Bạn Lào nói về đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn
(Baonghean.vn) - Năm 1959, nhằm phá thế “độc tuyến” phía Đông Trường Sơn, Đoàn 559 nhận nhiệm vụ “lật cánh” sang phía Tây, qua nước bạn Lào, mở thêm một tuyến đường chi viện mới cho chiến trường Miền Nam. Từ đó đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn đã trở thành tuyến đường huyết mạch, vận chuyển trọng yếu nhất của quân đội Việt Nam và Lào trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân đội và nhân dân hai nước.
Trung tâm thị xã Caysone Phomvihane tỉnh Savanakhet |
Những địa danh nổi tiếng ta từng nghe như Bản Đông, Sê-pôn, Mường-phìn, Mường-Nọng, rồi Đường Chín Nam Lào, là nhánh chính của đường Hồ Chí Minh sườn Trường Sơn Tây. Hôm nay, con đường huyền thoại ấy đã nằm lẫn dưới những tán rừng Lào, nhưng giá trị và ý nghĩa của nó thì mãi mãi trường tồn. Ông Vi-lay-văn Phôm-khê (Vilayvan Phomkhe) Bộ trưởng Bộ Nông -Lâm Lào, một nhân chứng, từng là tỉnh trưởng Sa-vẳn-na-khệt (Savanakhet), cho biết, đường Hồ Chí Minh trên đất Lào có hơn 20 nhánh và được gọi với nhiều cái tên khác nhau nhưng tựu chung vẫn là đường Hồ Chí Minh. Ông giải thích:
Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Lào, Vilayvanh Phomkhe. |
“Đường Hồ Chí Minh là con đường thiên biến vạn hóa, không dưới 20 nhánh, trong đó gồm đường cho ô tô, đường giao liên, đường đi bộ gùi hàng, đường cho xe đạp thồ, rồi đường liên bản; Ngoài ra còn có các con sông Sê-Pôn, Sê-Băng-Hiêng là giao thông thủy, tựu trung du hình thức nào thì tuyến giao thông này đều là Đường mòn Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn.
Với giá trị của con đường này, nhân dân Việt Nam đã bao lần cảm ơn nhân dân Lào và nhân dân Lào cũng rất hạnh phúc và tự hào khi được đóng góp phần mình cho công cuộc cách mạng Việt Nam. Trong thời gian tôi làm tỉnh trưởng Sa-vẳn-na-khệt, tôi đã chỉ đạo xây dựng cột mốc ki lô mét 0 (Không) nằm trên trục đường từ đây (Mường Phìn) đến Mường-Nọng để nhân dân biết rằng: đây là đường Hồ Chí Minh và cũng là để các thế hệ sau ghi nhớ”.
Đây là tuyến đường và cũng là mặt trận ác liệt nhất trên chiến trường Lào lúc bấy giờ. Theo tài liệu được công bố mới đây của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào dài hơn 20.000 km, qua 7 tỉnh của Lào là Bô-li-khăm-xay (Borikhamxay), Khăm-muộn (Khammuan), Sa-vẳn-na-khệt (Savanakhet), Cham-pa-sak (Champasak), Se-koong (Sekong), Sa-la-van (Salavan) và At-ta-pư (Attapeu).
Đường được xây dựng đến đâu sử dụng đến đó, vừa vận hành vừa sửa chữa, khắc phục trong suốt quãng thời gian 16 năm; từ 1959 đến 1975. Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào đã phục vụ vận chuyển 1 triệu 199.000 tấn lương thực và vũ khí đạn dược, phục vụ chiến trường ba nước Đông Dương; Trong đó riêng phục vụ chiến trường Lào và Cam-pu-chia 580.000 tấn; Vận chuyển xăng dầu 515 triệu lít. Đã hứng chịu 11.135 trận đánh phá của địch với hơn 3 triệu tấn bom mìn; Làm hy sinh 19.800 người, trong đó 40.000 người bị thương; 14.540 phương tiện bị phá hủy, 703 khẩu pháo bị hư hỏng; 90.000 héc ta ruộng nương, vườn tược của dân bị thiệt hại. Chỉ tính riêng năm 1969, máy bay giặc Mỹ đã bắn phá 180 làng bản nằm trên tuyến đường này, làm 481 người chết, 340 người bị thương. Quân và dân đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay các loại; đánh lui 1.293 trận tấn công của quân địch.
Đài tưởng niệm liên quân Việt - Lào bên cạnh chiến tích chiến tranh tại thị trấn Muangphine |
Ông Khăm-mạt Nạ-vông-pha-chẳn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Mường-phìn (Muangphine), huyện anh hùng nằm trên tuyến đường 9, nguyên là chiến sĩ giao liên nhớ lại:
“Huyện chúng tôi đã đóng góp cho tuyến đường này gồm dân công, giao liên, dẫn đường cho bộ đội Việt Nam và Lào qua vùng ác liệt nhất. Mặc dù trên bộ, trên không đều bị địch oanh kích, nhưng người dân Mường- Phìn chúng tôi vẫn hăng hái dẫn đường cho bộ đội, đưa bộ đội vào chiến trường, nhằm đem lại sự an toàn nhất cho bộ đội, làm giảm tối đa những tổn thất cho lực lượng của ta. Cũng chính vì người dân ở đây rất đoàn kết, một lòng theo Đảng nên đã đưa được nhiều bộ đội vào sâu tận huyện Tu-lạn (Tulane), tỉnh Sa-la-văn. Con đường này được nối từ Mương-phìn xuống tận Mường Tu-lạn, Mường Sa-muội”.
Ông Bun-tả Nin-Thạ (Bounta Nitha), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sa-vẳn- na-khệt, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không Sê-pôn Mường-phìn, nói:
Ông Bounta Nitha. |
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (Chummaly Xayasone) nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam Lào, đánh giá: Đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn còn là chiến trường khốc liệt nhất với bao hy sinh mất mát tổn thất của nhân dân Lào mà không thể kể hết được. Đường Hồ Chí Minh còn là biểu tượng tinh thần quốc tế cao cả và tình đồng chí, anh em của hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai sát cánh đánh bại kẻ thù chung. Ở đó mồi hôi, nước mắt, máu và cuộc đời của các chiến sĩ quân đội Việt Nam và Lào đã quện lẫn để cho chiến thắng của cách mạng, giải phóng và thống nhất đất nước của chúng ta”.
Hôm nay, đến Bản Đông, Sê-pôn, Mường-phìn, Mường-nọng, đi trên đường 9 Nam Lào, một nhánh của đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn, ta vẫn có thể hình dung được sau những ngọn núi, con sông, dấu tích của hàng ngàn binh trạm, hệ thống kho tàng, trạm giao liên, bệnh viện, trạm xá… của liên quân Việt Nam và Lào. Còn lại đây chứng tích chiến tranh với những tượng đài chiến sĩ Việt Nam và Lào sừng sững, sát cánh bên nhau, hiên ngang trên những xác pháo, xe tăng, máy bay và bom đạn của quân thù trên mảnh đất này.
Quốc Khánh
Email từ Vientiane, Lào