Thời sự

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, Đô Lương

Thành Duy 29/07/2024 17:23

Chủ trương trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 vào chiều 29/7.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành.

bna_img_9351.jpg
Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ban, sở, ngành liên quan.

Quy mô đầu tư Bia chứng tích gồm: bia, bậc cấp và sân đặt bia với diện tích khoảng 300m2. Bậc thang và lối cho người khuyết tật lên xuống bia, diện tích khoảng 188m2.

Bến thả hoa đăng và bậc thang lên xuống bến diện tích khoảng 142m2; cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ: san nền, kè đá, sân, đường nội bộ, bãi đỗ xe, bồn hoa. Tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (nguồn tăng thu, tiết kiệm chi) và ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu hằng năm.

Địa điểm xây dựng tại xóm Hiệp Hòa (mới), xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Dự án thực hiện tối đa không quá 2 năm kể từ ngày khởi công.

anh-6.jpg
Phối cảnh công trình Bia chứng tích cống Hiệp Hòa. Ảnh: UBND huyện Đô Lương cung cấp

Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 1934, nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Trải qua thời gian bị lắng cặn và chiến tranh tàn phá, lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa không đủ để tưới tiêu cho các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu nên phải mở rộng cống.

Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa do bom Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, dòng chảy bị thu hẹp, không đủ cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Để kịp có nước tưới cho sản xuất, tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đã huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4.

anh-1-1-ca7f877f4c0ef96a1b574b7edff32c11.jpg
Cống Hiệp Hòa, nơi đã xảy ra sự cố bi thương năm 1978. Ảnh tư liệu: Nhật Lân

Tuy nhiên, khi công trình gần hoàn thành thì vào trưa 3/1/1978, hàng nghìn khối đất đá hai bên vách dựng đứng sập xuống lòng kênh khiến hàng trăm người bị vùi lấp, trong đó 98 người tử nạn, 132 người bị thương...

Việc xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, Đô Lương là việc làm cần thiết để tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn trong quá trình xây dựng, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những người tử nạn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, Đô Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO