Báo Nghệ An 20 năm đổi mới (1991-2011): Thời kỳ 1991-2001

Cuối tháng 8 năm 1991, sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ Tĩnh chia thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Báo Nghệ Tĩnh khẩn trương tổ chức xuất bản số báo cuối cùng, rồi tiến hành các bước chia tách Tòa soạn.

Báo Nghệ An có thuận lợi hơn Báo Hà Tĩnh là không phải di chuyển, không phải xây dựng trụ sở làm việc, xây dựng nhà in nên đã ưu tiên những phương tiện, cơ sở vật chất tốt hơn cho Báo Hà Tĩnh.

Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Nghệ An được thành lập, đồng chí Nguyễn Bá – Bí thư Tỉnh ủy chỉ thị cho Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức và Văn phòng Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện đề án tổ chức bộ máy, chỉ định Ban Biên tập, sớm ổn định điều kiện làm việc của Tòa soạn, bảo đảm xuất bản số đầu tiên của Báo Nghệ An ra ngày 2/9/1991.

Đồng chí Thái Ngô Dương – Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh trước đây được đề bạt giữ chức Tổng Biên tập. Đồng chí Nguyễn Thanh Tiên – Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh trước đây, giữ chức Phó Tổng Biên tập kiêm Bí thư Chi bộ Báo Nghệ An. Đồng chí Trần Văn Hiền được giao phụ trách phòng Thư ký Tòa soạn.

Báo Nghệ An thành lập ba phòng gồm: Phòng Thư ký, phòng Phóng viên và phòng Hành chính – Trị sự. Riêng Nhà in Báo Nghệ An do đồng chí Hồ Kim Tuấn làm Giám đốc, đồng chí Đỗ Minh Tý làm Phó Giám đốc và trực thuộc Ban Biên tập Báo Nghệ An.

Sau ngày tách tỉnh, đội ngũ phóng viên chủ lực của Báo Nghệ An chỉ có 9 người nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu phản ánh toàn diện các vấn đề, đề tài: xây dựng Đảng; kinh tế công nghiệp; kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp; thương mại, du lịch; văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao; quốc phòng – an ninh. Bộ phận biên tập chỉ có 4 người, biên tập tin, bài chỉ có một người kiêm thư ký Tòa soạn, về sau được bổ sung thêm một người nữa. Họa sĩ trình bày mặt báo phải kiêm thêm phần việc mo-rát.

Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng (thứ nhất phải sang) làm việc với Báo Nghệ An về việc thành lập nhà in báo (1992). Ảnh tư liệu: Lan Xuân
Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng (thứ nhất phải sang) làm việc với Báo Nghệ An về việc thành lập nhà in báo (1992). Ảnh tư liệu: Lan Xuân

Số báo đặc biệt in hai màu, khổ 27,3cm x 39cm, 8 trang, tên Báo Nghệ An in thẳng, dưới tên Báo là dòng chữ: “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An”. Sau đó, báo Nghệ An in khổ rộng như báo Nhân Dân với 4 trang. Từ năm đầu tiên sau ngày chia tỉnh (1991) đến năm 1995, báo Nghệ An phát hành vào ngày thứ ba và thứ sáu hàng tuần.

Từ tháng 12/1996, tăng lên tuần 3 số (thứ ba, thứ năm và thứ bảy). Tờ thứ bảy mang tính văn nghệ, in màu cùng khổ lớn như báo thường ngày. Đầu năm 1998 đáp ứng nhu cầu bạn đọc báo lên tuần 4 số (thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật), số chủ nhật in màu. Từ quý 4 năm 1999, khi Nhà nước áp dụng công chức nghỉ ngày thứ bảy thì Báo Nghệ An chủ nhật chuyển sang in “Nghệ An cuối tuần”, gộp hai số thứ bảy và chủ nhật thành một số, in màu, khổ nhỏ hơn. Do chất lượng và hình thức được nâng cao, số lượng báo phát hành cũng nâng từ 3.000 bản/số (năm 1991) lên 5.000 bản (khi ấn hành 1 tuần 3 số) rồi lên 6.000 (khi có báo chủ nhật) và trên 18.000 bản khi có Nghệ An cuối tuần.

