Báo chí tác động tích cực đến đời sống xã hội
Hôm nay 5/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010.
Các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông chủ trì Hội nghị.
Phóng viên tác nghiệp. |
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình hoạt động báo chí nước ta trong những năm qua; nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ( khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới, các Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và các Quyết định của Ban Bí thư ( khóa X) về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí.
Đây là dịp các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí trao đổi kinh nghiệm; trực tiếp phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí những thuận lợi, khó khăn, những kiến nghị, đề xuất để góp phần thiết thực không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động báo chí.
Đặc biệt, Hội nghị là dịp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cả nước sẽ được trực tiếp tiếp thu và quán triệt những định hướng lớn, những yêu cầu đối với công tác tuyên truyền trên báo chí, nhằm cổ vũ, động viên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2010 và những năm tiếp theo.
Cả nước có 17.000 nhà báo được cấp thẻ |
Hầu hết các cơ quan báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới; tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm của đất nước; tuyên truyền về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; biểu dương, động viên các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái; chống âm mưu "diễn biến hoà bình" của các lực lượng thù địch, phản động...
Hoạt động tuyên truyền báo chí, về cơ bản, đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta...
Chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà các cơ quan báo chí cần nhận rõ và có giải pháp khắc phục kịp thời, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong muốn của Đảng, của nhân dân, báo chí cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 "Về công tác tư tưởng lý luận và báo chí trước yêu cầu mới", các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí.
Theo TTXVN