Xây dựng Đảng

Nghệ An với trận đánh cuối cùng để thống nhất đất nước

Vĩnh Khánh 22/04/2025 09:24

Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Nghệ An đã khẩn trương khôi phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và đời sống và một lần nữa dồn sức cho tiền tuyến miền Nam trong trận đánh cuối cùng – Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cục diện mới, nhiệm vụ mới

Sau những thất bại nặng nề trên cả chiến trường miền Nam và miền Bắc, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải cùng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Thế nhưng, khi Hiệp định ký chưa ráo mực thì phía Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã cố tình vi phạm hiệp định. Dù Mỹ đã rút toàn bộ quân chính quy, nhưng vẫn duy trì cố vấn quân sự, viện trợ vũ khí và tài chính quy mô lớn cho chính quyền Sài Gòn. Mỹ vẫn kỳ vọng "Việt Nam hóa chiến tranh" sẽ giúp Sài Gòn tự đứng vững. Chính quyền Sài Gòn vẫn không công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, không thực hiện cam kết hòa giải dân tộc, thậm chí đẩy mạnh các cuộc hành quân lấn chiếm, mở rộng kiểm soát lãnh thổ.

r.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh tư liệu

Ngay trên đất Nghệ An, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng cố tình vi phạm bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau như điều tra tình báo, phá hoại quốc phòng và kinh tế, gây rối trật tự trị an… Mỹ đã 14 lần pháo kích vào bờ biển Nghệ An, riêng đêm 29/10/1973, pháo kích vào 16 xã thuộc các huyện Diễn Châu và Nghi Lộc; dùng tàu biệt kích hăm dọa, khiêu khích thuyền đánh cá của ngư dân, bắt ngư dân để khai thác tin tức tình báo, thậm chí giam giữ vài ngày rồi thả về nhằm gây hoang mang và nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ cán bộ và nhân dân.

8 tháng đầu năm 1973, Mỹ đã 33 lần dùng máy bay RF71 và máy bay không người lái trinh sát trên bầu trời Nghệ An. Ngoài ra, địch còn móc nối với bọn phỉ ở Lào tung gián điệp, biệt kích vào các bản làng cướp phá, lôi kéo đồng bào di cư sang Lào. Hoạt động gián điệp, biệt kích không chỉ ở vùng biên giới mà chúng còn đi sâu vào nội địa, nhất là vùng đồng bào Thiên Chúa giáo, đội lốt tôn giáo để lôi kéo, kích động phá hoại…

Trước các diễn biến của tình hình, với kinh nghiệm đấu tranh cách mạng suốt mấy chục năm, ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, Bộ Chính trị đã nhận định: "Hiệp định Paris chỉ là một thắng lợi bước đầu, chưa phải là thắng lợi cuối cùng; cuộc cách mạng miền Nam vẫn tiếp tục, và nhiệm vụ giải phóng miền Nam vẫn là trung tâm".

Cụ thể hóa quan điểm này, ngày 20/2/1973, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 225/NQ, xác định tiếp tục nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn trước mắt cho cả nước và từng miền. Đối với miền Bắc là phát huy cao nhất những điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, làm tròn nhiệm vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Đối với miền Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng, buộc kẻ địch phải thi hành Hiệp định Paris, giữ vững hòa bình, thực hiện độc lập, tự do thực sự và hòa hợp dân tộc.

1.jpg
Bộ đội pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ ném bom miền Bắc và Nghệ An nói riêng. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 7/1973), Đảng xác định: Phải kiên quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng bằng con đường cách mạng bạo lực. Không ảo tưởng vào con đường hòa bình, thỏa hiệp với chính quyền Sài Gòn. Chuẩn bị mọi mặt để khi thời cơ đến sẽ mở cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Tiếp đó, cuối năm 1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 22 tiếp tục xác định nhiệm vụ trung tâm của miền Bắc trong những năm 1973-1975 là hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất và tăng cường chi viện cho miền Nam; Tăng cường và tổ chức lại lực lượng, thành lập các binh đoàn chủ lực, chuẩn bị cho khả năng tổng tiến công khi thời cơ đến.

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An đã xác định nhiệm vụ trong các năm 1973-1975 là nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa…, ổn định đời sống nhân dân, phát huy hết mọi tiềm năng, sức mạnh để chi viện cho miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với Lào.

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nghệ An đã tập trung vào việc rà phá bom mìn, san lấp hố bom, sửa chữa đường cũ, đắp đường mới, sửa chữa cầu, ghép phà, ngầm, giải tỏa các kho tàng, chân hàng, bến bãi. Hàng vạn quả bom mìn đã được rà phá, tháo gỡ. Đến tháng 6/1973, toàn bộ các tuyến đường bộ, đường sông trong tỉnh đã cơ bản rà phá xong bom mìn, đường sá được san lấp, 248 cây cầu với tổng chiều dài 4.094m được sửa chữa. Bến Thủy – một yết hầu giao thông đường bộ vào Nam được lắp cầu phao… Các phương tiện vận tải thủy, bộ được sửa chữa, bổ sung để khôi phục sản xuất, đời sống và sẵn sàng phục vụ chi viện cho chiến trường.