Trong điều kiện vừa tổ chức, sắp xếp bộ máy, vừa khắc phục những khó khăn, thiếu thốn phương tiện hoạt động nghiệp vụ, Báo Nghệ An vẫn bám sát yêu cầu, nội dung, mục tiêu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đề ra sau Đại hội lần thứ XIII (vòng 2). Chi ủy và Ban Biên tập tổ chức cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên tiếp thu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Chủ đề tư tưởng tập trung thể hiện trên các số báo thường kỳ và đặc biệt là: Phản ánh, tổng kết phong trào thi đua của cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà, phấn đấu ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm các hoạt động xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường trật tự an toàn xã hội, đưa Nghệ An thoát dần khỏi tình trạng trì trệ và có bước phát triển. Chủ đề cụ thể là nêu bài học, nêu điển hình những tập thể, cơ sở, địa phương, ngành có phong trào đẩy mạnh sản xuất để ổn định đời sống, phát triển kinh tế hàng hóa. Vừa sản xuất tại chỗ, vừa lưu thông giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, tăng nhanh xuất khẩu, phấn đấu tự cân đối nhu cầu chi thường xuyên và có tích lũy để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất và phúc lợi. Giảm số hộ nghèo, đặc biệt là vùng núi và dân tộc.

Để phản ánh toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm những chủ đề lớn (giai đoạn 1992-1996), Ban Biên tập điều hành phóng viên có năng lực nắm bắt nhanh những vấn đề mới, tổ chức viết tin, bài theo hướng cụ thể từng số báo, thậm chí từng trang báo. Các bài viết nêu được vấn đề mới, đề cập đúng hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy đều được đăng ở vị trí ưu tiên. Những số báo chuyên đề, ngoài bài điều tra, còn có bài xã luận định hướng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các số báo Nghệ An xuất bản từ tháng 3/1992 đến tháng 8/1994 đều có bài xã luận và bài điều tra đăng ở trang 1.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VII) của Đảng về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế xã hội nông thôn, Báo Nghệ An có bài Xã luận “Nghị quyết của Đảng phải trở thành hiện thực trong cuộc sống”. Riêng đề tài này, Báo Nghệ An ra 20 số, đăng 200 tin, bài phản ánh hiện trạng, giải pháp củng cố quan hệ sản xuất nông nghiệp, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề hiện đại hóa nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.

Ngày 29 và 30/11/1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và đề ra định hướng phát triển kinh tế, xã hội miền núi – dân tộc thời kỳ 1991 – 1995. Xác định nhiệm vụ tuyên truyền về chủ trương, chính sách của tỉnh đối với các huyện miền núi, từ các số báo ra vào tháng 7/1992, Báo Nghệ An quyết định mở trang miền núi, phân công phóng viên thường trú tuyến đường 7 và tuyến đường 48. Mỗi tháng Báo dành 2 trang chuyên đề về miền núi – dân tộc, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ rừng, không phá rừng, đốt rẫy, chuyển giao diện tích đất không sử dụng hết của nông trường cho địa phương quản lý, đổi mới cơ chế đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, huy động sức lao động của bà con các dân tộc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một trong những chủ đề lớn mà Báo Nghệ An luôn coi trọng là phân tích, lý giải, đánh giá tính hiện thực của Nghị quyết 10 Bộ Chính trị về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Những điển hình về tư duy và cách thức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của nông dân ở các địa phương được nêu liên tục trong nhiều kỳ xuất bản báo. Báo Nghệ An nêu các mô hình về dịch vụ tiêu thụ sản phẩm ngoài tỉnh, mở mang xuất khẩu, làm tăng giá trị hàng hóa. Nhiều thành phần cùng tham gia sản xuất và điều tiết thị trường nông thôn như cung ứng vật tư, công cụ sản xuất, tổ chức vận tải tận hợp tác xã, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Báo Nghệ An cũng tập trung tuyên truyền chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giao diện tích, cấp giấy sử dụng đất nông lâm nghiệp lâu dài cho nông dân, góp phần khơi dậy tính năng động của nông dân, công nhân các nông trường, lâm trường khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, kỹ thuật canh tác ở những nơi đó. Toàn tỉnh có 3 vạn hộ nông dân thực hiện Chương trình 327, nhận 172.026 ha đất rừng, đất đồi; trồng mới trong 5 năm (1991-1995) được 3 vạn ha rừng và 75 triệu cây phân tán, khoanh nuôi, tu bổ 88.000 ha rừng.

