Bảo hiểm nông nghiệp: "Gần lại" với nông dân
(Baonghean) - Qua 3 năm thực hiện, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua đó cũng bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ khi đưa chương trình vào triển khai trên diện rộng...
Thu hoạch lúa vụ hè thu 2014 ở xã Long Thành (Yên Thành). |
Chỗ dựa của nhà nông
Nhân Sơn là xã vùng “rốn lũ” của huyện Đô Lương, vào mùa mưa lụt, nước từ các nơi đổ dồn về gây úng ngập và làm ô nhiễm môi trường. Hầu như năm nào ở xã cũng xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, nông dân xã chủ yếu tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp dành cho vật nuôi. Toàn xã có 588/985 hộ chăn nuôi tham gia chương trình, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, thuộc diện được hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm. Ông Hà Văn Vinh - cán bộ nông nghiệp xã Nhân Sơn cho biết: Bắt đầu tham gia chương trình từ năm 2012, đến nay các hộ dân đã nhận được trên 100 triệu đồng tiền hỗ trợ thiệt hại. Thực tế, từ khi tham gia bảo hiểm, người dân có ý thức tự giác khai báo, tiêu hủy vật nuôi khi bị dịch bệnh, chứ không giấu dịch và bán “chạy” như trước nữa. Còn tại xã vùng trũng Long Thành (Yên Thành), nhiều lần nông dân lâm vào cảnh trắng tay khi vụ lúa bị thiệt hại do thiên tai. Vì vậy, khi chương trình thí điểm về bảo hiểm nông nghiệp được triển khai, người dân nơi đây đón nhận khá nhiệt tình. Có 4 sào ruộng, nhưng không ít lần gia đình ông Ngô Thanh Toàn, xóm Đông Yên, xã Long Thành phải đi mua gạo ăn vì lúa đến ngày gần thu hoạch bị mất trắng vì mưa lụt. “Có những năm như năm 2010, cả cánh đồng chỉ thấy mênh mông nước trắng. Tôi mua bảo hiểm nông nghiệp 3 năm nay với mức phí phải đóng là trên 500 nghìn đồng. Số tiền tôi được hỗ trợ khi mất mùa là 7 triệu đồng. Nếu chương trình tiếp tục được triển khai, gia đình sẽ tiếp tục tham gia”, ông Toàn chia sẻ.
Là 1 trong 3 địa phương được chọn triển khai thí điểm chương trình bảo hiểm cây lúa từ năm 2012, qua 3 năm triển khai, huyện Yên Thành đã có 39/39 xã với gần 48 nghìn hộ tham gia, tổng phí bảo hiểm lên tới trên 14 tỷ đồng. Theo đánh giá chung, chương trình đã đem lại những tác động tích cực và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Còn tại huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “27 xã có sản xuất lúa của Quỳnh Lưu đều tham gia vào chương trình này. Qua triển khai ở 5 vụ sản xuất, có thể khẳng định đây là một chủ trương có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng. Có những năm, người dân vùng thấp trũng Quỳnh Thanh được hỗ trợ số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng từ chương trình”.
Trong thí điểm thực hiện chương trình bảo hiểm nông nghiệp, Nghệ An có 6 huyện tham gia, trong đó 3 huyện tham gia bảo hiểm cây lúa là Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu; 3 huyện bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò, lợn) là Đô Lương, Thanh Chương và Tương Dương. Đến ngày 31/12/2013, đã có 152.958 lượt hộ tham gia, với phí bảo hiểm trên 78.403 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 76.000 triệu đồng. Theo đánh giá chung của các địa phương tham gia chương trình công tác giải quyết bồi thường thiệt hại kịp thời và đúng chế độ quy định, góp phần động viên nông dân tổ chức lại sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai, dịch bệnh. Người dân đã được nhận 8.394 triệu đồng từ chương trình, trong đó bảo hiểm cây lúa là 5.994 triệu đồng. Những lợi ích từ chương trình đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân khi tham gia bảo hiểm. Chương trình cũng đã nâng cao nhận thức của người nông dân về sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp trong sản xuất. Việc chi trả, bồi thường kịp thời đã tạo điều kiện cho các hộ dân phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống sau rủi ro, dịch bệnh.
Một Trang trại nuôi lợn ở xã Thanh Dương (Thanh Chương). |
Những bất cập
Mặc dù lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp đối với người nông dân đã được chứng minh rõ; tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đối với cả bên mua và bên bán bảo hiểm. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, trong quy định, có nhiều nội dung không phù hợp. Năng suất bảo hiểm tính bằng 80% năng suất bình quân 3 năm trước đó là không sát thực tế. Căn cứ để hỗ trợ bảo hiểm cho nông dân được tính dựa vào năng suất chung của toàn xã, cụ thể là nếu năng suất lúa của toàn xã giảm từ 20% trở lên thì nông dân mới được hỗ trợ, dẫn đến nhiều trường hợp người dân bị mất mùa riêng, dù đã tham gia đóng bảo hiểm nhưng vẫn không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, khi lúa mới gieo cấy mà gặp thiên tai bão lụt, cũng yêu cầu trên 20% diện tích bị mất mới được hỗ trợ kinh phí để gieo cấy lại; đồng thời, khi có thiên tai phải có quyết định công bố của UBND tỉnh thì mới được hỗ trợ... đều là không phù hợp với điều kiện thực tế. Đó cũng là ý kiến chung của những địa phương có tham gia thí điểm chương trình.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu, cho biết: Việc xác định, đánh giá mức độ thiệt hại để làm căn cứ hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện thực tế, khi đồng ruộng dù đã được dồn điền, đổi thửa nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, quy mô không tập trung. Năng suất bảo hiểm phải được tính theo từng năm hoặc từng vụ, công tác bồi thường cho người tham gia bảo hiểm nên tính theo thực tế bằng cách lấy năng suất sụt giảm của người tham gia so với năng suất bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, cần bãi bỏ quy định diện tích bị ngập úng đầu vụ từ 5 ha/xã và tính bồi thường thiệt hại ở giai đoạn này cho hợp lý, theo đó, có thể bồi thường số lượng giống bị thiệt hại theo giá thị trường để tái sản xuất. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, cần có những sửa đổi, bổ sung những quy định về thiên tai dịch bệnh và quy trình công bố dịch phù hợp với điều kiện thực tế.
Còn đối với bảo hiểm dành cho vật nuôi, thì theo ông Hà Văn Vinh - cán bộ nông nghiệp xã Nhân Sơn (Đô Lương), trong quy định, để được bảo hiểm chi trả phải kê khai tuổi vật nuôi dẫn đến nhiều trường hợp kê khai gian lận hoặc người dân chưa quen có sổ sách theo dõi quá trình nuôi, nên dù bị thiệt hại thật cũng không được bồi thường. Trước tập quán, thói quen và nhận thức của người dân về chăn nuôi như hiện nay, nên cặp biển số vào tai vật nuôi để theo dõi những con được mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, giá bồi thường vật nuôi khi tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp, ví dụ như chỉ mức 9 triệu đồng/con trâu không tính đến yếu tố trọng lượng… Việc hoàn thiện các quy định về bảo hiểm nông nghiệp sát với thực tế, giúp cho việc chi trả bảo hiểm kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, tránh những dư luận ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm trong quá trình triển khai ra diện rộng.
Về phía đơn vị bán bảo hiểm, theo phản ánh cũng gặp không ít khó khăn cần khắc phục. Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An (đơn vị tham gia chương trình) cho biết: Kết quả thực hiện chưa cao, đối tượng tham gia bảo hiểm còn ít, chủ yếu là các hộ nghèo, còn các đối tượng hộ cận nghèo và hộ bình thường chưa tham gia nhiều; tâm lý người dân chưa muốn bỏ tiền ra đóng phí, mà chỉ muốn nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đây cũng là một lĩnh vực mới, sản phẩm mới, tính chuyên môn cao nên không chỉ bà con nông dân mà ngay cả các thành viên ban chỉ đạo các cấp cũng chưa thực sự hiểu, trong khi đó công tác tuyên truyền, vận động người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện tham gia bảo hiểm không có sự ràng buộc của hộ tham gia, nên dẫn đến khó quản lý và dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm. Về năng suất thực tế (bảo hiểm cây lúa), phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như cơ cấu giống thay đổi theo mùa vụ, chăm bón và thuốc BVTV, nhưng khi năng suất thực tế giảm thì đều được quy về cho yếu tố thuộc phạm vi bảo hiểm là thiên tai, sâu bệnh mà không xét được mức giảm do những nguyên nhân khác gây ra…
Có thể nói, để chương trình bảo hiểm nông nghiệp có thể triển khai sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự nghiên cứu, bàn bạc, thống nhất giữa các bên tham gia chương trình, tạo sự đồng thuận cao hơn trong nông dân - những người trực tiếp tham gia và hưởng quyền lợi chính đáng từ chủ trương quan trọng này của Nhà nước.
Bài, ảnh: Phú Hương