Báo động gia tăng tình trạng giả danh CSGT
(Baonghean.vn) "...Đối với CSGT hóa trang, theo Thông tư 27 của Bộ Công an quy định rõ: CBCS Công an mặc thường phục không có thẩm quyền xử phạt mà phải phối hợp với lực lượng công an tuần tra có mặc sắc phục. Lực lượng hóa trang có nhiệm vụ thông báo với cảnh sát mặc sắc phục thực hiện hiệu lệnh kiểm tra, xử lý... khi đã phát hiện đối tượng vi phạm".
Giả danh để vòi tiền phạt
Theo thống kê của Công an TP. Vinh, từ đầu năm 2011 đến nay, ngoài những trường hợp mà người dân tố giác sau khi đối tượng giả danh CSGT thực hiện hành vi trót lọt, đã có 4 trường hợp bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Điển hình là vào khoảng 18h30 (ngày 30/1/2011), khi đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Lê Viết Thuật (TP.Vinh), 2 phụ nữ đã bị một thanh niên mặc trang phục CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra giấy tờ. Trong khi đối tượng này đang vòi tiền thì lực lượng cải trang mật phục CSGT Công an Thành phố Vinh đã ập tới bắt quả tang. Sau khi được di lý về trụ sở để xử lý, đối tượng đã lộ nguyên hình là kẻ lừa đảo. Đối tượng tên là Nguyễn Văn Tuân (SN 1982, trú tại xã Ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh). Đáng nói là, đây không phải là lần đầu tiên đối tượng thực hiện hành vi giả danh CSGT. Trước đó, từ khoảng cuối năm 2010 tới khi bị bắt, hắn đã thực hiện trót lọt 10 vụ, chiếm đoạt tiền của người điều khiển phương tiện với số tiền hàng triệu đồng (số tiền "phạt" thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 850.000 đồng).
Trong khi CSGT lập chốt kiểm tra công khai và thường có 3 người trở lên thì các đối tượng giả danh thường hành sự một mình tại những địa điểm vắng người.
Hay như vào hồi 10h30 ngày 14/3/2011, trên đường Phong Định Cảng (TP.Vinh), lực lượng cải trang của Đội CSGT Công an TP. Vinh đã bắt quả tang 2 đối tượng: Nguyễn Đình Trường Sơn (SN 1989, trú tại khối 4, phường Trường Thi) và Đinh Văn Thông (SN 1988, trú tại khối 3, phường Hồng Sơn) đang thực hiện hành vi giả danh CSGT để kiểm tra xe vi phạm, với mục đích chiếm đoạt tiền của người điều khiển phương tiện. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng còn khai nhận trước đó đã chiếm đoạt được 200.000 đồng của một người dân gần khu vực Đài PTTH tỉnh. Sơn còn khai, trước đó đã kiểm tra xe của một thanh niên vi phạm tốc độ gần khách sạn Phương Đông vào ngày 10/3/2011. Người thanh niên này sợ hãi bỏ xe lại, Sơn đã chiếm đoạt luôn chiếc xe máy.
Mới đây nhất, vào 14h ngày 3/11, anh Nguyễn Văn Cường (trú tại huyện Yên Thành) đi đến khu vực hồ Cửa Nam (TP.Vinh) thì bị đối tượng Trần Quốc Khánh (SN 1964, thường trú tại phường Trung Đô, TP.Vinh) tự xưng là đội phó Đội CSGT Công an TP Vinh và yêu cầu anh Cường xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Do anh Cường không mang theo giấy tờ nên Khánh đã yêu cầu nộp 400 nghìn đồng. Trong lúc Khánh đang nhận tiền, Trung tá Nguyễn Thanh Thọ - Đội phó Đội CSGT Công an TP.Vinh đã kịp thời có mặt và bắt giữ.
Cần nêu cao tinh thần cảnh giác
Ngoài những vụ việc nói trên, chắc hẳn còn rất nhiều trường hợp lừa đảo trót lọt mà người dân đi đường không phát hiện ra, hoặc khi biết thì đối tượng cũng đã "cao chạy xa bay". Các đối tượng lừa đảo đã đánh trúng tâm lý của người tham gia giao thông là khi vi phạm Luật Giao thông, thường đưa tiền ra nộp cho xong chuyện, để không phải "lòng vòng" qua các khâu lập biên bản, rồi sau đó đến nộp phạt lấy lại giấy tờ hoặc phương tiện.
Hơn nữa, dù pháp luật đã quy định gia tăng mức phạt tiền đối với các lỗi vi phạm, nhưng nhiều người khi tham gia giao thông vẫn không ý thức chấp hành, nếu bị bắt và xử lý sẽ phải nộp phạt từ 100.000 đồng trở lên. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý "ham rẻ", chỉ yêu cầu nộp tiền một nửa hoặc ít hơn nhiều so với tổng các mức lỗi gộp lại và nếu thực hiện trót lọt nhiều vụ thì số tiền mà chúng chiếm đoạt được sẽ không hề nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Dương Văn Hòa- Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP.Vinh, cho rằng: Tình trạng giả danh CSGT để lừa đảo là điều khá mới nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ việc người dân bị lừa mất tiền, mà lực lượng CSGT cũng bị làm vấy bẩn hình ảnh, thậm chí là mất niềm tin từ phía người dân. Theo Khoản 1, Điều 139 Bộ luật Hình sự, hình phạt cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, trước tình trạng giả danh CSGT ngày càng gia tăng như hiện nay, không chỉ đòi hỏi lực lượng chức năng phải có những giải pháp mạnh tay, mà người dân cũng cần đề cao cảnh giác khi được CSGT yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra giấy tờ. Cần quan sát nhận dạng tên tuổi, cấp bậc, số hiệu đối với những người mặc sắc phục, và yêu cầu kiểm tra thẻ ngành đối với những người mặc thường phục, nhất là đối với những người có biểu hiện bất thường về hành vi như vòi tiền phạt, giữ giấy tờ hoặc phương tiện...
Bởi theo quy định, lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo TTATGT (mặc sắc phục hay thường phục) đều được tổ chức thành tổ công tác từ 3 người trở lên. Địa điểm lập chốt kiểm tra, xử lý cũng được thực hiện theo kế hoạch (có xe ôtô, xe máy chuyên dụng, có giấy tờ phục vụ việc xử lý) tại những vị trí công khai. Ngược lại, các đối tượng giả danh CSGT cũng có thể có trang phục giống CSGT (do lấy trộm) nhưng thường đi một mình hoặc 2 người trên một xe gắn máy, đuổi theo người đi đường và ép kiểm tra giấy tờ. Các đối tượng thường chọn chỗ vắng để "xử phạt" và không có biên lai, các hóa đơn tài chính để xử phạt.
Đối với CSGT hóa trang, theo Thông tư 27 của Bộ Công an quy định rõ: CBCS Công an mặc thường phục không có thẩm quyền xử phạt mà phải phối hợp với lực lượng công an tuần tra có mặc sắc phục. Lực lượng hóa trang có nhiệm vụ thông báo với cảnh sát mặc sắc phục thực hiện hiệu lệnh kiểm tra, xử lý... khi đã phát hiện đối tượng vi phạm".
Đó chính là cơ sở để người dân biết cách phòng ngừa nếu gặp trường hợp tự xưng là công an. Và trên hết, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, có như vậy thì đối tượng lừa đảo mới không có cớ để buộc dừng xe, yêu cầu "xử phạt".
Quảng An