Báo động tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nhiều vi phạm
Trong năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Thái Hòa đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an thị xã phát hiện, xử lý 8 vụ việc liên quan đến các đối tượng là học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thực hiện hành vi: Tàng trữ trái phép chất ma túy (hồng phiến, cỏ); Chế tạo pháo nổ (pháo diêm), Tàng trữ hàng cấm (pháo nổ); Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; Trộm cắp tài sản; Trong đó, khởi tố 2 vụ án 3 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 7 đối tượng.
Cá biệt như trường hợp của đối tượng Cao Xuân T. (SN 2006), trú tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa đã bị Công an thị xã Thái Hòa xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép pháo” vào ngày 26/09/2022.
Dù vậy, T. không hối lỗi mà vẫn tiếp tục có hành vi tàng trữ 7 quả pháo hình cầu có nhiều màu sắc, bên ngoài được bọc bằng nhựa, đường kính mỗi quả là 1,5 cm, được gắn 1 sợi dây màu xanh dài 2 cm là pháo nổ. Do đó, ngày 03/01/2023, Viện KSND thị xã Thái Hòa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Cao Xuân T. về tội “Tàng trữ hàng cấm”. Khi bị khởi tố, T. đang là học sinh của một trường THPT trên địa bàn.
Về tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, các hành vi thường thấy là tự giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, gây rối, đánh nhau gây mất trật tự công cộng; sử dụng pháo nổ trái phép; buôn bán, sử dụng ma túy; bạo lực học đường; cướp giật, trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, là hành vi vi phạm an toàn giao thông như: điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định; không có Giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; có hành vi lạng lách, đánh võng; bốc đầu khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh giao thông…
Tại Nghệ An từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 1.135 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT , với tổng số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Ở khu vực miền núi, biên giới, tình trạng tảo hôn ngày càng gia tăng cũng là mối bận tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ví như tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, trong năm 2023, có 235 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Càn, Đoọc Mạy, Nậm Cắn... Trong đó có những trường hợp chỉ mới 13-14 tuổi, để lại nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội.
Theo ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội của thanh, thiếu niên và học sinh. Trong đó, nguyên nhân chính là do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống, bồng bột và thiếu kinh nghiệm phòng tránh khi đối mặt với nguy cơ và hành vi vi phạm pháp luật của người khác.
Về mặt chủ quan, thanh, thiếu niên, học sinh đang ở độ tuổi phát triển về tâm, sinh lý và thể chất, thích thể hiện, khẳng định mình, thích tìm tòi, khám phá cái mới, nhưng bản thân còn thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm sống, trong khi đó, hàng ngày tiếp xúc với mặt trái của các trang mạng xã hội, bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo.
Bên cạnh đó là những tác động đến từ phía gia đình, như hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bố mẹ ly hôn, bố mẹ vi phạm pháp luật, bố mẹ đi làm ăn xa, người thân thiếu quan tâm, giáo dục, buông lỏng quản lý. Mặt khác, hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học chưa thường xuyên, hình thức, nội dung chưa phù hợp. Tổ chức Đoàn - Hội các cấp chưa phát huy được vai trò xung kích trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh, thiếu niên.
Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng chậm tiến trên địa bàn vẫn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, nên hiệu quả chưa cao.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa
Để hạn chế hành vi vi phạm, tội phạm trong thanh, thiếu niên, học sinh; thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học trên địa bàn Nghệ An được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; hình thành ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường phối hợp với ngành chức năng lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật trong các tiết học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa; tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội, an toàn giao thông và các vi phạm về pháo nổ.
Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng đối tượng thanh thiếu nhi. Nhiều mô hình, cách làm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên đã phát huy hiệu quả tích cực theo phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” như: mô hình "Cổng trường tự quản về an toàn giao thông"; Bến đò ngang an toàn; Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh, trật tự; Phiên toà giả định; Đội Thanh niên xung kích…
Tại khu vực miền núi, lực lượng Bộ đội biên phòng đã tích cực phối hợp với các trường học đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho học sinh, như mô hình "Tiết học vùng biên", "Bản tin vùng biên" hay hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh lớp 9.
Thượng tá Hoàng Thanh Quang- Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) cho biết: Tại địa bàn Tri Lễ, hoạt động của tội phạm ma túy; khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép; tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế trái phép, vi phạm quy chế biên giới thường xảy ra. Vì vậy, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được đơn vị quan tâm, nhất là đối với giới trẻ vùng cao.
Trong năm 2023, đồn đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân được 20 buổi/2.157 lượt người nghe. Riêng đối tượng học sinh lớp 8, lớp 9 tổ chức tuyên truyền được 30 buổi/630 lượt học sinh. Nội dung trọng tâm là Quy chế biên giới, Luật Biên phòng, Luật Phòng, chống ma túy, mua bán người; Luật Hôn nhân gia đình, phòng, chống tảo hôn; bài trừ lá ngón…
Riêng đối với thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm ATGT, cùng với biện pháp mạnh là tăng cường tuần tra, xử lý trực tiếp, công an các địa phương đã thâm nhập mạng xã hội để theo dõi các hội, nhóm, sử dụng hình ảnh, clip do chính người dân cung cấp để truy xét có căn cứ xử lý. Đồng thời, phối hợp với các nhà trường, các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trực quan trong nhà trường; kết hợp các biện pháp tuyên truyền, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật và đảm bảo an ninh, an toàn trường học, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn từ phía ngành chức năng, ngành Giáo dục và của cả hệ thống chính trị mà cần sự quan tâm, quản lý, giám sát con em chặt chẽ từ chính mỗi gia đình; bao gồm cả quản lý, giám sát việc sử dụng mạng xã hội.
Bởi thực tế hiện nay, các đối tượng xấu thường sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động giới trẻ tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Một bộ phận thanh, thiếu niên do thiếu hiểu biết có thói quen like, share, bình luận các thông tin xấu, độc mà không đọc kỹ hoặc thẩm định thông tin tạo “kẽ hở” để các phần tử xấu lợi dụng phát tán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội… gây bất ổn trong dư luận.
Do vậy, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của thanh, thiếu niên, học sinh là cần thiết.