Công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở Nghệ An được khẩn trương đẩy mạnh. Các công trình thủy nông nhanh chóng được phục hồi, một số công trình lớn được đầu tư xây dựng. Tính đến năm 1975, toàn tỉnh làm được 517 công trình lớn, nhỏ, đào đắp 2.900.000 m3 đất, đá, đảm bảo tưới cho 36.000 ha đất canh tác. Phong trào khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích được phát động. Công tác tổ chức, quản lý hợp tác xã nông nghiệp được cải tiến theo hướng mở rộng quy mô và sản xuất chuyên canh. Các vùng kinh tế được thiết lập. Quỳnh Lưu được chọn là 1/5 huyện của miền Bắc thí điểm xây dựng cấp huyện điểm của Trung ương.

3.jpg
"Tiếng hát át tiếng bom". Ảnh tư liệu

Sản lượng lương thực của Nghệ An đã tăng lên đáng kể, năm 1973 đạt 372.018 tấn, năm 1974 đạt 396.514 tấn, năm 1975 đạt 341.459 tấn. Số lượng lương thực đóng góp cho Nhà nước cũng tăng lên nhiều. Nếu cả năm 1971 đóng cho Nhà nước 43.703 tấn thì riêng vụ Đông Xuân 1973 đã là 41.376 tấn. Cây công nghiệp cũng tăng cả về diện tích và sản lượng. Năm 1973, cả tỉnh trồng 1.475 ha lạc, năm 1975 là 7.653 ha, cung cấp cho Nhà nước 6.200 tấn lạc vỏ. Lâm nghiệp, thủy sản đều được phục hồi và phát triển. Năm 1973, đánh bắt được 7.000 tấn cá, nhưng đến năm 1975 đã là 14.000 tấn.

Công nghiệp từng bước được phục hồi. Nhà máy Điện Bến Thủy được khôi phục; các trạm điện diesel được củng cố và tăng cường. Các nhà máy, xí nghiệp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng được phục hồi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động tài chính, thương nghiệp có sự chuyển biến tích cực, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống…

Văn hóa, giáo dục nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định trong điều kiện hòa bình. Công tác thương binh, liệt sĩ và hậu phương quân đội được quan tâm. Từ năm 1973, đã tiếp nhận nuôi dưỡng 10.034 thương binh, bệnh binh và gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường trở về; nhiều người đã trở lại chiến trường sau phục hồi sức khỏe. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động gián điệp biệt kích của phỉ Vàng Pao và của cả người Trung Quốc ở vùng biên giới bị phát hiện, ngăn chặn và trấn áp. Trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Hiện tượng tham ô, ăn cắp tài sản công bị ngăn chặn, đẩy lùi một bước.

Dốc toàn lực cho chiến trường

Quán triệt quan điểm chiến lược về phát triển cách mạng cả nước của Bộ Chính trị trong bối cảnh mới sau Hiệp định Paris, nhất là nhiệm vụ bảo vệ hậu phương vững chắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 18/4/1973, Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Nghị quyết về công tác quân sự địa phương. Ngoài nhiệm vụ nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh công tác quân sự địa phương, Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế với Lào, vượt chỉ tiêu tuyển quân, tuyển thanh niên xung phong, huy động dân công hỏa tuyến, đưa bộ đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm vào các chiến trường.

4.jpg
Lắp đặt, bảo vệ cầu phao cho xe qua chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Về tuyển quân, năm 1973, Nghệ An giao 11.073 tân binh, đạt 109% chỉ tiêu. Đặc biệt, số lượng thanh niên Công giáo và thanh niên các dân tộc thiểu số nhập ngũ ở các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu. Riêng huyện Quỳnh Lưu có 1.278 tân binh nhập ngũ, vượt 107,4%. Các xã Đức Thành, Thịnh Thành (Yên Thành) đạt 245 - 250% chỉ tiêu… Cũng trong năm 1973, Nghệ An còn gửi ra chiến trường 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 6 tiểu đoàn bộ binh.

Năm 1974, nhờ chủ động xây dựng kế hoạch, phát huy được tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là tuổi trẻ, nên đến tháng 10/1974, Nghệ An đã tuyển được hơn 8.000 tân binh, vượt 7% chỉ tiêu. Huyện Quỳnh Lưu có 1.278 tân binh, huyện Nam Đàn có 962 tân binh. Ngoài quân số giao các đơn vị, Nghệ An còn tổ chức và sắp xếp sẵn 1 trung đoàn bộ binh dự nhiệm, 3 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn công binh. Lúc này, Nghệ An có 13.000 quân dự nhiệm chiến trường A, 20.000 quân dự nhiệm chiến trường B sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và Lào.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình chiến sự trên chiến trường có nhiều chuyển biến mau lẹ, thời cơ giải phóng miền Nam ngày càng rõ ràng hơn, Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập các binh đoàn chủ lực để chi viện cho chiến trường. Việc tuyển quân đặt ra khẩn trương và số lượng lớn. Bộ Tổng Tư lệnh và Quân khu IV giao cho Nghệ An tuyển quân 2 năm (1975-1976) vào 1 đợt đầu năm 1975 với số lượng lớn và phải khẩn trương. Tỉnh ủy Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng như một chiến dịch tổng động viên sức người cho tiền tuyến nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương và chu đáo, chặt chẽ.

Kết quả là đến ngày 15/3/1975, toàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ giao quân trong 1 đợt cho chỉ tiêu cả 2 năm (1975 và 1976), đạt 104% chỉ tiêu được giao, trong đó, có 8 huyện đạt từ 108 - 128%, dẫn đầu là thành phố Vinh, các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu. Cũng trong tháng 2/1975, Nghệ An tiễn Sư đoàn 316 và tiếp đó là Sư đoàn 341 vào chiến trường miền Nam. Sau khi giao, tiễn quân vào chiến trường, Nghệ An gấp rút xây dựng 3 trung đoàn bộ binh (các e 1, 2, 6), 1 trung đoàn pháo cao xạ (e281) sẵn sàng làm dự bị cho chiến trường. Tháng 4/1975, e6 được đưa vào chiến trường; bổ sung 400 cán bộ, chiến sĩ cho Trung đoàn 89 vào Quảng Trị, Thừa Thiên làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Hàng nghìn cán bộ dân chính đảng, khoa học, kỹ thuật, giáo viên, y tế và hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an được điều động gấp rút vào miền Nam tiếp quản các vùng giải phóng. 400 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh đã được đưa vào miền Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành giao quân, tháng 4/1975, Nghệ An tiếp tục thành lập thêm 4 tiểu đoàn bộ binh, 15 đại đội pháo phòng không, bố trí lại các khu vực phòng thủ, củng cố vững chắc thế trận bảo vệ hậu phương.

Sư đoàn 341 tập kết, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Sư đoàn 341 tập kết, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Để khẩn trương chi viện cho chiến trường, tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo phục vụ chiến trường. Hầu như tất cả các phương tiện vận tải đều được huy động để chuyển quân, chuyển hàng cho chiến trường. Tính đến tháng 4/1975, 1.000.000 tấn hàng hóa của Trung ương qua địa bàn Nghệ An đã được bàn giao cho Đoàn 559. Trong 6 tháng đầu năm 1975, hàng giao cho Trị Thiên đạt 150%, cho Nam Bộ đạt 169%. Nông dân Nghệ An tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm để chuyển vào chiến trường. Đầu năm 1975, Nghệ An đóng góp 24.000 tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm (trong đó có 18.000 tấn lương cho Nhà nước tạm vay) để chi viện chiến trường.

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế

Để giúp đỡ cách mạng Lào, đồng thời bảo vệ hậu phương miền Bắc, chia lửa với chiến trường miền Nam, trong năm 1972, đầu năm 1973, lực lượng vũ trang Nghệ An đã tham gia mở mặt trận 772 để mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng của Lào trước khi Hiệp định Vientiane về chấm dứt chiến tranh ở Lào được ký kết. Trong thời gian 2 tháng trước khi Hiệp định được ký, lực lượng vũ trang Nghệ An trên chiến trường Lào đã đánh 25 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt sống 350 tên địch, giải phóng hoàn toàn huyện Mường Mọc và mở rộng thêm 2 vùng Tha Si và Bảo Man, nối liền vùng giải phóng 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhăm xay.

Sau khi Hiệp định Vientiane được ký kết (21/2/1973), lực lượng vũ trang Nghệ An còn tiếp tục đứng chân ở Lào để giúp bạn đấu tranh không cho địch vi phạm Hiệp định, giữ vững vùng giải phóng. Trong năm 1973, Tiểu đoàn 43 phối hợp với nước bạn tổ chức 28 đợt truy quét thổ phỉ, tiêu diệt 266 tên, làm sạch địa bàn. Ngoài ra còn có Tiểu đoàn 40 làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ mục tiêu và hơn 1.000 dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa đáp ứng cho bộ đội ta và nước bạn. Từ năm 1974, Tiểu đoàn 43 Nghệ An và Tiểu đoàn 48 Hà Tĩnh sáp nhập để thành lập Trung đoàn 176 trực thuộc Quân khu IV hoạt động tình nguyện tại Lào. Trong năm 1974, Tiểu đoàn 43 trong đội hình Trung đoàn 176 (Sư đoàn 968) đã tiếp tục đứng chân trên đất nước bạn, giúp nước bạn đánh bại các đợt tập kích của địch, giữ vững vùng giải phóng, góp phần tạo tiền đề cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 23/8/1975.

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của mình, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là hậu phương chiến lược của chiến trường miền Nam và của cách mạng Lào. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Nghệ An đã dồn hết sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong trận đánh cuối cùng để thống nhất đất nước đã có không ít máu xương của những người con Nghệ An. Sự đóng góp đó thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, truyền thống cách mạng kiên cường và trách nhiệm to lớn với tiền tuyến của người xứ Nghệ.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Nghệ An với trận đánh cuối cùng để thống nhất đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO