Bàn thêm về Lễ hội
(Baonghean) Bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp, lễ hội ngày nay vẫn còn không ít những bất cập, tồn tại, những điều chưa hay, chưa đẹp đang làm lễ hội biến dạng Lễ hội trên địa bàn tỉnh ta cũng vậy.
Ông Đoàn Văn Nam Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL cho biết: "Một số lễ hội trong khâu tổ chức bị hành chính hoá, nghĩa là chính quyền đứng ra làm thay cho dân, trong khi bản chất của lễ hội là "của dân, do dân". Tính chất hòa nhập, cộng cảm trong lễ hội ngày nay không còn sâu sắc như trước".
Các hiện tượng tiêu cực khá phổ biến ở các lễ hội như: cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự... các lễ hội đông người đều tập trung một số lượng khá lớn những người ăn xin, tạo ra hình ảnh nhếch nhác phản cảm.
Và mặc dù Nhà nước đã cấm, nhưng hiện tượng đốt đồ mã tại các di tích vẫn không giảm, rất lãng phí. Tâm lý người tham dự lễ hội cũng đã khác xưa, tâm lý "đi cho biết, đi cho vui" phổ biến hơn, nhất là đối với giới trẻ. Một số bạn trẻ có những hành vi đùa cợt thiếu nghiêm túc, ứng xử thiếu văn minh trong lễ hội, lạc lõng trong không khí thiêng liêng của lễ hội. Tất cả đang làm mất đi những giá trị thiêng liêng, cao đẹp của lễ hội.
Lễ rước trong Lễ hội Pu Nhạ Thầu
Ông Phan Văn Hùng, Phó Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng thì cho rằng: "Nguyên nhân của không ít biểu hiện tiêu cực trong các lễ hội hiện nay theo tôi là tâm lý "cha chung không ai khóc". Ví dụ, trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xã thì cho rằng đó là trách nhiệm của huyện, huyện lại cho đó là trách nhiệm của tỉnh. Vì vậy, trong việc tổ chức lễ hội cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành trong từng khâu, từng việc".
Bên cạnh đó, một số nghi thức trong một số lễ hội còn gây những băn khoăn. Bà Hoàng Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, nghi thức chém trâu trong lễ hội đền Chín Gian mang tính chất bạo lực, gợi nên cảm giác rùng rợn, không tốt cho mỹ cảm của giới trẻ.
Vì vậy, theo bà, cần xem xét thay đổi nghi thức này cho phù hợp với xu thế nhân văn của thời đại. Lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái mới được phục dựng, theo một số người cũng có tính chất bạo lực, hiếu sát. Vì vậy, có ý kiến đề xuất chỉ nên phân định thắng thua ở các cặp trâu thi đấu, chứ không nên làm thịt tất cả các con trâu sau khi thi đấu xong.
Cần làm gì để lễ hội nói chung và lễ hội mùa Xuân nói riêng thực sự trở lại đúng vị trí đã có, đáng có trong đời sống văn hóa nhân dân đang là một câu chuyện dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế - chính trị - xã hội đến văn hóa. Nhưng trước hết, để mùa Xuân và lễ hội thêm đẹp, thêm vui, thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta khi đến với lễ hội xin hãy hướng về những cái đẹp, cao cả và nhân văn trong truyền thống văn hiến dân tộc.
Trần Quang Đại