ, hư hỏng; thông tin dự báo, cảnh báo không được quan tâm; báo cáo, cung cấp thông tin chậm, không đầy đủ… hay kể cả như Đoàn kiểm tra đánh giá “công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm”, thì hậu họa đến với người dân Quỳ Châu sẽ còn tái diễn!