Bám sát chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau hội thảo về “Đổi mới nghề cá, tổ chức hợp tác theo đơn vị thuyền nghề (tháng 11/1991)”, Báo Nghệ An chủ động đề xuất kế hoạch tuyên truyền dài kỳ với ngành Thủy sản theo các bước như: củng cố, đổi mới quan hệ sản xuất vùng biển, tiến hành cổ phần hóa, thực hiện phân phối thu nhập nghề biển theo tỷ lệ góp cổ phần và hiệu quả đánh bắt. Từ năm 1992 đến cuối năm 1993, báo cùng ngành Thủy sản chỉ đạo hình thức chuyển đổi hợp tác xã nghề cá theo đơn vị tàu, thuyền tại hợp tác xã Hải Đông (Nghi Hải), Vạn Xuân (Nghi Xuân), Diễn Thành, Diễn Bích (Diễn Châu), Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Phương Đông (Nghi Lộc). Sau hai năm, Báo Nghệ An đã góp phần chứng minh tính ưu việt của việc làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ nguồn vốn vay, tạo ra động lực mới trong các thành phần kinh tế, huy động được nhiều nguồn vốn cho sản xuất. Năm 1991, toàn tỉnh có 2.966 tàu, thuyền đánh cá, năm 1995 tăng lên 3.966 tàu thuyền với tổng công suất 46.000 cv, tăng bình quân 29%/năm, thu hút hàng ngàn lao động có việc làm, sản lượng đánh bắt đạt 17.950 tấn. Đánh giá những cố gắng của Báo Nghệ An, Bộ Thủy sản, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay Ban Tuyên giáo Trung ương) đã trao tặng Báo bằng khen về thành tích tuyên truyền phát triển biển, đảo.

Trong 5 năm từ 1991 – 1995, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Báo Nghệ An với mỗi tuần 2 số báo (vào thứ ba và thứ sáu), số thường in đen trắng, số đặc biệt in 4 màu, 8 trang hoặc 12 trang, số Tết in 24 trang hoặc 36 trang, đã xuất bản 416 kỳ báo với số lượng phát hành mỗi kỳ 5.000 tờ. Hai số báo Tết cổ truyền đầu tiên (sau ngày chia tỉnh) phải đưa in tại Hà Nội, có năm phải in bìa báo tại Nhà in Ngân hàng Trung ương, Nhà in Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1994 – 1995 và những năm sau này, Báo Nghệ An số đặc biệt được in tại Nhà in của Báo.

Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII (1992 – 1995), theo đánh giá tổng quát, Báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, chuẩn bị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (1996- 2000) “Tốc độ phát triển kinh tế tăng khá, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu của Đại hội đề ra”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng nêu nhận xét: “Báo Nghệ An được phát hành đến nhiều chi bộ Đảng, góp phần quan trọng nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng con người mới, thúc đẩy kinh tế phát triển

Sau 5 năm (1991 – 1995), Báo Nghệ An trưởng thành về nhiều mặt; bộ máy Tòa soạn được sắp xếp ổn định, đội ngũ cán bộ, phóng viên được bổ sung, tăng cường. Đồng chí Nguyễn Thanh Tiên được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập (thay đồng chí Thái Ngô Dương đã đến tuổi nghỉ hưu), các đồng chí Phan Thị Thúy Liên, Trần Văn Hiền được đề bạt làm Phó Tổng Biên tập. Ban Biên tập thành lập Phòng bạn đọc, tăng cường mối quan hệ giữa Tòa soạn với gần 200 cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh thế hệ làm báo lâu năm, có bề dày nghiệp vụ là đội ngũ phóng viên trẻ nhiệt tình, tình nguyện bám cơ sở, đi miền núi, viết vượt định mức, nhiều bài có tác dụng tốt trong dư luận đời sống xã hội.

Bước vào thời kỳ mới (1996-2001), để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Báo Nghệ An cùng báo chí cả tỉnh, cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh ngày càng tỏ rõ lợi thế về tính nhanh nhạy, sinh động, kịp thời, đặt ra cho hệ thống báo in phải đổi mới nhanh chóng cả nội dung và hình thức thể hiện, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV chỉ rõ: “Huy động mọi tiềm năng trong tỉnh, kết hợp với mọi nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, đưa Nghệ An sớm ra khỏi tỉnh nghèo”.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, vấn đề có tính quyết định nhất vẫn là nhân tố con người, là nâng cao năng lực lãnh đạo của Chi ủy, Ban Biên tập, vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Nhà báo.

Chương trình hoạt động của Chi bộ Báo Nghệ An những năm đầu thế kỷ XXI nêu rõ: Nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ để chi bộ của Báo thực sự là hạt nhân lãnh đạo. Chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới; lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi hội Nhà báo để các đoàn thể, hội chính trị – nghề nghiệp này hoạt động có bề sâu, chất lượng, hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài mà Chi bộ và Ban Biên tập tập trung lãnh đạo thực hiện là xây dựng đội ngũ những người làm báo Đảng cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Từ ngày 1/4/2000, Tỉnh ủy có quyết định điều động đồng chí Nguyễn Thanh Tiên – Tổng Biên tập chuyển sang làm Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh; bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thế Kỷ – Phó Giám đốc phụ trách nội dung Đài PTTH tỉnh làm Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Đầu năm 2001, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và được phân công kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giới báo chí tỉnh nhà, Tổng Biên tập Báo Nghệ An được tham gia cấp ủy. Điều này một mặt phản ánh sự đánh giá, ghi nhận của cấp ủy với vị trí, vai trò, tác dụng tờ báo của Đảng bộ; mặt khác là cống hiến, là mong mỏi, là thành tích của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An trong những năm qua.

Để có được đội ngũ làm báo đạt tiêu chuẩn, có bản lĩnh, giàu sức sáng tạo, Ban Biên tập Báo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn, kết hợp giữa tại chức với tập trung. Cách đào tạo, bồi dưỡng là người nào thiếu kiến thức chuyên môn gì thì bố trí học thêm chuyên môn ấy. Để tăng cường đội ngũ về số lượng, đặc biệt là chất lượng, trong hai năm 2000 – 2001 Ban Biên tập tổ chức thi tuyển phóng viên bằng một quy trình nghiêm túc, xét chọn chặt chẽ những người đã được đào tạo Đại học chính quy, tập trung về báo chí hoặc chuyên ngành khác nhưng có năng khiếu về báo chí. Dù đã vào biên chế hay đang hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, các cây bút trẻ thực sự tạo nên nguồn sinh lực mới của báo, hứa hẹn những bước đi xa hơn.

Bộ phận vi tính, đồ họa của Báo cũng có bước trưởng thành nhanh chóng. Đến năm 2001 đã xử lý tốt các tin, bài, lên trang, trình bày các chủ đề, tổ chức đồ hoạ nhiều nội dung phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao.

Để có nội dung thông tin phong phú, bổ ích, nhanh nhạy, Báo Nghệ An đã khai thác sớm và có hiệu quả thông tin qua Internet. Việc chọn khai thác, đăng tải tin, ảnh qua Internet được thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, đạt các yêu cầu về chuyên môn. Tin, bài cộng tác viên đã nhận qua kênh này. Tất cả các số báo đưa tin, bài, ảnh về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX được phóng viên từ Hà Nội truyền về, nhờ đó, Báo Nghệ An là tờ báo địa phương đưa tin nhanh, sinh động, chính xác về Đại hội IX.

Năm 2000 – 2001, cùng với các số báo thường, Báo Nghệ An đã xuất bản gần 15 số đặc biệt (từ 16 trang lên 52 trang, in 4 màu), ra 1 tập sách “Người tốt, việc tốt” 300 trang. Các số báo đặc biệt chào mừng năm mới 2000, Tết Canh Thìn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội liên hoan Thi đua toàn tỉnh, toàn quốc năm mới 2001 và Tết Tân Tỵ được tổ chức xuất bản tốt, đạt yêu cầu cao về cả nội dung và hình thức, 2 năm liền được tặng giải A báo Xuân toàn quốc.

Nâng cao tính chiến đấu, tính chỉ đạo tính định hướng là mục tiêu phấn đấu nhằm đổi mới nội dung xuất bản của Báo Nghệ An. Ngoài mảng thời sự – chính trị, các bài xã luận, bình luận, chuyên mục xây dựng Đảng, sinh hoạt tư tưởng, Báo mở thêm chuyên mục “Ý kiến nhân dân” nhằm phục vụ cho chủ đề quan trọng này. Các bài viết ngắn hoặc ý kiến tâm huyết về xây dựng Đảng, xây dựng các Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; đề xuất giải pháp chống quan liêu, tham nhũng, biểu hiện sa sút phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được báo nêu trực diện, có bài bản, có trọng điểm, trọng tâm. Bộ phận bạn đọc được giao nhiệm vụ tiếp dân, mỗi tháng tiếp nhận, xử lý từ 20 đến 30 đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung, địa chỉ cụ thể. Hộp thư trả lời ý kiến nhân dân được duy trì ở trang 2, nội dung, kết quả trả lời thư của công dân có liên quan đến tổ chức, cá nhân được đăng trên trang nhất. Theo dấu thư phản ánh của bạn đọc, Ban Biên tập chỉ đạo phóng viên đi sâu, tìm hiểu, viết bài trả lời hoặc bài điều tra đăng trên báo.

Từ năm 1995 – 2001, nắm vững nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, các Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xóa cơ sở Đảng yếu kém hoặc chưa có chi bộ ở khối dân cư, cơ quan, trường học, 6 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Ban Biên tập xác định nội dung tuyên truyền 10 chủ đề lớn: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV; đề án phát triển khu công nghiệp tập trung; chương trình mía đường; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; sản xuất nông sản có giá trị hàng hóa cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; chương trình xóa đói, giảm nghèo; chính sách đầu tư cho vùng dân tộc – miền núi; xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện thay thế cây có giá trị hàng hóa. Ban Biên tập bố trí lại đội ngũ phóng viên, bổ sung biên tập viên, phân công phóng viên có năng lực theo dõi các ngành, địa phương, lĩnh vực quan trọng. Từ chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Biên tập xây dựng đề cương cho từng tháng, từng tuần, từng số báo. Tổ chức sinh hoạt nâng cao nghiệp vụ, đề ra quy chế xuất bản, chống sai sót trên mặt báo.

Từ năm thứ 33 (tháng 1/1/996), Báo Nghệ An được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý và chỉ đạo kế hoạch xuất bản một tuần 3 kỳ (vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy), số thứ bảy dành phần lớn nội dung cho các chủ đề về văn hóa văn nghệ. Báo khuyến khích phóng viên, cộng tác viên sử dụng nhiều hơn các thể loại báo chí, văn học như ký, ghi chép, thơ trữ tình, tranh vui, tranh phê bình, ảnh nghệ thuật, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Chuyên mục thể thao xuất hiện khá đều đặn. Từ năm 1996, Báo Nghệ An đổi măng sét (tên báo) mới: “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An”. Phía trái tên báo có in Huân chương Lao động hạng Ba, số thường in màu đỏ cờ (kể cả tít bài quan trọng đăng trang nhất).

Từ năm 1999, Báo Nghệ An xuất bản mỗi tuần 4 kỳ (thứ hai, thứ tư, thứ sáu và cuối tuần), số báo cuối tuần in 4 màu, 8 trang, khổ 27,3cm x 39cm. Từ ngày 1/1/2001, sau 3 năm kể từ thời điểm Báo Nghệ An ra phụ trương chuyên đề miền núi. Ban Biên tập xin chủ trương của Tỉnh ủy và quyết định ra thêm phụ trương: “Nghệ An Miền núi – dân tộc” phát hành cùng với Nghệ An cuối tuần. Tờ phụ trương này dành thông tin các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, những vấn đề thiết thực, bổ ích với bà con các dân tộc vùng cao. Phụ trương có cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, nhiều ảnh màu, chú trọng đến tuyên truyền chính sách, chủ trương, kinh nghiệm làm ăn, xây dựng đời sống ấm no, văn minh. Ấn phẩm này được Ủy ban Dân tộc – Miền núi Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các huyện và bà con các dân tộc biểu dương, khen ngợi.

Tính hấp dẫn của tờ Nghệ An cuối tuần và phụ trương Miền núi – dân tộc là hình thức đẹp, phong phú, bổ ích, lành mạnh, giàu chất văn hóa. Báo dùng nhiều bài viết là chuyên luận, bình luận, truyện ngắn, thơ, bút ký, ghi chép, phóng sự xã hội, tiểu phẩm, tản văn, thơ Đường, tranh vui, chuyện vui.

Tờ Nghệ An, Nghệ An cuối tuần, Nghệ An miền núi Dân tộc có đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đông đảo, giàu tâm huyết ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ người Nghệ xa quê. Tăng cường lượng thông tin, chú trọng đến tính khoa học và cả nhu cầu giải trí lành mạnh của bạn đọc, Báo càng ngày thu hút được đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng tổng số phát hành mỗi kỳ ổn định từ 8.300 tờ – 10.000 tờ/kỳ. Số đặc biệt, số Tết cổ truyền, lượng phát hành xấp xỉ 1,2 vạn – 1,4 vạn tờ/kỳ.

Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, trong Công văn số 520, ngày 6/10/2001, do đồng chí Hồng Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực ký gửi Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã đánh giá “Báo Nghệ An có nhiều thành tích trong đổi mới nội dung, hình thức tờ báo, nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, góp phần vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Với việc chăm lo tốt lực lượng, chăm lo đào tạo phóng viên, Báo Nghệ An duy trì đều, có chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, các số báo đặc biệt nhân các ngày kỷ niệm. Nhiều bài viết có tính lý luận, tổng kết thực tiễn. Đặc biệt do bám sát tôn chỉ, mục tiêu của báo, ý định chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, định hướng tuyên truyền của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Báo Nghệ An là một trong những tờ báo nhạy cảm với những vấn đề thời sự chính trị, vững vàng trong thông tin các vấn đề tôn giáo, dân tộc và các sự kiện nổi cộm ở địa phương… Báo Nghệ An luôn giữ được tính chiến đấu, tính chỉ đạo, thực sự là công cụ của cấp ủy chính quyền trong chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao sức chiến đấu của Đảng ở địa phương, nâng cao được uy tín với bạn đọc… là một trong 3 tờ báo Đảng bộ tỉnh có số lượng phát hành cao”.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu