'Bão' chính trị và kinh tế ở Hàn Quốc

(Baonghean) - Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị luận tội là một nghi phạm tham nhũng, Phó chủ tịch Samsung - tập đoàn giữ vai trò “xương sống” của nền kinh tế Hàn Quốc bị truy tố với nhiều tội danh. Tất cả những diễn biến này buộc Hàn Quốc đối mặt “bão tố” cả trên chính trường lẫn kinh tế. 

Tương lai nào cho nữ Tổng thống?

Tổng thống Park Geun-hye đã không tham dự phiên tòa cuối cùng hôm 28/2 để nghe tòa luận tội. Một trong các luật sư của bà Park đã đọc bản tuyên bố của bà trước tòa, theo đó nữ Tổng thống một lần nữa bày tỏ lời xin lỗi vì đã “gây ra nỗi đau rất lớn cho người dân” và làm trở ngại nhiều vấn đề nghị sự. Song bà cũng phủ nhận tất cả những cáo buộc trong vụ bê bối liên quan đến người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil. 

Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc yêu cầu luận tội quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn. Ảnh Yonhap
Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc yêu cầu luận tội quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn. Ảnh Yonhap

Về mặt luật pháp, các công tố viên xác định bà Park đã cấu kết với người bạn thân lâu năm là bà Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung – tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc – nhằm đổi lấy những ưu đãi đối với hoạt động của mình.

Điều này đồng nghĩa, bà Park bị xác định là một nghi phạm tham nhũng! Tuy nhiên, theo luật pháp Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ không phải đối mặt ngay lập tức với các lời buộc tội trên nhờ những quy định miễn trừ truy tố đối với Tổng thống đương nhiệm.

Nhưng, nếu Tòa án Hiến pháp ủng hộ quyết định luận tội Tổng thống, bà Park sẽ bị tước quyền miễn trừ truy tố và sẽ bị đình chỉ chức vụ Tổng thống ngay lập tức. Dự kiến, vào ngày 13/3 tới sẽ là ngày “định mệnh” khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ công bố phán quyết cuối cùng để xem Tổng thống Park có bị luận tội như đề xuất của Quốc hội hay không.  

Cần phải nhắc lại rằng, để được thông qua, phải có ít nhất 6/9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp ủng hộ quyết định luận tội của Quốc hội. Hiện 1 trong số 9 người này đã kết thúc nhiệm kỳ tại tòa án hôm 31/1. Một người khác là Chánh án Lee Jung-mi cũng sẽ nghỉ hưu vào ngày 13/3 tới. Và việc bổ nhiệm người mới sẽ khó xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện tại. Số lượng thẩm phán giảm nhưng việc đồng ý luận tội vẫn phải cần có đủ 6 phiếu - điều này được cho là có lợi cho bà Park. 

Hơn nữa, theo các chuyên gia, Tòa án hiện tại được cho là khá bảo thủ, thường xuyên đứng về phía Chính phủ trong các biến cố lớn trong nhiệm kỳ Tổng thống vậy nên cơ hội cho bà Park không bị luận tội vẫn là điều có thể. Tuy vậy “lối thoát” cho bà còn rất hẹp khi bà Park vừa bị cáo buộc tham nhũng và làn sóng chống lại bà cũng vẫn lan rộng tại Hàn Quốc.

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy có tới 74% người được hỏi mong muốn Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sớm kết luận và đưa ra phán quyết cho phép Quốc hội luận tội bà Park. Chưa rõ tương lai của vị nữ Tổng thống xứ Kim chi sẽ đi về đâu và kết luận cuối cùng chỉ có sau ngày 13/3 tới.

Khủng hoảng khó lường

Chính trường Hàn Quốc ngày càng hé lộ những rạn nứt và căng thẳng khó giải quyết. Việc kết thúc cuộc điều tra hôm 28/2 về vụ bê bối của Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye đã khiến các Đảng đối lập nước này “nổi đóa”. Bà Park bị cáo buộc tham nhũng vẫn chưa làm hài lòng các đảng phái đối lập.

Họ yêu cầu luận tội quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn vì ông quyết định không kéo dài thời hạn việc điều tra vụ bê bối này. Đồng thời, các đảng đối lập cũng đã quyết định đề nghị Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun thực hiện quyền của mình trực tiếp tổ chức cuộc bỏ phiếu về một dự luật cho phép kéo dài thời hạn điều tra vụ bê bối liên quan đến bà Park. 

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, để luận tội Thủ tướng cần phải có ít nhất 1/3 số nghị sĩ Quốc hội đề xuất và ít nhất quá 50% số phiếu tán thành. Trong khi đó, các đảng đối lập chiếm tới 166 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế nên nhiều nhà quan sát cho rằng họ sẽ không gặp khó khăn trong việc đảm bảo số phiếu tối thiểu để luận tội Thủ tướng Hwang.

Ngoài ra, để đạt được mục đích, trong thời gian tới, nhiều khả năng các đảng đối lập sẽ tiến hành các cuộc vận động hành lang để thuyết phục thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ khác trong Quốc hội. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này đang có thêm những diễn biến khó lường.

Kinh tế cũng “nín thở”

Trong lúc chính trường rối ren thì nền kinh tế Hàn Quốc cũng “thấp thỏm” không kém. Samsung, tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế, cũng đang “dính” vào vụ bê bối lớn liên quan đến Tổng thống Park.

Tháng trước, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, người thừa kế tương lai của tập đoàn bị bắt đã dấy lên hàng loạt quan ngại. Các quyết định mua bán, sáp nhập và nhân sự ngay lập tức bị “chững lại”. 

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị truy tố tội hối lộ. 	Ảnh Reuters
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị truy tố tội hối lộ. Ảnh Reuters

Trong phiên xét xử mới đây, ông Lee cùng 4 giám đốc điều hành khác của Samsung chính thức bị truy tố với nhiều tội danh. Trong số nhiều tội danh, ông Lee bị cáo buộc đã trả hơn 40 triệu USD dưới dạng hối lộ cho bà Choi Soon Sil - người bạn thân tín của Tổng thống Park để đổi lại những bảo đảm cho các khoản vay.

Bản cáo trạng đối với ông Lee tiếp tục là đòn giáng mạnh vào tập đoàn điện tử khổng lồ có trụ sở ở Suwon giữa lúc họ đang cố gắng lấy lại thăng bằng sau vụ mẫu smartphone Note 7 thất bại hồi năm ngoái. Sóng gió cũng đã khiến tập đoàn này phải giải tán Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp, bộ phận cấp cao ra quyết định cho hãng song lại có liên quan đến vụ điều tra tham nhũng. Việc này có thể cản trở doanh nghiệp có tiếng xứ Hàn đưa ra quyết định kinh doanh.

Một vài ý kiến cho rằng ảnh hưởng của vụ việc sẽ tiếp tục trong vòng một tới hai năm nữa khiến nhiều thương vụ và đầu tư mới của Samsung bị đình lại, làm giảm khả năng cạnh tranh của tập đoàn này trên trường quốc tế. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả Hàn Quốc.

Thanh Huyền

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.