Bản thông điệp của tương lai

(Baonghean) - 9 giờ sáng ngày 13/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc bản Thông điệp liên bang lần thứ 7 trước Quốc hội nước này. Đúng như đã cam kết, bản thông điệp lần này của ông Obama rất ngắn gọn không liệt kê những đề xuất cụ thể, mà tập trung vào tầm nhìn về tương lai của nước Mỹ. Dù là bản thông điệp cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, song ông Obama đã không mang lại cảm giác về một sự chia tay ngậm ngùi, mà thay vào đó là ước vọng về một nước Mỹ tốt đẹp hơn. 
Hối tiếc về sự chia rẽ
Trong bản Thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh những thành quả chính phủ đã đạt được trong gần 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông như giữ vững vị thế nền kinh tế số 1 thế giới, đạt được thỏa thuận ngân sách, gia tăng sản xuất dầu mỏ trong nước, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông tăng, số lượng người được tham gia bảo hiểm y tế tăng; tỷ lệ giảm ở các vấn đề thất nghiệp, tội phạm... 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp liên bang 2016 (Reuters)
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc Thông điệp liên bang 2016 (Reuters)
Nhưng bên cạnh những cái đã đạt được, điều mà ông vẫn còn trăn trở, và cũng là điều khiến ông cảm thấy hối tiếc khi rời nhiệm sở chính là sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Sự chia rẽ đó không chỉ hiển hiện trong nội bộ chính phủ, giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa, mà còn trong đời sống xã hội với sự thù hận đang ngày càng gia tăng.
Cách đây 8 năm, khi thực hiện chiến dịch tranh cử tại Iowa, ông Obama đã từng tuyên bố rằng “Chúng ta không phải là tập hợp của những bang mang màu đỏ và những bang mang màu xanh (theo màu cờ của nước Mỹ), mà chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Nhưng giờ đây, khi 2 nhiệm kỳ Tổng thống sắp qua đi, ông nhận thấy ông đã không làm được gì nhiều, thậm chí sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ Mỹ, trong xã hội Mỹ còn “sâu sắc hơn bao giờ hết”.
Ông Obama lập luận rằng, khi sự phản kháng tăng lên - thường là phản ứng trước những sự việc đơn lẻ - sẽ có những thế lực mong muốn đẩy nước Mỹ trở về “thời kỳ bộ lạc”, nơi mà số đông dồn sự chỉ trích vào những người “trông không giống chúng ta, không cầu nguyện giống chúng ta, không bỏ phiếu như chúng ta và không chia sẻ cùng nền tảng với chúng ta”. Từ đó, Tổng thống Obama chỉ trích những người đang vận động tranh cử tổng thống đã đưa ra những phát biểu lăng mạ người Hồi giáo và lên án những vụ tấn công gần đây nhắm vào những nơi thờ phụng của họ. 
Dù nhận thấy sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ mà ông sẽ để lại cho người kế nhiệm, ông Obama cam kết ông sẽ cố gắng đến tận thời khắc cuối cùng khi còn giữ cương vị Tổng thống để hàn gắn sự chia rẽ này. Ông cũng đồng thời kêu gọi người dân Mỹ cần biết khước từ mọi chính sách nhằm vào tôn giáo và chủng tộc của mình bởi đây không chỉ là sự sai trái mà còn là vấn đề thấu hiểu, và rằng đi theo con đường này sẽ không đem lại sự thịnh vượng, sự an toàn cho nước Mỹ: “Khi các chính trị gia xúc phạm người Hồi giáo, khi một nhà thờ Hồi giáo bị phá phách, hay một đứa trẻ bị đe dọa, điều đó không làm cho chúng ta trở nên an toàn hơn. Đó không phải là nói lên đúng sự thật. Đó là điều sai trái, hạ thấp hình ảnh của chúng ta trong con mắt của thế giới và phản bội lại chúng ta với tư cách một đất nước”. 
Nước Mỹ của tương lai
Cùng với việc khẳng định những thành tựu qua hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Obama còn tập trung nói về tương lai của nước Mỹ - không phải là năm sau, mà là tương lai của 5-10 năm tới và cả sau này. Theo ông, nước Mỹ của tương lai là nơi trẻ em được bảo vệ trước tình trạng bạo lực súng đạn, người dân có cuộc sống đảm bảo hơn nhờ tăng lương tối thiểu, triển khai các chương trình phúc lợi như Medicare, an ninh xã hội được củng cố…
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đến ủng hộ chồng (The Guardian)
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đến ủng hộ chồng (The Guardian)
Để có được tương lai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ, Tổng thống Obama đặt ra 4 câu hỏi lớn: Thứ nhất, làm thế nào để mang lại cho mỗi người dân Mỹ sự công bằng về cơ hội và an ninh trong nền kinh tế mới. Thứ hai, làm thế nào để công nghệ phục vụ chứ không phải chống lại chúng ta, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức khẩn cấp như biến đổi khí hậu. Thứ ba, làm thế nào để nước Mỹ an toàn và dẫn dắt thế giới mà không trở thành cảnh sát toàn cầu và cuối cùng, làm thế nào để chính trị của nước Mỹ phản ánh những điều tốt đẹp nhất chứ không phải xấu xa nhất.
Trong 4 câu hỏi này, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh tới tầm quan trọng của câu  hỏi cuối cùng. Bởi vì, để có được một tương lai với cơ hội và an ninh cho các gia đình, nâng cao mức sống, hòa bình và bền vững, người Mỹ cần có những cuộc tranh luận sáng suốt và xây dựng, và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua việc sửa đổi nền chính trị. Sự sửa đổi đó phải tạo ra sự minh bạch trong quá trình bầu cử, giúp người dân Mỹ có thể cùng hành động, tạo nên “niềm tin của các công dân”. 
Trong suốt hai nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn nhận được thái độ nghiêm khắc của người dân Mỹ. Kể từ khi ông nhậm chức, tỷ lệ người Mỹ cho rằng đất nước đang đi đúng hướng chưa bao giờ vượt quá tỷ lệ ngược lại. Thế nhưng, với bài phát biểu “không giống như tiền lệ” - ngắn gọn chỉ hơn 5.000 từ và kéo dài hơn một giờ đồng hồ, ông Obama đã tạo nên sự “đảo chiều” ngoạn mục.
Theo khảo sát do CNN và ORC cùng tiến hành, 53% người dân Mỹ theo dõi bài phát biểu đưa ra đánh giá tích cực - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2013. Trong đó, 68% cho rằng những đề xuất của ông Obama sẽ giúp nước Mỹ đi đúng hướng, trong khi ý kiến ngược lại là 29%. Đây có lẽ là một món quà ngọt ngào dành cho ông Obama trước khi nhường lại chiếc ghế Tổng thống cho  người kế nhiệm. 
Thúy Ngọc

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.