Xây dựng Đảng

Chúng tôi tiếp quản Sài Gòn - Gia Định

Ngô Đức Tiến 21/04/2025 16:29

Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột đầu tháng 3/1975, ở căn cứ của Tiểu ban Giáo dục trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ở Chiến khu C Tây Ninh, một không khí náo nức khác thường. Ở bản tin chiến sự treo ở hội trường 1 bản đồ miền Nam được phóng to, mũi tên chiến thắng thay đổi hàng ngày...

ttxvn_2504chienthang19.jpg
Công viên 30/4 và đường Lê Duẩn, ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột đầu tháng 3/1975, ở căn cứ của Tiểu ban Giáo dục trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ở Chiến khu C Tây Ninh, một không khí náo nức khác thường. Ở bản tin chiến sự treo ở hội trường 1 bản đồ miền Nam được phóng to, mũi tên chiến thắng thay đổi hàng ngày. Ngày cũng như đêm, làm bất cứ công việc gì, ai cũng truyền cho nhau tin chiến thắng. Đến đầu tháng Tư, tôi còn nhớ như in là ngày 10/4, bác Mười Chí (Thứ trưởng Lê Văn Chí) thay mặt lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục B3 và anh Bảy Hương (nhà giáo Thiều Thanh Hương) được chú Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) mời về căn cứ của Thường vụ Trung ương Cục ở Sa Mát tiếp thu chủ trương của Trung ương chuẩn bị kế hoạch vào tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Ngay sau khi dự họp ở bên Thường vụ về, bác Mười Chí và anh Bảy Hương cùng các đồng chí lãnh đạo Tiểu ban xây dựng ngay kế hoạch cụ thể chuẩn bị vào tiếp quản tất cả các cơ sở giáo dục ở Sài Gòn - Gia định. Ban Tuyên huấn Trung ương giao cho Tiểu ban Giáo dục huy động cho được ít nhất 200 cán bộ chia làm 2 đợt, đợt đầu gồm tất cả anh em ở các phòng Phổ thông, Bổ túc bình dân học vụ, Đô thị, Tuyên truyền Tổng hợp và các giáo viên, học viên của Trường Sư phạm Miền tất cả được 116 người. Đoàn này sẽ chuẩn bị các điều kiện để khi Sài Gòn được giải phóng là vào ngay để tiếp quản toàn bộ cơ quan đầu não của Bộ Giáo dục và Thanh niên và Viện Đại học. Số còn lại phần lớn là các đồng chí già, chị em phụ nữ có con nhỏ thì đi sau. Đoàn quân giáo dục tên bí danh là Đoàn H6 do chú Tư Nhật (Trần Hồng Nhật) Bí thư đảng ủy làm trưởng đoàn, anh Hồng Sơn làm Phó đoàn, tôi và anh Đinh Hối được phân công về đội của anh Yên Du (Hà Quỳ). Liên tiếp các ngày sau đó chúng tôi vừa học tập, thảo luận kế hoạch cụ thể theo sự phân công của đoàn. Ở căn hầm lớn của hội trường, bản đồ thành phố được phóng to trên tấm bảng to. Có ai đó đã vẽ 2 ngôi sao, một là Dinh Độc Lập, hai là số 70/35 phố Lê Thánh Tông. Bên trên ghi vắn tắt mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “THẦN TỐC THẦN TỐC HƠN NỮA, TÁO BẠO TÁO BẠO HƠN NỮA”, như là khẩu hiệu tinh thần của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy lần này quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà anh em chúng tôi vinh dự được tiến về Sài Gòn - Gia Định.

Theo dấu chân Thần tốc

Ngoài việc học tập tìm hiểu cơ cấu tổ chức của bộ máy Bộ Giáo dục, chúng tôi còn chuẩn bị hành lý, lương khô cá nhân mang đủ dùng trong 5-6 ngày ém quân ngoại vi thành phố để chờ khi bộ đội giải phóng xong là có mặt ngay. Lương thực thì có 2 loại, gồm có gạo sấy sẵn mua ở Cửa khẩu Trại Bí và gạo rang, mỗi người hai cân, thực phẩm thì có ruốc bông làm bằng thịt lợn của cơ quan.

Giữa tháng Tư, ngày nào bếp ăn của tập thể cũng rộn rịp không khí chuẩn bị. Đàn lợn của nhà bếp nuôi lâu nay có hơn vài chục con thả trong rừng cứ đến giờ ăn là chúng kéo nhau về, có cả lợn nái, nay thì bắt làm thịt tất. Mấy ngày đầu còn dễ, về sau rất khó bắt, phải dùng súng để bắn. Làm ruốc bằng thịt lợn chưa đủ, anh em còn bắt gà nhà nuôi được đến cho nhà bếp làm. Tôi nhớ anh Yên Du có đàn gà mới nở, anh bảo hôm nào đi thả cả mẹ con ra ngoài rừng chứ không nỡ làm thịt.

Chiều 27, chúng tôi nhận lệnh lên đường. Đêm đó cả căn cứ hầu như không ngủ. Căn nhà, căn hầm chúng tôi chặt từng cành cây, từng nắm lá trung quân dựng lên đã gắn bó với chúng tôi mấy năm ở rừng, con đường mòn từ căn cứ các phòng, ban mà các anh, chị đến trước đặt tên đường Hà Nội, đường Huế, đường Sài Gòn, đường Nguyễn Tất Thành, in dấu chân bao cán bộ, chiến sĩ từ các nhà giáo cao tuổi như bác Mười Chí , chú Tư Dụng (Nguyễn Hữu Dũng) chú Năm Diêu (Dương Văn Diêu), đến cô y sĩ Thúy Hài, cô chị nuôi hay ca vọng cổ, nhớ khi địch càn, cả cơ quan phải chuyển cứ, phải ăn củ mì, ăn đậu xanh cả tháng trời, nhớ mấy cái Tết trong rừng chiến khu, chia nhau từng điếu thuốc Tam Đảo, từng cái kẹo Hải Hà từ miền Bắc gửi vào, người đi trước, người ở lại đi sau.

Các bác già tham gia cách mạng từ mùa Thu Tháng Tám 1945 đã 30 năm, rồi lớp các anh Yên Du, Bảy Hương, Hồng Sơn... vào Nam từ năm 1965, trong đó, đồng đội của các anh đã chiến đấu trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 và đã hy sinh anh dũng như các nhà giáo Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Lê Thị Bạch Cát, có người mới trở về từ nhà tù Côn Đảo như nhà giáo Chu Cấp... lớp trẻ chúng tôi cũng đã gắn bó với khu căn cứ cạnh suối Cây từ đầu năm 1970 đến nay, biết bao kỷ niệm vui buồn.

ttxvn_2504chienthang9.jpg
Xe tăng quân Giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN

Nhưng vui hơn là chúng tôi vinh dự được vào Sài Gòn trước. 12h đêm chúng tôi mang ba lô lên đường. 5h sáng chúng tôi có mặt tại điểm tập kết trước cổng Trường Sư phạm Miền. Ở đây đã có 5 xe tải chờ sẵn. Chúng tôi lên xe thì trời sáng hẳn. Xe đi qua Lò Gò, qua cầu Cần Đăng rồi đến ngã ba Cây Cầy khoảng giữa con lộ lớn từ Cần Đăng đến Đồng Ban. Dọc đường chúng tôi thấy không chỉ đoàn chúng tôi mà còn nhiều đoàn nữa cũng hành quân về hướng ngã ba Cây Cầy. Ở đây, chúng tôi được chuyển sang đoàn xe khác, lại tiếp tục hành quân, đến chập tối thì đến một khu rừng, sau này được biết đây là căn cứ Bến Củi phía Tây Bắc Sài Gòn và ém quân ở đây. Cuối ngày 29 nghe máy bay rít trên đầu, sau đó, nghe tiếng bom nổ phía Sài Gòn.

9h sáng 30/4 nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Hơn 11h, Đài Sài Gòn phát bản tin đặc biệt... Cả căn cứ hò reo náo nhiệt. Chúng tôi ăn vội cơm trưa rồi nhanh chóng lên xe. Dọc đường từ Bến Củi vào Sài Gòn nhìn hai bên đường thấy những xác xe bị cháy, những đống quần áo lính ngụy cởi vất trước khi bỏ chạy. Và khác với hôm trước, hôm nay, không ai bảo ai chúng tôi vừa đi, vừa hát đồng ca từ bài "Giải phóng miền Nam", "Tiến về Sài Gòn" đến "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân"... ai cũng hát to. Lúc đầu ngồi hát, càng về gần Sài Gòn chúng tôi đứng cả dậy hát vang những bài ca cách mạng. 5 giờ 30 phút chiều, xe chúng tôi đi qua cổng lớn của Bộ Giáo dục và Thanh niên ở 35 Lê Thánh Tông. Ở đây có 2 anh bộ đội, 1 nữ biệt động và mấy người gác gian (bảo vệ) là cơ sở của ta ở đây tiếp đón. Thế là chúng tôi được đặt chân đến Sài Gòn thật rồi. Nhìn những căn nhà 3-4 tầng, nhìn bầu trời hòa bình xanh trong, sự thật mà như mơ.

Đêm 30/4, chúng tôi được phân công lên các phòng làm việc của 2 cơ sở số nhà 35 và 70 hai bên đường Lê Thánh Tông của Bộ Giáo dục ngủ tạm. Không có nơi mắc võng, chúng tôi người thì nằm tạm trên bàn làm việc, người thì trải tấm tăng ra sàn nhà lấy ba lô làm gối để ngủ nhưng nào có ngủ được, người cứ bồn chồn, rạo rực, thấy cái gì cũng lạ. Mấy năm ngủ rừng nằm cong trên võng nay nằm thẳng giữa nền nhà, đèn đường hắt qua cửa kính sáng như ban ngày, nên không ai ngủ được lại dậy nói chuyện râm ran mà cổ họng khản đặc vì hát to hết cỡ cả buổi chiều. Có anh ghé tai nói thầm.

Vui sao nước mắt lại trào

Ngày hôm sau chúng tôi họp đoàn để nghe phổ biến các chủ trương mới của Ủy ban Quân quản thành phố, và nhận công việc cụ thể. Tất cả anh, chị em ở Tiểu ban Giáo dục trên chiến khu về được phân vào đoàn H6 tiếp quản cơ quan Bộ và Viện Đại học Sài Gòn.

Tôi và Lê Anh Tương cùng 3 em giáo sinh sư phạm được phân công tiếp quản Nha Lưu học sinh và Đối ngoại do anh Đinh Hối làm tổ trưởng. Nha này gồm hơn trăm nhân viên, làm việc ở ngôi nhà 3 tầng phía 35 Lê Thánh Tông. Hàng ngày chúng tôi đến đây làm việc, việc chính là tiếp quản cơ sở vật chất, quản lý hồ sơ, tổ chức cho nhân viên cũ đến trình diện và tổng hợp tình hình nhân sự của Nha, ai di tản, ai ở lại.

Mấy ngày đầu cùng anh em dạo các phòng của 3 tầng nhà mà tổ chúng tôi quản lý, thấy tất cả các phòng đều nguyên vẹn. Trên các bàn làm việc còn nguyên các tập tài liệu viết giở, đọc giở, nhiều bàn còn nửa cốc nước. Mấy anh em chúng tôi ngày thì làm việc ở 35 Lê Thánh Tông. Ăn thì ăn bếp ăn tập thể ở đây. Đêm thì về ngủ tại một biệt thự trên phố Hai Bà Trưng. Đây là ngôi nhà của vị Tổng trưởng cũ (Bộ trưởng) nghe đâu là anh ruột Nguyễn Văn Thiệu, đang làm Đại sứ ở Đài Loan.

Đến chiều mùng 5 tháng 5, toàn bộ anh, chị em cơ quan Tiểu ban Giáo dục giải phóng còn lại đi đợt 2 về 35 Lê Thánh Tông. Anh em chúng tôi lại quây quần làm việc với nhau như những ngày ở căn cứ, nhưng ở môi trường khác biệt và với khối lượng công việc bề bộn mới mẻ.

Những ngày đầu tham gia Ủy ban Quân quản, chúng tôi được cấp phát quần áo mới, mũ tai bèo, mũ cối mới, dép cao su mới và được cấp cả xe đạp Phượng Hoàng để đi làm việc. Mỗi khi ra đường chúng tôi ăn mặc nghiêm chỉnh, tay trái mang băng đỏ có chữ ĐOÀN H6. Mấy ngày đầu ngoài giờ làm việc chúng tôi thường đem theo bản đồ thành phố trong người đi xem phố phường Sài Gòn.

Một hôm tôi và Nguyễn Đình Tường đang đi bộ trên bến Bạch Đằng thì đột nhiên có một xe tải chở đầy bộ đội đậu ngay trước hai chúng tôi. Từ trên xe thấy một anh bộ đội trẻ măng nhảy xuống xe chạy đến ôm chầm lấy tôi, em hét to: Em chào thầy, thầy còn nhớ em không, em là Thường, học sinh lớp thầy chủ nhiệm ở Thanh Văn đây. Tôi ôm lấy em, vỡ òa trong niềm vui thầy trò được gặp nhau giữa bến cảng Sài Gòn trong ngày giải phóng. Em là Nguyễn Thường, người Thanh Cao, nhà em ở gần lớp học có giao thông hào bao quanh trong vườn mít rợp mát. Em học lớp 7A do tôi chủ nhiệm. Tháng 3 năm 1969, tôi chia tay các em để lên đường vào chiến trường Nam Bộ. Ngày ấy cả lớp đều khóc, thầy cũng khóc, bây giờ thầy trò gặp nhau tại Sài Gòn, mừng quá thầy trò ôm nhau khóc.

ttxvn_2504chienthang5.jpg
Cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng và lá cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam phất bay trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN

Có hôm nghỉ Chủ nhật, tôi ra Thảo cầm viên dạo chơi. Đang đứng bên cạnh lồng chim quý thì được một anh bộ đội ôm chầm phía sau lưng thốt lên: Anh Tiến, anh Tiến, anh còn sống, em được gặp anh rồi. Anh bộ đội ấy là chú em Nguyễn Đăng Hóa, em con dì ruột của tôi. Hóa và tôi tình cờ gặp nhau ở rừng chiến khu R Tây Ninh. Hóa trên đường cùng đơn vị hành quân về miền Tây Nam, gặp tôi ở căn cứ của Tuyên huấn Trung ương cục. Bữa ấy nghĩ là em đi vào bổ sung cho đơn vị chủ lực Quân khu 9, nghĩ là "cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (đại ý là xưa nay mấy ai đi chinh chiến có ngày trở về, thơ Vương Hàn đời Đường Trung Quốc), nên tôi đưa cho em tấm vải dù hoa xanh tặng em lúc chia tay, nghĩ là khó có ngày gặp lại. Vậy mà, cả hai anh em gặp nhau còn nguyên vẹn ở Thảo cầm viên, mừng mừng tủi tủi nói không nên lời.

Bữa ấy tôi đưa em Hóa đến một quán cà phê gần cổng Thảo cầm viên, hai anh em uống hai cốc, đến lúc trả tiền em gái Sài Gòn tươi cười: Em mời các anh bộ đội giải phóng, em xin không lấy tiền. Nói mãi mà em không nhận còn dặn: Khi nào các anh đi Thảo cầm viên mời các anh vô đây, em đãi... Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui.

Đến ngày 15 tháng 5, cả thành phố tổ chức mít tinh đón mừng chiến thắng. Buổi sáng chúng tôi tụ họp tại phòng họp của Bộ để nghe tường thuật buổi mít tinh mừng chiến thắng, buổi chiều chuẩn bị liên hoan, buổi tối xem bắn pháo hoa bên cảng Bạch Đằng. Trước đó, khi họp cơ quan để bàn chuyện tổ chức ngày hội lớn 15/5, có ý kiến đề nghị làm thịt cầy. Chuyện là vị Tổng trưởng Bộ Giáo dục lúc đương nhiệm có sở thích nuôi chó. Ở cơ quan Bộ ông có nuôi một con béc-giê to như con bê, có người bảo vệ chăm nuôi. Ngày nghỉ ông thường đem con chó này lên ô tô đi chơi. Khi ta vào giải phóng Sài Gòn vị Tổng trưởng đã bố trí cho vợ con đến sứ quán Mỹ di tản nhưng ông ở lại Sài Gòn và bỏ nhiệm sở trước khi quân ta vào tiếp quản. Con béc-giê này ngày trước mỗi ngày được ăn 2 ký thịt bò tươi. Khi ta vào tiếp quản, tiêu chuẩn thịt không còn, chỉ cho ăn cơm thừa trộn nước cá, nó ăn rất ít. Ăn ít nhưng lại hay sủa ầm ĩ cả cơ quan. Có hôm xe tăng bộ đội ta đi qua đường nó sủa sáng đêm. Các đơn vị hàng xóm có ý kiến nhắc nhở. Ông bảo vệ đã tìm đến nhà Tổng trưởng nhưng chủ cũ là vị Tổng trưởng đã về Cần Thơ, chủ mới là mấy anh quân quản không nhận vì không biết lấy gì nuôi. Thế là các anh văn phòng cơ quan nhờ mấy anh đơn vị bộ đội bên cạnh hóa kiếp con chó của Tổng trưởng.

Bữa chiều 15/5, trong bữa tiệc liên hoan mộc tồn có món dồi chó, món thịt luộc, thịt nướng, dựa mận... đủ cả già trẻ, trai gái, thầy trò, cầm chén rượu trên tay chú Trần Hồng Nhật - Bí thư Đảng ủy cũng là Trưởng ban Quân quản Đoàn H6 nói mấy lời tâm sự, đại ý: So với hàng triệu, hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh từ kháng chiến 9 năm, đến kháng chiến chống Mỹ, đã 30 năm để có ngày hôm nay, chúng ta vinh dự có mặt tại đây tham gia tiếp quản Sài Gòn thì chúng ta là những người may mắn, những người hạnh phúc, vì chúng ta được thấy miền Nam giải phóng, đất nước được hòa bình, độc lập, tự do. Sống đến hôm nay để gặp nhau cùng gánh vác công việc quân quản giữa Sài Gòn là một may mắn hạnh phúc.

Cả hội trường vỗ tay vang dội. Tôi may mắn được chứng kiến những ngày vui Sài Gòn giải phóng tham gia Đoàn H6, Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Những "ngày vui nước mắt lại trào" của 50 năm trước không bao giờ phai.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Chúng tôi tiếp quản Sài Gòn - Gia Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO