Ban mai Văng Môn

29/03/2015 12:46

(Baonghean) - Mỗi lần đến xã Tam Hợp (Tương Dương), tôi thường đi ngang qua một bản nhỏ, nhìn từ trên cao đẹp như một bức tranh sơn thủy. Ấy là bản Văng Môn nằm dưới thung lũng, cạnh con suối Chà Lạp. Bao lần đi từ bản Xốp Nặm, trung tâm xã vào 2 bản Huồi Sơn, Phà Lõm nhìn xuống lòng chảo Văng Môn, những mái nhà san sát như một khu phố nhỏ, tôi ao ước được một lần dừng chân...

Cho đến một ngày đầu năm mới Ất Mùi, tôi mới có dịp ghé thăm bản nhỏ này khi Chủ tịch UBND xã Tam Hợp mời “đến chơi nhà”. Chủ tịch xã Vi Cảnh Toàn cũng là dân bản Văng Môn. Vừa trải ngót hai chục cây số lởm chởm đá sỏi từ Quốc lộ 7 vào Tam Hợp, lòng tôi như chùng lại khi gặp đoạn đường bê tông phẳng phiu dẫn xuống bản. Thế mà chỉ độ vài trăm mét, khi vừa chạm đến ngôi nhà đầu tiên của lòng chảo Văng Môn thì con đường bê tông bỗng cụt ngủn. Ông chủ tịch xã cho hay đây là đoạn giao thông nông thôn mới của bản Văng Môn. Bản xa trung tâm nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp không ít khó khăn.

 Ôn bài trước khi đi học.
Ôn bài trước khi đi học.

Đã cuối ngày, một nhóm trai làng tụ tập bên bàn bi a duy nhất trong bản để “giải trí”. Một nhóm khác thì đánh bóng chuyền cạnh nhà văn hóa cộng đồng của bản. Hoàng hôn xuống, bản nhỏ dưới lòng chảo nhìn vừa lạ vừa quen. Những nếp nhà sàn xen lẫn với nhà kê đất, kiểu cách vừa giống kiến trúc nhà người Mông lại giống những ngôi nhà cổ trong các làng người Việt. Nhà cửa san sát. Hiếm hoi lắm mới thấy một nhà có vườn liền kề...

Ông Vi Cảnh Toàn cắt nghĩa tên gọi của bản: Khúc suối Chà Lạp chảy qua phía cuối bản tạo thành một vực nước sâu, tròn trịa. Trong tiếng Thái, Văng Môn có nghĩa là vực nước tròn. Bản được thành lập từ những năm 1970 khi chính quyền huyện dời hợp tác xã Quy Mô từ trung tâm xã cũ vào đây. Người dân từ bản Tẹm và bản Huồi Nhạp nơi đầu nguồn suối Chà Lạp chuyển vào sinh sống và hình thành bản Văng Môn bây giờ.

Thời phong kiến, người bản Tẹm sống cạnh ngọn đồi cách bản mới ngày nay không xa. Đứng đầu bản là ông “chạu hua”. Đây vốn là một chức sắc trong cộng đồng người Lào theo Phật giáo dưới thời phong kiến. Bản đang yên lành bỗng một năm xảy ra bệnh dịch. Nhiều người đã bỏ mạng. Có người bỏ đi bản khác. Lúc này “chạu hua” mới cho dời bản xuống gần suối hơn. Từ đó đời sống dân bản được bình an. Cho đến ngày cướp chính quyền, “chạu hua” trở lại làm dân bản bình thường. Một thời gian sau ông chuyển đi nơi khác sinh sống rồi qua đời…

Bước chân vô tình dẫn tôi đến nhà Trưởng bản Hà Văn Nghệ. Anh năm nay 35 tuổi, có nhà sàn gỗ to vào loại nhất nhì bản, anh tự hào: “Trước nay Văng Môn được gọi là bản hiếu học của xã”. Nhiều người đã thành cán bộ huyện, cán bộ xã, giáo viên, bác sỹ. Suốt một thời gian dài Văng Môn dẫn đầu trong phong trào học tập của toàn xã. “Hiện tại, bản Văng Môn vẫn có 9 em đang học tại Trường THCS xã Tam Hợp. Một số khác học tại trường nội trú huyện, 1 sinh viên đại học. Đó là những nhân tố tích cực trong phong trào học tập, còn phần đông thanh niên trong bản đã sớm rời ghế nhà trường lao vào cuộc mưu sinh. Người thì tìm đến các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc, có người theo làm công nhân xây dựng ở các công trình thủy điện. Một số lại bất chấp hiểm nguy theo người quen đi “chui” sang Trung Quốc làm trong các công xưởng, nhà máy nhỏ với mong muốn tìm được thu nhập cao hơn. Sau Tết là bản lại vắng bóng thanh niên. Chỉ còn một số ít ở nhà giúp gia đình việc ruộng, rẫy…

Tôi rời khỏi nhà Trưởng bản Hà Văn Nghệ cũng là lúc màn đêm buông xuống. Trong khi chờ anh con trai ông chủ tịch xã đi quăng chài kiếm cá suối làm bữa tối, tôi tranh thủ đi loanh quanh trong bản. Đã tối hẳn, trong căn nhà nhỏ bên cạnh dinh cơ của ông chủ tịch vọng ra tiếng gõ đục lách cách. Tôi tò mò ghé qua. Một phụ nữ trạc 40 tuổi đang gõ đục đóng tủ. Quả là một điều lạ, bởi lâu nay phụ nữ miền núi chẳng mấy ai thạo nghề mộc. Chị giới thiệu tên là Lô Thị Huệ, quê gốc ở huyện Con Cuông, lấy chồng về bản Văng Môn đã 15 năm nay. Chị kể về những ngày đầu về làm dâu. Ngày ấy, từ Quốc lộ 7 vào bản phải đi bộ mất cả ngày trời mới vào đến nơi. Sên, vắt thì nhiều. Về nhà chồng, chị cũng phải thức khua dậy sớm giã gạo, đun cám lợn. Hết mùa ăn Tết, ra tháng 2, tháng 3 âm lịch bắt đầu phát rẫy.

Ngày ấy sói rừng nhiều lắm. Cứ dăm bữa nửa tháng lại nghe tin trâu, bò trong bản bị sói ăn thịt. Ấy thế mà có nhiều đêm chồng bận tập dân quân, chị phải ở lại trong rừng một mình. Đêm nằm co người nghe thú dữ gầm. “Qua hết một đêm, không bị con sói ăn thịt, con đười ươi bắt đi là biết mình vẫn sống!”. Và chị học ở chồng nghề mộc, biết phụ giúp chồng đóng giường tủ bán cho bà con trong bản và những cộng đồng lân cận. Chưa giàu có nhưng cũng đã dư sức lo việc ăn học cho hai đứa con, một đứa cấp hai, một đứa cấp một.

 Học sinh bản Văng Môn trên đường tới lớp.
Học sinh bản Văng Môn trên đường tới lớp.

Ấy vậy mà đối với người phụ nữ bản lĩnh ấy không thể thiếu những lời ca, tiếng hát. Trong suốt 15 năm về làm dâu bản Văng Môn cũng là ngần ấy năm chị Huệ dẫn dắt đội văn nghệ của bản. Chị quan niệm rằng quanh năm suốt tháng làm lụng trên nương, trên rừng cũng phải có lúc vui chơi. Vào dịp lễ, Tết, chị Huệ cùng chị em trong đội văn nghệ bản tập luyện, đi diễn giao lưu với các bản khác, với các chiến sỹ đồn biên phòng.

Anh con trai bác chủ tịch xã đã trở về với những giỏ đựng đầy cá mát. Bữa tối của chúng tôi diễn ra muộn vì ai cũng cố chờ để thưởng thức món cá mát suối Chà Lạp. Mâm cơm hôm nay toàn đặc sản của bản: cá mát rán, một vài loài cá suối khác kho với sả, món canh nấu từ cây cọ rừng. Lâu lắm, tôi mới lại được đắm mình trong một phong vị rất riêng của núi rừng miền Tây xứ Nghệ.

Đêm nay, giấc ngủ đến với tôi rất đỗi nhẹ nhàng. Ngôi nhà của ông chủ tịch xã nằm cạnh dòng Chà Lạp, róc rách tiếng suối như ru tôi vào giấc ngủ. Tiếng í ới gọi của bầy trẻ gọi nhau đến trường khiến tôi tỉnh giấc. Trời hãy còn tối mịt. Tôi tung chăn bò dậy cầm theo chiếc máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc tới lớp của học sinh bản Văng Môn trong màn sương dày đặc. Bản cách trường chỉ 4 km nên học sinh bản Văng Môn không được hưởng chế độ của học sinh bán trú. Chia tay các em trở lại bản, tôi ngắm rất lâu những dấu chân nhỏ hằn in trên lớp đất bụi trên lối đi. Có một dấu chân không dép với nhưng ngón nhỏ bấu chặt xuống mặt đất. Tôi lại nhớ đến lời chị Huệ buổi tối hôm qua: “Con gái nơi đây, mười ba, mười bốn đã đến tuổi yêu rồi lấy chồng. Nhưng chị động viên cháu phải học lên mới mong thoát được cái nghèo”.

Rời bản Văng Môn vào lúc bình mình vừa ló rạng. Từ trên cao nhìn xuống, những túp nhà hiện lên như một rừng nấm với đầy đủ gam màu xanh, đỏ, vàng. Vầng mặt trời như trái nhót chín không lồ cũng vừa nhô lên khỏi dãy núi phía xa…

Hữu Vi

Mới nhất
x
Ban mai Văng Môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO